Tinh thần biết ơn và đền ơn trong Đạo Phật

2/03/2017 1:14
Ở đời, biết ơn và đền ơn là một trách nhiệm đạo đức xã hội đối với con người và môi trường sống, bao gồm những biểu hiện biết ơn và đền ơn đối với môi trường vật lý, môi trường xã hội và môi trường văn hóa.

Tuy nhiên, cái gọi là ‘môi trường’ thật ra do con người kiến tạo, nên nói đến đối tượng của sự biết ơn và đền ơn là nói đến yếu tố con người. Cách thông thường mà người đời ghi ơn và đền ơn, và cũng là cách để nhắc nhở người cùng thế hệ hoặc các thế hệ sau, là đặt tên đường lộ, trường học, công viên và các công trình công cộng nói chung theo tên các bậc tiền bối đã đem lại lợi ích và hạnh phúc cho nhiều người. 

Trong Đạo Phật, biết ơn và đền ơn luôn được đề cao. Đức Phật khen ngợi những người biết ơn và đền ơn và kinh ghi lại lời tán thán của Ngài rằng, “Có hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời.” (Tăng chi bộ kinh, phẩm 9: Các hy vọng, phần 1.12)

Trong kinh Tăng Chi, đức Phật dạy “không biết ơn, không nhớ ơn, là những người độc ác. Đây là đặc tánh của người không phải bậc chân nhân. Còn đặc tánh của bậc chân nhân là biết ơn, là nhớ ơn.” (Tăng chi bộ kinh, phẩm 4: Tâm thăng bằng, phần 1.11). Lời kinh này nhắc rằng, người đúng với nhân vị một con người là phải thực hiện nghĩa cử biết ơn, nhớ ơn và đền ơn. Ngược lại, người không làm được điều này là người độc ác. Như vậy đủ biết chuẩn mực đạo đức trong Đạo cao hơn ở ngoài đời. Đức Phật là một bậc thầy coi trọng giá trị nhân bản khi dạy rằng, biết ơn và nhớ ơn là một trong những đặc tính đặc trưng của một con người lương thiện trong đời. Nói cách khác, đã là con người, là phải có lòng biết ơn và nhớ ơn. Ở một bài kinh khác, đức Phật dạy người nào không biết ơn và đền ơn, sẽ bị quả báo ác. Không những thế, Ngài còn đặt ‘cái tội’ vong ơn bội nghĩa vào chung một tụ với những người nói dối, hủy báng bậc thánh và phản bội bạn. Điều này giúp chúng ta thấy rõ hơn giá trị của lòng biết ơn và tác hại của tâm vong ơn:

Ác báo do vọng ngôn,

Ác báo do báng Thánh,

Ác báo do phản bạn,

Ác báo do vong ân.

(Tương ưng bộ kinh, chương 11:  Tương ưng Sakka, mục 7: Không gian trá).

Như vậy, biết ơn và đền ơn, theo đức Phật, là nhân lành để rồi chúng ta có được quả ngọt là hạnh phúc và an vui. Những ai muốn tránh quả báo ác thì đừng có vong ân. Đức Phật từng cảnh báo rằng, “người nào thân làm ác, với lời nói ác, với ý nghĩ ác, với không biết ơn, không biết trả ơn, sẽ bị rơi vào địa ngục. Người nào thân làm thiện, với lời nói thiện, với ý nghĩ thiện, biết ơn, biết trả ơn, sẽ được sanh lên cõi Trời.”  (Tăng chi bộ kinh, phẩm 22: Ô uế, mục 3 (213): Không biết ơn). Ở đây, chúng ta hiểu rằng thể hiện sự biết ơn và đền ơn là một trong những điều kiện quyết định điểm đến của đời mình. Rõ ràng đây là một hạnh tu cho những ai muốn hướng thượng cuộc đời mình. 

Như vậy, biết ơn và đền ơn là sợi dây liên kết giữa người và người để qua đó, con người có cơ hội thể hiện bản chất người đúng nghĩa của mình và chính giá trị nhân bản này mở lối cho cảnh giới tốt đẹp mà con người sẽ sanh về sau, khi mãn báo thân ở kiếp người này.

 

TG: Hằng Như

Các tin tức khác

Back to top