Tu là hạnh phúc

9/05/2013 4:34
Đi tu rất sướng đối với người biết tu và tu có kết quả. Tôi nói thực rằng không gì sung sướng hơn tu. Người tu không có quyền, không có tiền, nhưng sung sướng nhất. Tuy nhiên, phải nhận ra chân thật pháp và thực tập đúng đắn mới được sung sướng.

Điều sung sướng nhất là người tu không bị phiền não thế tục quấy rầy, tức là không buồn, không giận, không lo, không sợ. Câu chuyện Đức Phật hướng dẫn các vị Tỳ-kheo đi du hóa, gặp một người chủ trang trại mất bò, chạy hớt hơ hớt hải để tìm bò trông thực khổ sở thê thảm. Đối trước cảnh khổ đó, Đức Phật mới nói rằng các Thầy Tỳ-kheo sung sướng vì không có con bò để mất, hay không có gì để mất. Riêng tôi, trên bước đường tu, tôi cảm thấy sung sướng vì không bị vướng mắc với ba việc là ăn, mặc, ở như tất cả những người đời luôn luôn bị ba thứ này làm khổ. Tu hành, làm sao chúng ta tự rèn luyện không bị lệ thuộc với ba việc này.

Ăn ngủ nhiều để sanh bệnh chỉ chuốc lấy khổ. Việc tu của chúng ta làm sao hạn chế được ăn ngủ. Tôi sang Nhật tu Thiền, tới Thiền đường, người ta giao cho tôi một căn phòng trống trơn, không có chăn, mền, gối gì cả, rất là lạnh. Tôi thức tỉnh, nhận ra rằng nhờ lạnh không ngủ được, phải thức mới thực tập Thiền. Làm sao trời lạnh mà không cảm thấy lạnh, không thấy đói, phải thực tập cho được điều này.

Đi tu, tập bớt ăn nhiều chừng nào thì đạo giải thoát gần thêm chừng đó. Suốt ngày không ăn cũng được, vì tôi đã tập bớt ăn, nhịn lần. Ăn vừa đủ, hay ăn thiếu một chút càng tốt, là ý Phật dạy tam thường bất túc của người tu. Không nên ăn nhiều, ngủ say. Về đây tu, chúng ta tập bớt ăn uống, nên bớt phóng uế; cho đến ngày nào các Phật tử chỉ ăn một vắt cơm là tu có kết quả tốt. Tôi đã thực tập pháp tu này ở Nhật, một ngày chỉ ăn một vắt cơm với một trái xí muội, rất ngon mà không khát nước, không ra mồ hôi, khỏi đi tiểu. Tuy nhiên, phải có quá trình thực tập, đừng ép, nguy hiểm. Muốn có cơ thể khỏe mạnh, phải dùng thức ăn thích hợp và hạn chế những thực phẩm có độc tố; ăn uống đơn giản để có thì giờ sống với đạo.

Tu là rèn luyện cơ thể có sức chịu đựng, bảo đảm không bệnh hoạn. Và tiếp theo, chúng ta thực tập những pháp môn mà Đức Phật chỉ dạy để phá một phần phiền não trần lao, để bước lần lên đường giải thoát. Như vậy là thân không bệnh, tâm không phiền não. Mong rằng tất cả quý Phật tử sẽ thực sự sống trọn vẹn trong sự an lạc tại đạo tràng này và mang sự an lạc ấy về cho gia đình, giữ mãi sự an lạc ấy trong từng phút giây của cuộc sống.

HT.Thích Trí Quảng (Trích bài viết Ý Nghĩa Chữ Tu)

Các tin tức khác

Back to top