Chuyện bùn, chuyện sen…

9/02/2017 12:41
Đức Phật dạy rằng, thân người khó được, được thân người hy hữu như con rùa mù, lặn ngụp trong biển, trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần, và cái đầu chui ngay vào bộng cây trôi ngang qua. Nhưng, được thân người rồi thì sao?

Thì... làm người khó lắm! Ai đang hiện hữu kiếp người đều nhận định như vậy. Bởi, “chín người mười ý”, nên làm người cũng là “làm dâu trăm họ”. Tình cờ, nghe ai đó than rằng, sống trong cuộc đời thật khó, giỏi người ta ghét, dở người ta chê; nói nhiều thì bị cho là không để mồm kéo da non, im im thì bị khép tội khinh người... Và, muôn nẻo đau thương trong cách đối đãi với cuộc đời, với con người mà nhiều khi người ta ước “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Khó như thế thực ra một phần lớn cũng do ta... từng khó, đang khó và đang xét nét với người như thế, nên người khác cũng khó khăn với ta. Nhân quả mà. Khó, còn bởi ta không biết cách “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, đâu phải với ai và lúc nào cũng dùng chung một bộ mặt, một cách nói, cách sống... mà sống đâu? Phải hiểu người thì mình mới có thể nói vừa lòng người mà lòng mình cũng thanh thản. Và còn bởi, mình không thấy, trong cái sự khó khăn của người có cái khổ mà họ đeo mang, vì chấp, vì dính chặt vào khen chê đó.

Họ khổ thế thì thôi, mình thấy cái khổ của họ mà thương, mà cười hì hì với những chê bai, thị phi đó. Không phải mình nhu nhược, mà là mình cười vì mình không muốn phải minh chứng gì hết, mình sống hợp với mình, với cái khí-chất hiện có của mình chứ cứ chạy theo người ta mà sống thì chắc giống ông đẽo cày giữa đường.

Gió chiều nào theo chiều đó, không phải vậy, mà là tùy thuận, theo kiểu nhập gia tùy tục. Hơn nữa, há chẳng phải cổ đức dạy rằng, oan ức không cần biện bạch đó sao?

Vì vậy, sống như thế nào để ứng xử của mình là một nghệ thuật sống, là kỹ năng để đời thì mình phải tinh tế mới “dĩ bất biến ứng vạn biến” được.

Giống như sáng nay, mở mail, đọc một chia sẻ ngăn ngắn của một cô, rằng, đúng là “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, đời hay đạo cũng thế. Mình chia sẻ, vâng, bởi con người không ai toàn thiện, có xấu có tốt, nên “có rận” là đương nhiên. Nếu bắt phải lựa chọn thì mình chọn nơi ít rận hơn vậy. Hơn nữa, bên cạnh câu ấy, ông bà mình cũng nhắc, rằng “đừng có giận con rận mà đốt cái áo”.

Đường tu hay đường đời đó, có lúc thế này, lúc thế khác, nhưng, còn sống, biết sống, biết được lý lẽ và tâm tâm niệm niệm sống tử tế đã là được rồi. Thế mới có việc khuyến thiện, hướng thượng chứ. Tu tập không phải luôn xuất phát từ cuộc đời xấu xí, từ những dở tệ nơi tâm tánh mình sao? Nếu ai cũng là thánh hết thì tu gì, vì đã toàn thiện rồi! Nếu không từ bùn mọc lên thì sen kia đố hòng mà sống, mà hiến dâng hoa cho đời!

 

L.Đ.L (GNO)

Các tin tức khác

Back to top