Dân gian lại có câu “Nam La Hầu, Nữ Kế Đô”, “Thái Bạch hết sạch cửa nhà”,… khiến cho người xem “sao” phải lo lắng, hoang mang khi trong năm đón nhận một vì “sao” không tốt. Nắm được tâm lý của những người nhẹ dạ cả tin, những ông đồng, bà cốt lại được cơ hội “tung chiêu” khiến cho người xem bói lo sợ, từ đó “vung tiền” để cầu được “giải hạn”, với niềm hy vọng thoát được tai ương sắp tới. Đôi khi việc xem bói khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng bi đát, “tiền mất tật mang”. Vì mang tâm trạng hoảng sợ nên nếp sinh hoạt và làm việc của những người này bị ảnh hưởng xấu, khi gặp điều không như ý càng làm cho lòng tin vào những lời “phán” của ông thầy bói trở nên mạnh mẽ. Do đó, chúng ta cần có nhận thức rõ ràng về hình thức “Cúng Sao Giải Hạn” trong những ngày đầu năm.
Sao là những thiên thể hình cầu, tự phát sáng giống như mặt trời. Nó được hình thành qua quá trình ngưng tụ do lực hấp dẫn của bụi khí vũ trụ. Ngôi sao gần Trái Đất nhất cách chúng ta 4.2 năm ánh sáng, vận tốc của ánh sáng là 300.000 km/s (nếu dùng một phi thuyền có vận tốc bằng vận tốc ánh sáng, từ Trái Đất bay đến vì sao gần nhất phải mất 4.2 năm). Với mắt thường, ban đêm nhìn lên bầu trời ta có thể thấy được khoảng 5000 ngôi sao. Nếu dùng kính viễn vọng lớn, chúng ta có thể nhìn thấy hàng tỉ ngôi sao trong vũ trụ này. Thế nhưng, các nhà chiêm tinh của Trung Qunămốc chỉ chọn ra được 9 vì sao để đưa vào sách Tử Vi, đó là: Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, La Hầu, Kế Đô, Thủy Diệu, Thổ Tú, Mộc Đức và Văn Hớn. Các chiêm tinh gia quan niệm rằng: Tùy theo độ tuổi của mỗi người mà tương ưng với một vì sao trong năm đó, việc tính “sao” sẽ đi kèm với việc tính “hạn”. Trong số 9 sao này có những sao khi chiếu đến, người ta sẽ gặp vận may, làm ăn buôn bán được, cuộc sống sung túc, hạnh phúc; có những sao chiếu vào thì bệnh hoạn, tai nạn, tán gia bại sản hoặc mất mạng (gặp hạn xấu). Như vậy, chúng ta thấy rằng trong cả hàng tỉ vì sao mà các nhà chiêm tinh Trung Quốc chỉ chọn ra có 9 sao, những ngôi sao kia thì như thế nào?
Các nhà khoa học đã khẳng định rằng, những ngôi sao chỉ là khối vật chất vô tri vô giác, đã là khối vật chất vô tri vô giác thì làm sao chúng ta có thể cầu cúng được. Giả sử có một vị thần linh, nếu mình đem lòng thành dâng cúng, khấn nguyện một điều gì đó, vị thần thấy mình có lòng thành, biết điều, biết dâng cúng thì thần linh sẽ ban phước. Còn người nào không cúng cho thần linh thì có thể thần linh ghét, giận nên giáng họa. (Theo quan điểm của Phật giáo, không có một vị thần nào có thể ban phước hay giáng họa cho con người). Còn ở đây chúng ta thấy rất rõ: “sao” chỉ là một khối vật chất, không phải thần linh, mà đã là vật chất thì làm sao có thể chiếu vào một người khiến cho họ gặp điều tốt hay xấu. Thế mà đôi lúc, chúng ta lại tin một cách mù quáng, tin mà không hiểu. Khi tin mà không hiểu người ta gọi đó là mê tín.
Khoa học cho chúng ta biết, từ quả địa cầu đến một ngôi sao gần nhất phải mất 4.2 năm ánh sáng. Vậy khi chúng ta khấn hay xin một việc gì với ông sao nào ở trên trời, lời khấn đó phải mất bao lâu mới đến? Khoảng 4.2 năm thì lời khấn mới đến được ông sao đó (nếu lời khấn có thể di chuyển với tốc độ ánh sáng là 300.000 km/s). Giả dụ ông sao đó có ban phước cho chúng ta thì phải mất 4.2 năm sau phước đó mới đến được, có thể lúc đó chúng ta không còn tồn tại trên cõi đời này.
Cho nên phải thấy rằng, “sao” là một khối vật chất thì chúng ta không thể nào cầu xin được cái gì ở nó cả. Ví dụ một chất dầu đổ trên mặt nước sẽ nổi. Bây giờ chúng ta đến để cầu nguyện cho những mảng dầu ở trên mặt nước đó chìm xuống đáy có được hay không? Chắc chắn là không. Lại có một khối đá rơi xuống sông và chìm dưới đáy, chúng ta đến đó để cầu nguyện cho khối đá nổi lên thì có thể nổi được hay không? Cũng không thể nào nổi được. Bởi vì đá là những khối vật chất, mà vật chất thì vô tri vô giác, không cảm nhận được những gì mà chúng ta cầu nguyện, mong muốn. Chỉ có thần linh mới có thể cảm nhận hay nghe được, mà những ngôi sao đó lại không phải là thần linh. Trên thực tế, thần linh còn không thể ban phước hay giáng họa cho ai, huống chi những ngôi sao không phải là thần linh thì không thể nào tiếp nhận được lời cầu nguyện của mình, cũng như không thể ban phước hay giáng họa được.
Chúng ta phải tin sâu nhân quả, cố gắng làm lành, lánh dữ, tu nhân, tích đức thì quả tốt sẽ đến với mình, không nên tin vào một ông sao nào chiếu vào khiến mình may mắn hay bất hạnh. Vấn đề cúng sao giải hạn chỉ là sản phẩm của các thầy cúng Trung Quốc. Người đệ tử Phật đừng tin vào đó rồi lo lắng, hoang mang. Việc cúng sao giải hạn chỉ làm ta tốn tiền tốn của mà không đem lại ích lợi gì. Chúng ta muốn tin một điều gì thì phải tìm hiểu một cách rõ ràng rồi mới tin, như vậy mới không bị người khác lừa gạt. Phật giáo không dạy những việc cầu cúng như thế. Cho nên chúng ta cứ yên tâm, không phải lo gì “sao tốt sao xấu”, là người Phật tử chúng ta không phải sợ “sao” gì chiếu cả.
Trích từ bài giảng Sở Trường Người Xuất Gia của Thượng tọa Thích Chân Tính
Các tin tức khác
- Xuân ( 5/02/2017 1:33)
- Làm sao tách riêng được? ( 5/02/2017 1:30)
- Những tác dụng kỳ diệu của nụ cười ( 5/02/2017 1:17)
- Nhét tiền tay tượng, tranh lộc, cướp ấn... sao có bình an? ( 4/02/2017 12:07)
- Biết từ bi với bản thân ( 3/02/2017 12:02)
- Nhìn mùa xuân bằng đôi mắt trẻ thơ ( 1/02/2017 1:07)
- Hãy như một đứa trẻ ( 1/02/2017 12:53)
- Chữ “Phúc” ngày Xuân (31/01/2017 12:50)
- Mùa xuân theo dấu chân Phật (29/01/2017 10:04)
- Đi lễ chùa đầu năm Đinh Dậu, mặc sao cho đúng? (29/01/2017 12:01)