Tiếng trống không bằng tiếng thơm

12/11/2016 2:14
Ngày xưa, lúc đức Phật ở tại nước Xá Vệ vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, có vị Thái tử của thiên vương, tên là Tịch La, từ trên trời bay xuống đến trước đức Thế Tôn, hướng về đức Thế Tôn đảnh lễ năm vóc sát đất, rồi đứng qua một bên chắp tay thưa hỏi đức Phật: “Người trong nhân gian, đều bị cuốn trôi theo y phục, ẩm thực, trân bảo, dục lạc địa vị và đất đai, có trường hợp nào trân bảo tìm đến con người không?”

Đức Thế Tôn tán thán: “Ông hỏi thật chí lý! Đúng là có trường hợp đất đai, trân bảo, dục lạc tìm đến con người.”

Tịch La lại tiếp tục hỏi: “Có thể khiến những nguyện vọng như ý luôn theo sát con người, rốt cuộc là có ý nghĩa gì?

Đức Thế Thế tôn đáp: “Hành vi của con người có thể phân làm hai loại: Một là làm thiện sẽ được phước đức, hai là tạo ác sẽ nhận chịu tai họa, hoạn nạn. Bất kể tai nạn hay phước đức, đều luôn theo con người như bóng theo hình.”

Tịch La nói: “Vi diệu thay! Vi diệu thay! Thật đúng như lời đức Thế Tôn dạy! Nghĩ lại về kiếp quá khứ, tôi từng làm vua ở nhân gian, vì nghĩ đến sự sống vô thường, nên muốn bố thí. Một hôm, trong buổi triều, tôi nói với quần thần rằng: “Trẫm ao ước đóng một chiếc trống to, mong sao tiếng trống ấy vang vọng khắp mười phương, người ở dù cách xa trăm dặm vẫn có thể được nghe, ai có thể làm được việc này?”

Các đại thần đều tâu: “Chúng hạ thần thật sự không có năng lực!”

đánh trống

Lúc ấy, có một vị đại thần tên là Khuông Thượng, rất trung thành với vua, thường dùng lòng từ bi cứu giúp nhân dân. Ông tiến lên phía trước tâu với đức vua rằng: “Hạ thần làm được việc này! Nhưng cần có một số tiền rất lớn!”

Đức vua nói: “Rất tốt!”. Bèn cho mở quốc khố, giao cho Khuông Thượng một lượng tài sản lớn.

Đại thần Khuông Thượng đánh xe chở vô số tài sản quý giá ra trước cổng hoàng cung, đánh trống thông báo với toàn dân: “Hoàng thượng chúng ta có lòng nhân đức, có tâm đại từ bi, muốn thực hành hạnh bố thí, không phân biệt bậc thánh kẻ phàm, người xuất gia hay chúng tại gia, cũng không phân chia giàu nghèo, cao sang hay thấp hèn, muốn cứu giúp cho tất cả người nghèo khó, cúng dường y phục và thức ăn cho người tu hành. Nếu là người nghèo cùng, hay người khó khăn, tất cả nhanh tập trung về cổng hoàng cung!”

Người nghèo khổ khắp nơi nghe được tin này, lũ lượt kéo đến, mẹ ẵm con thơ, trẻ em dẫn người già, người đông chật cả con đường, liên tục không dứt. Có người ngước lên trời nói rằng: “Chúng tôi những người dân nghèo khổ, cuối cùng hôm nay cũng đã được cứu mạng rồi!”

Một năm sau, vua hỏi đại thần: “Chiếc trống lớn đã làm xong chưa?”

Đại thần: “Thưa, trống đã làm xong rồi.”

Đức vua: “Đã làm xong rồi, tại sao không nghe tiếng trống?”

Đại thần trả lời: “Đức vua thánh minh, xin Ngài xuất khởi giá ra ngoài cung điện, đích thân đi quanh thành một vòng, sẽ nghe được tiếng trống của Phật pháp vang dội khắp mười phương!”

Đức vua ra lệnh chuẩn bị xe ngựa, ra ngoài cung thành, đến bên ngoài thành nhìn thấy người chen chúc nhau, đông nghẹt quanh thành. Ngài hỏi: “Sao mà người đông thế?”

Đại thần: “Ngày trước Hoàng thượng ra lệnh hạ thần làm một chiếc trống lớn, với mong muốn dù người ở xa trăm dặm cũng có thể nghe được âm vang của trống, để cho tiếng tốt của vua được truyền đi khắp bốn phương. Hạ thần nghĩ, dùng cây khô làm thân trống, lấy da trâu chết kéo làm mặt trống, tiếng trống như thế không thể truyền hết danh tiếng thơm lừng của đức vua; cho nên hạ thần mang hết của cải mà Ngài giao cho, sắm sửa thức ăn và y phục dâng lên cúng dường sa môn, phạm chí… những người tu hành và bố thí cứu giúp những người nghèo khó. Từ lúc dán cáo thị, dân chúng từ các nước lân cận đều hướng về đức vua, mọi người thấm nhuần ân đức cao lớn của vua, chẳng khác nào trẻ thơ bụng đói vớ được bầu sữa ngọt ngào của mẹ.”

