Vì vậy, thâm nhập Phật huệ là thấy Phật tu hành, phát tâm Bồ-đề và thành Phật. Chúng ta suy nghĩ và làm theo Phật, nên ở ngoài tham vọng tính toán; nhờ vậy, Phật mới bổ xứ cho ta làm và Ngài bảo Hộ pháp Long thiên trợ lực cho ta, dẫn đến kết quả vượt ngoài khả năng của ta.
Một vị Tổ sư có độ cảm sâu sắc về sự thọ mạng bất tử của Phật, đã sáng tác bài kệ tắm Phật, nhưng ngài ẩn danh. Đó là bài thơ Đường có ba đoạn, mỗi đoạn có bốn câu. Bài thơ này bằng chữ Hán, nên Phật tử đọc mà ít người hiểu được. Tôi dịch bài này ra tiếng Việt như sau, để mọi người hiểu được tôn ý của Đức Như Lai, theo đó tu hành mới đạt được kết quả không thể nghĩ bàn.
HT.Thích Trí Quảng thực hiện nghi thức tắm Phật tại Việt Nam Quốc Tự sáng nay, 3-5
Con nay tắm gội Đức Như Lai
Trí tuệ quang minh tọa bảo đài
Ngũ trược chúng sanh đều rửa sạch
Không còn sanh tử ở trần ai.
Phật cũng không sanh Ca Tỳ La
Cũng không nhập diệt Câu Thi Na
Không sanh không diệt là chơn Phật
Xứng danh giáo chủ cõi Ta-bà.
Hôm nay mùng tám tháng Vê-Sa
Xuất hiện trên đời Sĩ Đạt Ta
Chín rồng phun nước từ Thiên ngoại
Bảy bước chân đi bảy đóa hoa.
ÁN MÂU NI MÂU NI TAM MÂU NI TÁT PHẠ HẠ
“Con nay tắm gội Đức Như Lai”.
Chúng ta lấy nước nào tắm Như Lai. Một số người cho rằng không được dùng nước giếng để tắm Phật, phải lấy nước tinh khiết, vì thế chỉ có nước mưa từ trên trời rơi xuống mới tinh khiết.
Theo các vị Tổ dạy, nước tắm Phật phải lấy từ tánh thiên chơn, hay từ vô thức, vô tâm của chúng ta, nghĩa là cùng tột của sự giải thoát. Vì từ tánh thiên chơn mới sanh ra được nước Bát công đức. Nước Bát công đức có một công năng kỳ diệu là có thể tẩy sạch được thân nghiệp chướng ô uế, rửa sạch tâm phiền não trần lao của chúng ta.
Để tắm Phật, chúng ta mượn nước trong sạch, nhưng muốn linh nghiệm phải kết hợp được lòng thành, tánh thiên chơn của chúng ta. Nếu không có lòng thành, không phát xuất từ tánh thiên chơn, thì không hiệu nghiệm. Công đức thủy này do chúng ta tu hành đúng Chánh pháp mà có.
Vì thế, phải mượn nước sạch cộng với tâm trong sạch và công đức của chúng ta. Kết hợp ba yếu tố này lại mới thành pháp. Chính vì lý do không đơn giản ấy, nên hình thức tắm Phật giống nhau, nhưng có nơi đạt được sự linh nghiệm, có nơi không.
Thực tế chúng ta tham dự lễ tắm Phật, có cảm nhận rằng người chủ lễ trang nghiêm được tâm thanh tịnh, trong sáng, đức hạnh vẹn toàn, nên đã biến nước mưa thành nước Bát công đức. Nước công đức này rải trúng ai thì người đó được tâm mát mẻ. Nói cách khác, nhận thấy đức hạnh của chủ lễ, chúng ta sanh tâm kính trọng, an vui, giải thoát.
Có thể nói trên bước đường tu, chúng ta thường mượn cảnh để biểu thị tâm, vì tâm không có cảnh trở thành vô nghĩa, mà cảnh không chuyên chở được tâm thì cũng không có giá trị gì. Hiểu rõ như vậy, khi làm lễ tắm Phật, chúng ta chuẩn bị tư thế đạt đến tánh thiên chơn, với tất cả lòng thành, với tất cả niềm tin, mới có kết quả tốt. Cùng cầu nguyện, mà người có kết quả tốt, người không được gì và cùng tổ chức đạo tràng giống nhau, nhưng có đạo tràng thanh tịnh, đạo tràng không thanh tịnh là như vậy.
Tâm thành cùng với niềm tin của chúng ta hòa quyện với đức hạnh của vị chủ trì lễ, tất cả dồn lực vào nước tắm tượng Phật, biến tượng trở thành linh thiêng.
