Pháp thật sự chỉ có nơi kinh nghiệm của người thực tập

20/01/2017 3:23
Bạn đi đâu để tìm hạnh phúc trong cuộc đời nầy ? Chẳng lẻ bạn chờ đợi mọi người chỉ nói những điều hay,những điều dễ nghe trong suốt cuộc đời bạn? Có thể như thế được không ? Thật là hoang tưởng.

Nếu không được, thì bạn sẽ đi đâu ?  Thế gian chỉ có thế, chúng ta cần phải rõ thế gian - Lokavidu-- biết được sự thật của thế gian.  Ðức Phật đã sống nơi thế gian, chứ không ở đâu khác.  Ngài cũng có gia đình, nhưng Ngài thấy được giới hạn của nó và Ngài đã tách mình ra khỏi chúng.  Bây giờ làm thế nào cho người cư sĩ thực tập?  Nếu bạn muốn thực tập thì bạn phải cố gắng đi con đường đã chọn.  Nếu bạn cố gắng thực hành đúng cách thì với sự thực tập bạn sẽ dần dần thấy được giới hạn của đời sống nầy và sẽ có thể buông bỏ một cách dễ dàng.

Người dùng rượu đôi khi nói, " Tôi không thể bỏ được rượu".  Tại sao họ không bỏ được?  Bởi vì họ không thấy được nguy cơ của sự nghiện rượu.

Nếu họ thấy rõ sự nguy hiểm của rượu thì họ sẽ tức thời từ bỏ rượu, không cần phải đợi người khuyên răn.  Nếu bạn không thấy được cái nguy cơ của một sự việc thì làm sao bạn có thể thấy được sự lợi lạc khi từ bỏ việc đó.

Như thế sự thực tập của bạn sẽ không có kết quả, bạn chỉ đùa chơi với sự thực tập.  Ví như có người chài lưới nghe thấy có một vật đập đập trong bẫy giăng cá.  Nghĩ rằng đó là một con cá, anh ta thò tay vào trong bẫy. Vì không thấy được bên trong, anh ta có 2 ý nghĩ :  có thể là một con lươn, hoặc có thể là một con rắn.  Nếu anh ta liệng cái bẫy thì có thể anh ta sẽ hối tiếc lắm, nếu đấy là một con lươn.  Ngược lại, nếu là con rắn anh ta có thể bị rắn cắn.  Ngay lúc nầy anh ta đang phân vân lưỡng lự.  Sự ham muốn được con lươn rất mạnh nên anh cố gắng tìm cách để xem bên trong bẫy,anh thấy da có sọc, có vằn lập tức anh liệng nó xuống nước.  Anh không cần đợi ai phải nói cho biết, "Ðó là con rắn, liệng đi!"   Hình dạng con rắn cho anh biết nhanh hơn là lời nói.   Tại sao?  Vì khi anh thấy được sự hiểm nguy--rắn có thể cắn!  Cũng thế, trong khi thực hành pháp, chúng ta sẽ thấy được sự vật như nó là và chúng ta sẽ không ngần ngại mà từ bỏ những thứ có tác hại cho mình.

Con người không thực tập bằng cách nầy, họ thực tập cho những thứ khác.

Họ không suy ngẫm mọi sự vật, họ không suy nghĩ về già, bệnh, và chết.

Họ chỉ nói về không già, và không chết, vì thế họ không có lòng để thực hành pháp.  Họ đến để nghe pháp thoại, nhưng thực ra họ chẳng có nghe.

Ðôi lúc tôi được mời đến nói chuyện ở những nơi hội hợp quan trọng, nhưng thật là phiền cho tôi khi phải đi.  Tại vì sao?  Vì khi tôi nhìn những người có mặt ở đó, tôi thấy rõ là họ đến không phải để nghe pháp thoại.  Vài người mang mùi rượu nặc nòng, họ hút thuốc, họ tán gẫu...Nói pháp thoại ở những nơi nầy thật là không có lợi ích.  Người ta phụng phịu, lơ đãng, họ nghĩ, "Chừng nào ông thầy mới hết nói đây?... Làm cái nầy không được, làm cái kia không được..."  và cứ như thế tư tưởng họ chạy lung tung.

Ðôi lúc họ mời tôi đến để nói chuyện chỉ vì xã giao thôi. " Thưa Thầy, xin Thầy đến cho chúng con một bài pháp thoại."