Đức vua liền hỏi người dân: “Các ngươi từ đâu đến?”

Có người sụp đầu đảnh lễ thưa: “Thần dân từ xa trăm dặm đến đây.”

Lại có người bẩm: “Thần dân xa từ hai trăm dặm.”

Thậm chí có người đáp: “Thần dân từ bên ngoài xa vạn dặm đến đây.”

Mọi người đồng thanh lên tiếng: “Đại vương thánh minh! Ngưỡng mộ ân đức bố thí của Ngài, nhân dân khắp nơi vô cùng vui mừng, cho nên từ bỏ quê hương, nơi đã sinh ra, nhờ ân đức của bệ hạ, thân này mới được cứu sống lại.”

Đức vua: “Lành thay! Trẫm đã thấu hiểu. Trước đây trẫm quá chấp trước hình tướng của tiếng trống, với mong muốn âm thanh vang xa ngoài trăm dặm; giờ đây trẫm đã hiểu ra, đất nước không được an ninh, chẳng khác nào trên thân có bệnh, trẫm nên cho thầy xem bệnh và cung cấp thuốc để chữa lành bệnh cho dân, sai đại thần mang cơm cháo đến để nuôi dưỡng thân thể, giúp cho họ sớm được hồi phục sức khỏe.”

Đức vua liền hạ lệnh: “Sau này người dân thiếu vật phẩm, hãy đáp ứng đầy đủ mà không cần thông qua ý kiến của trẫm.”

Sau đó chẳng bao lâu đức vua mạng chung, thần thức của Người sanh vào cõi trời làm Thiên Diệu Vương. Sau khi phước duyên ở cõi trời đã mãn, mạng chung trở lại nhân gian làm Chuyển luân thánh vương, đi ở tự tại, đến đâu bảy thứ trân bảo đều không thiếu, lại có tùy tùng bao quanh hộ vệ; hiện nay lại sanh vào cõi trời làm thái tử của thiên vương, tất cả đều nhờ tự thân nghiêm trì giới luật thanh tịnh, cứu giúp chúng sanh khắp nơi, nên phước báu mới được như vậy. Chỉ cần thực hành lời đức Phật giáo huấn, đoan chính từ thân tâm cho đến việc làm, thì phước đức và phước báu được như thế.”

Đức Phật nói với Tịch La: “Những việc con người tạo ra, như bóng theo hình, như âm vang theo tiếng (cũng như bóng lúc nào cũng đi theo hình chúng ta; lại như ở trong thung lũng nói chuyện, âm thanh dội lại giống như tiếng ban đầu), cho nên những gì chúng ta tạo ra đều đưa lại quả báo tương ưng, chính là thiện có thiện báo, ác có ác báo.”

Tịch La nghe xong vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ đức Phật xong ra về.

Câu chuyện này muốn khuyên chúng ta: Tiếng trống không sao bằng tiếng thơm! Quý vị đánh trống dù tài giỏi thế nào đi nữa, tiếng trống truyền đi cũng có giới hạn; nhưng nếu làm việc thiện, tiếng thơm lan truyền, thì có thể truyền đến rất xa. Đặc biệt là trì giới đạt đến giới hương thanh tịnh, có thể truyền xa đến tận trời xanh.

Ngoài ra, người ta chạy theo danh lợi, quyền lực, chưa chắc đã đạt được! Chúng ta không nên chạy theo chúng, chỉ cần làm việc lành, thì phước báu không ngừng tìm tới chúng ta, không bao giờ xa rời. Nếu chúng ta gieo trồng nhiều hạt giống thiện, tự nhiên phước đức sẽ tự tìm đến chúng ta, không bao giờ mất, cũng như bóng theo hình, như thế không phải dễ hơn sao, càng bảo đảm an toàn hơn đúng không?

Những gì mà con người tạo ra, “như bóng theo hình, âm vang theo tiếng”. Tiếng vang của âm thanh, nếu như chúng ta đứng trong thung lũng nói lớn tiếng “bạn thật là ưu tú”, tự nhiên âm thanh vọng lại cũng là “bạn thật là ưu tú”, nó sẽ không vọng lại: “bạn thật tồi tệ!” Có đúng như thế không? Bởi vì tiếng dội lại từ thung lũng nhất định sẽ giống âm thanh phát ra; cũng như thế, hành thiện được quả báo vui, tạo ác chịu quả khổ, đó cũng chính là nhân quả tương ứng. Nếu tạo ác nghiệp, lại mong cầu được quả báo an vui, như thế sẽ đi ngược lại với nhân quả, không thể xảy ra.

Những lời trên đây khuyến tấn chúng ta tu tập!

Phước Nghiêm, 09.03.2013

Trích “Phước Huệ Tập 4”

Các tin tức khác

Back to top