Tượng vật chất không linh, nhưng kết hợp được niềm tin và lòng thành của con người thì cảnh này trở thành kỳ diệu, tượng này thành trang nghiêm thanh tịnh, khiến chúng ta hình dung bức tượng trong thau nước là Đức Như Lai đứng trên tòa sen và chúng ta tắm Đức Như Lai này.
Bấy giờ, tượng Phật chính là vật tiêu biểu cho trí huệ quang minh, “Trí huệ quang minh tọa bảo đài” và có công năng “Ngũ trược chúng sanh đều rửa sạch. Không còn sanh tử ở trần ai”.
Chúng sanh có năm thứ trược, hay năm điều ô uế là thế giới Ta-bà kết hợp những người có năm thứ này. Một là kiến giải không đồng, thấy khác nhau nên tranh giành, sát hại nhau, là chúng sanh. Ta-bà hiện ra vì thấy khác, chấp khác, gọi là “kiến trược”.
“Kiếp trược”, kiếp là một thời kỳ. Ở thời Chánh pháp, công lý được phổ biến, nhưng kiếp trược thì công lý không được công nhận, mà sức mạnh làm chủ, nên nạn bè phái, tranh chấp hoành hành.
“Phiền não trược”, “chúng sanh trược” thì tất cả đều khổ đau vì chống đối nhau, hại nhau và rơi vào cùng tột khổ đau, không bằng lòng cả chính mình, dẫn đến cuộc sống không còn lối thoát, vì phiền não bao vây kín mít là “mạng trược”.
Nhưng nhờ làm lễ tắm Phật ngự bảo đài, chỉ nghĩ về Phật, không nghĩ đến chúng sanh, nên tự nhiên chúng ta dẹp được phiền não và xa lìa trần cấu, thì:
“Không còn sanh tử ở trần ai”.
Nghĩ đến Phật, gắn tâm mình nối liền với tâm Phật một cách mật thiết, phiền não trần lao biến mất. Nếu chúng ta trụ mãi tâm thuần tịnh này, dĩ nhiên chúng ta dễ dàng thành Phật một cách nhanh chóng. Nhưng thực tế hiếm có người giữ được niệm trong sạch này một cách liên tục, chỉ nghĩ đến Phật trong một khoảnh khắc, một niệm tâm thôi, nên chỉ được thanh tịnh trong giây phút ngắn ngủi ấy, rồi lại trở về với tâm niệm điên đảo của chúng sanh.
Phật không còn sanh tử; chúng ta thì trái lại, ở trong sanh tử. Đa số người đã hiểu như vậy là không đúng. Phật không sanh tử, chúng ta còn sanh tử; như thế, giữa Phật và chúng ta cách biệt. Tu Pháp hoa không hiểu như vậy.
Vì thế, trong đoạn hai của bài kệ tắm Phật có nói rõ ý này tương ưng với phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 của kinh Pháp hoa.
“Phật cũng không sanh Ca Tỳ La
Cũng không nhập diệt Câu Thi Na
Không sanh không diệt là chơn Phật
Xứng danh giáo chủ cõi Ta-bà”.
Theo lịch sử ghi nhận, Đức Phật sanh ở Ca Tỳ La và nhập diệt ở Câu Thi Na; nhưng nay lại nói Phật không sanh ở Ca Tỳ La và không nhập diệt ở Câu Thi Na. Đây chính là cốt lõi của kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng, theo đó Phật không sanh diệt là chơn Phật. Nếu Phật có sanh diệt, là Phật chết rồi thì chẳng lẽ không còn Phật hay sao?
Chơn Phật không sanh diệt, nhưng chúng ta bị vô minh, vọng kiến ngăn che, nên mới thấy Phật có sanh diệt, nghĩa là thấy Ngài sanh ra trên cuộc đời và Ngài không còn sống nữa. Nếu chỉ thấy như vậy là cái thấy biết đơn giản, không đúng, là cái thấy ảo giác theo cuộc đời, nên Đức Phật thường nói cuộc đời này là ảo mộng, không thật. Nghĩa là cuộc đời thay đổi không cùng, tất cả mọi người làm đủ thứ rồi biến mất, mà kinh cũng thường diễn tả là mộng huyễn bào ảnh.
Chính vì lý do đó, Phật dạy rằng người tu Pháp hoa không phải là người ở trong cuộc đời thấy cuộc đời (Bất như tam giới kiến ư tam giới). Còn thấy như người trong cuộc đời là mộng tưởng điên đảo, thì hay giận, buồn, lo, sợ.