Họ không muốn tôi nói nhiều, vì có thể làm họ khó chịu!  Khi mà tôi nghe nói như vậy, thì tôi đã hiểu việc ra sao rồi.  Những người nầy không thích nghe pháp.  Pháp thoại làm họ khó chịu.  Nếu tôi chỉ cho một bài pháp ngắn thì họ sẽ không hiểu.  Cũng như khi bạn chỉ ăn có một ít, có đủ no không ?

Dĩ nhiên là không rồi.

Ðôi lúc tôi đang nói để giới thiệu bài pháp thoại bữa đó, thì có một ông say lớn tiếng, " Ðược rồi, tránh đường, tránh đường, hãy nhường lối cho Thầy ra!"  --  ông ta muốn đuổi tôi ấy mà!  Khi mà gặp những người như thế, tôi hay suy ngẫm về bản chất của con người.   Giống như là một người có chai nước đầy rồi mà còn đi xin thêm nước.  Ðâu còn chỗ nữa mà bỏ thêm vào.

Thật là phí thời gian và công sức mà giảng dạy cho họ, vì tư tưởng họ đã đầy ấp rồi.  Nếu còn bỏ thêm vào thì chỉ làm tràn một cách vô ích.  Nếu chai của họ trống thì còn có chỗ mà bỏ nước vào, và như thế thì lợi ích cho cả 2 người, người xin cũng như người cho.

Cũng như vậy, khi mà người ta thật sự muốn nghe pháp thoại, họ ngồi yên lặng, lắng nghe chăm chú, tôi sẽ thấy hứng thú giảng dạy cho họ hơn.  Nếu họ không chú ý thì cũng như người đã có chai nước đầy...không còn chỗ để bỏ thêm gì khác.  Thật là phí thời gian của tôi khi nói chuyện với những người như thế.  Trong những trường hợp nầy, tôi thật không có sức để mà giảng dạy.  Bạn không thể bỏ nhiều công sức trong lúc cho, khi mà người có mặt không bỏ ra công sức để thâu nhận.

Thời gian gần đây, những cuộc pháp đàm đều như thế, và càng lúc càng tệ.

Con người không kiếm sự thật, họ học chỉ để có được sự hiểu biết cần thiết để mà làm ra tiền,  lo cho gia đình, và nuôi sống bản thân. Học sinh hiện nay biết nhiều hơn học sinh thời trước.  Họ học hỏi được nhiều hơn, và mọi thứ tiện lợi hơn.  Nhưng đồng thời họ cũng lộn xộn hơn và khổ hơn lúc xưa.

Tại sao như vậy?  Bởi vì họ chỉ chú trọng đến cái hiểu biết để sau dùng làm phương tiện sinh sống.

Cả đến giới tu sĩ cũng như thế.  Ðôi lúc tôi nghe họ nói, " Tôi không trở thành tu sĩ để thực hành pháp. Tôi chỉ thọ giới để được học".  Ðây là lời nói của người đã tự tách rời khỏi con đường thực tập.  Không có tương lai, đây là ngõ cụt.  Khi mà những người thầy như vầy giảng dạy thì họ chỉ nói bằng ký ức.  Họ dạy một việc nhưng mà tư tưởng họ lại ở những nơi khác.  Những bài giảng như thế không có ỹ nghĩa gì hết.

Cuộc đời là như vậy đó.  Nếu bạn gắng sống đạm bạc, thực hành pháp và sống yên lành, thì người ta nói bạn kỳ cục và phản xã hội.  Họ nói bạn làm chận đứng sự phát triển của xã hội. Họ còn hăm dọa bạn nữa.  Dần dần bạn bắt đầu tin rằng họ đúng và trở lại nếp sống của thế gian, chìm sâu từ từ trong thế gian và rồi thì không thể nào ra khỏi được.  Vài người nói, " Tôi không thể ra được vì tôi đã chìm sâu lắm rồi."   Và xã hội là như thế đó.  Xã hội không thấy được giá trị của phật pháp.

Giá trị của phật pháp không thể tìm trong sách vở.  Ðấy chỉ là những phiến diện của pháp, pháp thật sự chỉ có nơi kinh nghiệm của người thực tập.

Nếu bạn hiểu rõ được pháp thì bạn sẽ hiểu rõ được tư tưởng mình, bạn sẽ thấy được sự thật nơi đó.  Khi mà sự thật hiện hữu thì mọi vọng tưởng sẽ tự dưng bị chặt đứt.

 

Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top