Hòa thượng giảng: “Các bậc tổ đức ngày xưa khi vào trong đạo liền tìm cách để được định và tuệ. Chúng ta trong thời mạt pháp, lăn lóc trong ồn náo, nhiều chuyện, nhiều việc, nhiều người nên tôi thường nhắc nhở sự tu hành của mình giống như là “tu mót”. Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua. Gặp việc thì làm việc. Rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được một phút thì tốt một phút. Được một giờ thì tốt một giờ. Thế nên đừng bỏ qua việc tu mót.
Ví như những người ở quê ngày xưa đi mót lúa, tuy chỉ mót lúa nhưng vẫn đủ lúa gạo để ăn, vẫn nuôi thân, nuôi gia đình được. Mình đây cũng vậy, nếu cố gắng mót thì cũng được đầy đủ đạo pháp, nuôi lớn pháp thân, huệ mạng của chính mình. Nếu huynh đệ thực hành một thời gian rồi nghiệm lại sẽ thấy “tu mót” lại nhiều hơn thời khoá tu hành chính. Vì thế nếu bỏ qua tu mót thì bỏ phí rất nhiều thời gian.
Ai cũng có công việc hết, nhưng rồi cũng có xen kẽ, lúc tâm trí mình được rảnh rang thì gắng giữ ba điều: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được vậy, phóng dật bớt dần lại, tương ưng với phần tinh tấn. Nếu trọn đời mình sống trong chánh pháp của đức Phật thì đường đạo mỗi ngày sẽ mỗi tăng tiến….”
Chúng ta hãy tự phản tỉnh lại bản thân ngoài định khóa công phu hàng ngày, nếu như tâm không niệm Phật thì niệm toàn chuyện thế gian (danh, văn, lợi, dưỡng, tham, sân, si, mạn) - tức toàn chuyện sanh tử luân hồi. Khi lâm chung cái tâm niệm này mạnh quá nó kéo mình đi thì quả là oan uổng, chỉ gieo được một chút duyên với Phật A Di Đà. Nếu không tranh thủ thời gian “tu mót” cũng như không buông bỏ vạn duyên để niệm Thánh hiệu thì Ngài dù thần lực không thể nghĩ bàn cũng kéo mình không nổi. Cho nên mình phải cố gắng tập, ban đầu thì hơi khó nhưng cũng phải tập, bạn làm gì cũng đừng rời niệm Phật.
Cho dù bạn không có nhiều thời gian, không có thời khóa hàng ngày bạn vẫn có thể niệm Phật được, dễ ở chỗ là vừa làm vừa niệm, không ảnh hưởng đến ai, niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được, chỗ sạch sẽ thì niệm ra tiếng, chỗ không sạch sẽ thì niệm thầm. Quý nhất là tâm luôn giữ chặt câu A Di Đà Phật, có khởi lên vọng niệm nào khác liền nhận ra: “Ồ, tâm ta không nhớ Phật rồi” tâm sẽ quay lại liền với A Di Đà Phật. Khi tâm trí bận rộn thì vừa làm xong liền khởi niệm A Di Đà Phật. Nếu như cứ làm liên tục như vậy đến cả đời không gián đoạn cộng với phát nguyện hồi hướng cầu vãng sanh Tây phương hàng ngày có lý nào lại không thể vãng sanh.
Pháp sư Tịnh Không Ngài thường giảng: Vạn pháp thế gian đều vô thường, đều không có thật, chỉ có A Di Đà Phật là thật thôi. Một đời này nếu bỏ luống qua thì phải trải qua bao nhiêu đời mình mới thoát khỏi luân hồi đây, thật là khổ lắm!. Nếu bạn tin sâu nhân quả thì sẽ quyết làm giống như Viên Liễu Phàm, tâm không còn nghĩ lấy, bỏ, được, mất mà mọi sự thuận theo tự nhiên, tùy duyên mà làm, tâm chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật. Việc thế gian không cần phải để tâm suy nghĩ quá nhiều: xấu, tốt đến với mình đều từ cái nhân quá khứ mà ra, có muốn đổi thì chỉ cần Đổi tâm thì cảnh sẽ đổi: xấu – cũng được, tốt – cũng được, tâm chỉ nắm giữ câu A Di Đà Phật tự nhiên sẽ tự tại, an lạc, không phiền não.
Nếu bạn xem “Sanh tử là việc lớn” vậy thì phải tập, cố gắng mà tập, đi đứng nằm ngồi, làm việc gì cũng cố gắng giữ câu Phật hiệu càng nhiều càng tốt. Hễ giữ càng nhiều thì tâm ít rời Phật, khả năng thành tựu đời này cũng cao hơn, quyết lòng giải thoát chỉ trong một đời. Tâm chí thành này nhất định sẽ cảm đến A Di Đà Phật, khi lâm chung nhất định Ngài sẽ đến tiếp dẫn bạn.
Ngoài định khóa mà bạn chịu niệm Phật thì gọi là “Tu mót”, hóa ra “tu mót” lại hay quá! Tập cho tâm quen dần, thuần thục với A Di Đà Phật thì thành công rồi. Đầu tiên hơi ngượng miệng và chưa quen, nhưng cứ giữ thói quen này đi, một hai tuần và vài tháng thôi tự bản thân bạn sẽ cảm thấy được mình khá hơn nhiều so với buổi ban đầu.
Tôi biết được có một ban hộ niệm cũng khá hay là họ tập khi gặp tình huống nào giật mình thôi thì họ cũng buột miệng: “A Di Đà Phật”. Tôi bắt chước họ, ban đầu cũng khó khăn là mắc cỡ, sau đó quen dần rồi trở thành phản xạ. Hễ té ngã một chút: “A Di Đà Phật”, lỡ làm rơi rớt gì thì cũng “A Di Đà Phật”, đứt tay cũng “A Di Đà Phật”. Nói chung hễ có chuyện gì thì cũng phản xạ là “A Di Đà Phật”. Các liên hữu xin hãy ngẫm nghĩ cách này xem có áp dụng được không?
Hòa thượng Trí Tịnh vừa dạy tôi liền tin, Ngài rất là từ bi, đem kinh nghiệm tu học nhiều năm để chỉ bảo cho chúng ta. Tôi làm theo và tự thấy thời gian “tu mót” niệm Phật quả thật được nhiều hơn định khóa, quan trọng ở chỗ là càng ngày càng cố gắng đừng để gián đoạn.
Bạn và tôi, tất cả bạn sen với nhau quyết trong một đời này cùng hội tụ tại Tây Phương Cực Lạc để diện kiến A Di Đà Phật. Vậy xin hãy cùng sách tấn nhau mà niệm từng giờ, từng phút, từng giây, từng thời, từng khắc: A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật….
Theo ĐPNN
Các tin tức khác
- Ý nghĩa bảy bước nở hoa sen (20/05/2013 10:07)
- Thiền, stroke và trái tim (19/05/2013 1:55)
- Ý nghĩa "Duy ngã độc tôn" (17/05/2013 10:22)
- Niệm ân chư Phật Đản sanh (16/05/2013 3:16)
- Ý nghĩa Phật đản (15/05/2013 12:21)
- Chia sẻ của thiền sư Ajahn Chah (12/05/2013 3:14)
- Tu là hạnh phúc ( 9/05/2013 4:34)
- Einstein khuyên chúng ta điều gì? ( 8/05/2013 5:27)
- Cái tâm biết yêu thương ( 7/05/2013 5:21)
- Cá có biết đau không ( 6/05/2013 6:26)