Vì thế, người còn giận là còn sống với vọng tưởng điên đảo, tự biết không phải là hành giả Pháp hoa. Người hay sợ, nhất là sợ chết, nhưng thân này tất yếu phải chịu sự chi phối của sanh diệt, có sanh phải có chết, không thể khác. Chết là việc quan trọng nhất của con người, mà chúng ta không sợ, thì những việc khác có gì mà phải sợ.
Còn nói đến lo thì đa số người lo nghèo, đói, khổ…; đó là việc không đáng lo. Vì như đã nói tất cả mọi việc trên cuộc đời này là mộng ảo phù du, người giàu có quyền thế đã có đủ thứ mà họ có tồn tại mãi đâu. Việc đáng lo nhất là lo ra khỏi thế giới sanh tử luân hồi, để trở về cội nguồn của chúng ta là thế giới Phật. Ở thế giới Phật mới là chánh, ở đây là phụ.
Việc của chúng ta là nhắm đến cái gốc không còn sanh tử. Vì thế, chúng ta sợ nhất là sợ kẹt trong sanh tử, trong vô minh. Vì chúng ta nhìn sự vật không chính xác, nên nghĩ tưởng đủ thứ, không bao giờ đúng, mới buồn phiền, khổ đau, thất vọng, nghĩa là sống với thế giới sanh tử.
“Hôm nay mùng tám tháng Vê Sa
Xuất hiện trên đời Sĩ Đạt Ta
Chín rồng phun nước từ Thiên ngoại
Bảy bước chân đi bảy đóa hoa”.
Vì chúng ta sống trong cuộc đời ảo mộng, nên Phật cũng phải hiện thân vào thế giới này để cứu độ chúng ta. Nếu Phật không xuất hiện trên cuộc đời, tất cả mọi người làm sao biết Phật là gì.
Phật không sanh diệt là Phật chân thật, nhưng không ai thấy, không ai biết; cho nên nhờ Phật mang thân người trên cuộc đời mà chúng ta hình dung ra Phật.
Phật xuất hiện với tư cách của con người toàn thiện, không khổ đau. Dù Ngài là con người mang tên Sĩ Đạt Ta, nhưng cuộc sống của Ngài thể hiện rõ nét tất cả những gì đáng quý nhất. Trong con người Phật, từ cấu trúc cơ thể khỏe mạnh, thông minh, tướng hảo trọn lành, cho đến sự hiểu biết tuyệt đỉnh, tâm lượng đại từ bi, vị tha vô cùng, việc làm lợi ích vô tận cho tất cả chúng sanh, v.v...
Nhờ sanh thân Phật hiện hữu mà chúng ta nhận ra được Báo thân Phật kết hợp toàn những điều quý báu như vừa nói. Vì thế, chúng ta kính trọng Phật là kính trí tuệ và đức hạnh của Ngài.
Phật là biểu tượng của sự hiểu biết chính xác cao tột để chúng ta nương theo, mới nhận ra được Phật chân thật vĩnh hằng. Trí Giả đại sư diễn tả ý này là “Vị liên cố hoa”, nghĩa là Phật thật ví như gương sen bên trong, Phật hiện thân trên cuộc đời ví như hoa sen bên ngoài. Hoa sen từ bùn sanh ra, tỏa hương thơm tinh khiết mà các loài hoa khác không có được.
Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời tiêu biểu cho sự trong sạch hoàn toàn như hoa sen mà không một bậc Thánh nhân nào có thể sánh bằng và Đức Phật tinh khiết như gương sen nhờ cốt lõi tâm trọn lành của Phật thật. Từ Phật gốc toàn thiện, toàn mỹ, toàn bích như vậy mới thể hiện lời nói và việc làm thánh thiện của Phật bằng xương thịt hiện hữu trên thế gian. Nhờ tâm Phật đặt vào thân Thái tử Sĩ Đạt Ta, nên đã biến đổi thân thái tử thành thân Phật, nhưng người ta cứ tưởng lầm thái tử là Phật.
Thái tử Sĩ Đạt Ta, hay Phật Thích Ca có xuất hiện trên cuộc đời và có từ giã cõi đời, nhưng nhờ tâm Phật ẩn chứa bên trong, nên Phật thật không chết, mà tồn tại vĩnh hằng.
Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phân biệt công đức thứ 17, Đức Phật bảo Di Lặc Bồ-tát rằng nếu có người nào sanh một niệm tín giải thọ mạng dài lâu của Đức Như lai thì sẽ được công đức nhiều hơn công đức của người bố thí, trì giới, nhẫn nhục trong tám mươi muôn na-do-tha kiếp. Nếu hiểu ý nghĩa thọ lượng Như Lai thì có thể được phát sanh Phật huệ Nhứt thiết chủng trí, lại có thể thấy Thích Ca Như Lai ở Kỳ Xà Quật thuyết pháp giáo hóa chúng Đại Bồ-tát và thấy thế giới Thật báo của Lô Xá Na.
