Tất cả chỉ có như vậy thôi

16/01/2017 1:08
Trong khi bạn đứng, ngồi, hay đi đây đó, bạn vẫn có thể học được nhiều điều ở chung quanh mình. Chúng ta học một cách tự nhiên, mở lòng ra với mọi vật, dù là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay tưởng tượng. Người sáng suốt thì quan tâm đến tất cả mọi thứ. Thực tập đúng nhất là khi mà chúng ta không còn phải lưu ý cân nhắc đến mọi thứ trong tư tưởng.

Nếu chúng ta còn chưa nhận biết sự thích hay không thích lúc chúng xuất hiện, thì lúc đó vẫn còn phải lưu tâm đến những ý trong tư tưởng.  Nếu chúng ta biết được sự thật của những thứ nầy, chúng ta sẽ nghĩ : " Ô, đâu có gì trong cái cảm giác thích nầy.  Ðây chỉ là một thứ cảm giác xuất hiện rồi sẽ biến mất.  Không thích cũng thế, chỉ là một cảm giác có rồi mất.  Tại sao chúng ta phải rắc rối với chúng?"  Nếu chúng ta nghĩ sung sướng hay đau khổ là những thứ mà ta sở hữu được, thì chúng ta sẽ bị nguy to, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi dây xích vô tận của thương và ghét.  Và phần đông nhiều người trong chúng ta đều nằm trong trường hợp nầy.

Hiện nay khi thuyết pháp người ta không chú ý đến tư tưởng, không bàn về sự thật.  Nếu bạn nói về sự thật thì người ta sẽ nói, " Ông đó không biết gì về thời gian và không gian, ông ta không biết nói chuyện cách tử tế".  Nhưng mà con người cần phải nghe sự thật.  Người thầy đúng nghĩa sẽ chỉ nói sự thật, họ không nói bằng ký ức.  Phần đông chúng ta khi nói chuyện, chúng ta nói bằng ký ức, và nói để xưng tụng chính mình.  Người thầy thật sự thì không như thế, ông ta chỉ nói sự thật, sự thật như nó là.

Người ta thường hay không hiểu khi vị thầy giảng về sự thật, cho dù ông thầy có cố gắng cách mấy, họ vẫn không hiểu.   Hiểu được pháp (dharma) không phải là một điều dễ.  Nếu bạn hiểu được pháp thì bạn nên thực hành theo sự hiểu biết của mình.  Không cần thiết phải trở thành tu sĩ, mặc dầu hình thức tu sĩ là phương cách tốt nhất để thực hành .  Ðể thực hành đúng nghĩa bạn phải nên quên đi sự hỗn loạn của thế giới, phải từ bỏ của cải cũng như gia đình, phải vào rừng.  Rừng cây là nơi thực tập lý tưởng nhất.

Nhưng nếu chúng ta còn gia đình và bổn phận thì làm sao để thực tập ?

Vài người nói rất là khó mà thực hành khi chúng ta còn là cư sĩ.  Hãy nhìn xem nhóm nào đông người nhất, nhóm tu sĩ hay cư sĩ ?  Dĩ nhiên là cư sĩ nhiều hơn .  Nếu mà chỉ có nhóm tu sĩ thực tập còn cư sĩ thì không, thì tất nhiên sẽ có nhiều vấn đề lộn xộn.  Ðây là hiểu sai.  " Tôi không thể trở thành tu sĩ..."  Trở thành tu sĩ không phải là điểm đáng nói! 

Trở thành tu sĩ không có nghĩa lý gì cả khi mà bạn không thực tập.

Nếu bạn thật sự hiểu pháp thì địa vị hay nghề nghiệp gì gì đi nữa, làm thầy cô giáo, làm bác sĩ, làm công chức ... bạn vẫn có thể thực tập pháp trong mỗi giây phút trong ngày.

Nghĩ rằng mình không thể thực tập vì mình là cư sĩ thì ta đã đi sai đường rồi.

Tại sao con người có thể tìm ra động lực nào thúc đẩy mình làm nhiều việc?  Nếu họ cảm thấy họ thiếu vật gì thì họ cố gắng làm để cho có được.   Nếu có đủ lòng ham muốn, con người có thể làm mọi việc, vài người nói, "Tôi không có thời gian để mà thực hành pháp."  Tôi nói, " Vậy sao bạn có thời gian để thở ?"  Hít thở là việc quan trọng, việc sống còn của đời sống con người.  Nếu họ thấy thực hành pháp cũng quan trọng không kém gì sự hít thở của đời sống thì họ sẽ thực tập liền.

Bạn không phải chạy vòng vòng hoặc phải nhọc nhằn khi thực hành pháp. Chỉ cần chú ý đền những cảm giác đang xuất hiện nơi tư tưởng bạn.  Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, thân thể xúc chạm, ... tất cả đều xuất hiện nơi tư tưởng, " cái mà biết".  Khi mà tư tưởng nhận thấy những điều nầy thì điều gì xảy ra?  Nếu chúng ta thích vật đó thì lập tức chúng ta cảm thấy sung sướng, nếu chúng ta không thích thì chúng ta cảm thấy bực bội.  Tất cả chỉ có như vậy thôi.

 

Ajahn Chah

 

Các tin tức khác

Back to top