Nghĩa là người hiểu được Phật thật đi vào sanh thân của Sĩ Đạt Ta và Phật thật đó ra khỏi Sĩ Đạt Ta, là đã nhận chân được Phật không sanh diệt. Và chúng ta nương theo Phật không sanh diệt để tu, theo công đức và trí tuệ của Phật thật đó để phát huy hiểu biết và đạo hạnh của mình; nói cách khác, nhìn sanh diệt mà hướng về Vô sanh, về Niết-bàn.
Người có trí hiểu được Phật thật hiện vô Sĩ Đạt Ta và khi thân Sĩ Đạt Ta già rồi, thì Phật thật ra đi. Thân người ví cho nhà ngũ uẩn, nhưng nhà này hư mục, chúng ta bỏ đi và đến nhà khác ở.
Người khôn chỉ ở tạm nhà ngũ uẩn, họ làm việc tích lũy được một số tiền lớn, thì nhà mục, họ mua được nhà khác sang trọng hơn để ở. Cũng vậy, linh hồn chúng ta trong sáng và có phước đức, chúng ta phải có thân xác tốt. Linh hồn chúng ta xấu ác sẽ có xác thân xấu xí. Linh hồn tốt ví như người giàu có, phải mua nhà tốt ở.
Chúng ta hành Bồ-tát đạo tạo được nhiều công đức, khi nhận thấy thân này sắp hư hoại, chúng ta tạo thân khác tốt hơn để tiếp tục công việc hoằng hóa độ sanh.
Đức Phật nói Ngài thành Phật ở chỗ này thì có tên này, thành Phật chỗ khác có tên khác; nghĩa là Phật có phước báo rồi, Ngài sử dụng phước đó để tạo nhà ngũ uẩn ở đâu cũng được. Ví như người có tiền tìm nhà tốt ở khu an ninh, sang trọng để ở. Chúng ta nghèo phải vào xóm nghèo, phải chấp nhận sống chung với những người hung ác, trộm cướp, v.v…
Trên bước đường tu, khi thọ thân ngũ uẩn, chúng ta coi nó là chỗ tạm nương náu để tạo công đức. Nhưng thân này hoại rồi, phải bỏ nó mà không có chỗ khác ở thì tinh thần mê mờ sẽ dẫn đường đưa lối, chỗ nào cũng chui vô đại, chỗ ở của heo gà chó… cũng vô, vì đâu có điều kiện để lựa chọn.
Cần hiểu rằng tạm mượn thân ngũ uẩn, nhưng quan trọng là chúng ta được gặp Phật pháp, nương theo Phật pháp tu hành, nương theo thầy hiền bạn tốt để khai ngộ cho chúng ta làm quyến thuộc Bồ-đề, để giúp chúng ta tạo các thắng duyên khác.
Vì được làm bạn với Bồ-tát mười phương, các ngài mới giới thiệu cho chúng ta vùng đất tốt đẹp, an lành. Đó là Tịnh độ của chư Phật mười phương có rất nhiều, nhưng chúng ta không biết. Các Bồ-tát chỉ cho chúng ta những nơi an lành ấy.
Tu Pháp hoa là nương các vị này dẫn lối đưa đường cho chúng ta đi đến những nơi an lành; nghĩa là bước đường tu của chúng ta đã có định hướng, nên bỏ xác rồi mới đến đó được. Nhiều người niệm Phật A Di Đà, nhưng ít người được về Cực lạc là vậy. Phước đức thế nào mới vào thế giới Phật được.
HT.Thích Trí Quảng
Các tin tức khác
- Mượn cõi này ( 4/05/2017 12:14)
- Vô nguyện ( 3/05/2017 2:20)
- Ngũ Đăng Hội Nguyên - Thượng đường ( 2/05/2017 1:36)
- Ý nghĩa Phật Đản (PL. 2561) ( 2/05/2017 1:25)
- Kỷ niệm Lễ Phật Đản chúng ta làm gì? ( 1/05/2017 12:51)
- Biết điều hòa trong cuộc sống ( 1/05/2017 12:42)
- Việc ấy có thể được (30/04/2017 1:55)
- Để sống hạnh phúc (30/04/2017 1:46)
- Không tha thứ là một loại ngục tù (29/04/2017 1:50)
- Có bao giờ (29/04/2017 1:39)