Nếu ta có trí tuệ, sự minh quán sẽ tự nhiên phát triển. Ta không cần phải định danh cho những gì đang xảy ra. Nếu chỉ có chút trí tuệ sáng tỏ, ta gọi đó là "minh quán nhỏ". Khi thấy được rõ ràng hơn một ít, ta gọi đó là "minh quán trung bình". Còn nếu sự hiểu biết hoàn toàn phù hợp Chân Lý, thì ta gọi đó là "minh quán tối hậu". Riêng cá nhân tôi, tôi lại thích dùng danh từ Trí Tuệ (Paññā, Bát-nhã) hơn là danh từ Minh Quán (Vipassanā). Nếu nghĩ rằng thỉnh thoảng ta phải ngồi xuống và thực tập Thiền Minh quán, thì ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Trí tuệ phải phát xuất từ sự an định và yên tịnh. Toàn bộ tiến trình đó, tự nó, diễn ra một cách tự nhiên. Ta không thể thúc dục nó được.
Đức Phật có dạy rằng tiến trình đó trưởng thành theo tốc độ của nó. Đạt tới mức độ thực tập này rồi, ta cứ để nó phát triển phù hợp theo các khả năng nội tại của ta, các năng khiếu tinh thần và các công đức mà ta tích lũy được trong thời gian qua. Nhưng ta không bao giờ ngừng nghỉ nỗ lực trong việc thực tập. Còn sự tiến bộ có nhanh hay chậm, điều đó ngoài vòng kiểm soát của ta. Cũng như việc trồng cây. Cây tự biết nó phải lớn nhanh như thế nào. Nếu ta muốn làm cho nó lớn nhanh hơn lên, thì đó chỉ là một ảo vọng. Còn nếu ta muốn nó lớn chậm lại, điều ấy cũng là ảo vọng. Nếu ta thật sự tu tập, kết quả sẽ xảy đến - giống như trồng cây. Thí dụ như ta muốn trồng một bụi ớt. Trách nhiệm của ta là phải đào một lỗ, trồng cây ớt con, tưới nước, bón phân và chăm sóc. Đó là công việc của ta, chỉ có bấy nhiêu thôi. Rồi chúng ta hãy vững niềm tin. Cây ớt có lớn lên hay không, là tùy nơi nó. Đó không phải là công việc của ta. Ta không thể nào kéo cho nó dài thêm lên và làm cho nó lớn nhanh được. Thể thức hành động của thiên nhiên là như thế đó. Trách nhiệm của ta là tưới nước và bón phân cho cây. Thực tập Chánh Pháp theo đường hướng như thế sẽ làm cho tâm ta được thoải mái.
Nếu ta được giác ngộ ngay trong đời này, điều đó rất tốt. Nếu ta còn phải chờ đến kiếp sau, cũng không hề chi. Ta có niềm tin vững chắc nơi Chánh Pháp. Ta tiến bộ mau hay chậm là tùy thuộc vào các khả năng nội tại của ta, năng khiếu tinh thần và công đức mà ta đã tích tụ được cho đến nay. Thực tập như thế làm cho tâm ta thoải mái. Cũng như ta dùng chiếc xe ngựa. Ta không đặt chiếc xe trước con ngựa. Hoặc là, tựa như cày ruộng mà lại bước đi trước con trâu. Điều tôi muốn nói ở đây là tâm hay vượt đi qua trước nó. Nó nôn nóng muốn có kết quả nhanh. Đó không phải là đường lối phải để tu hành. Đừng bước đi trước mặt con trâu. Bạn phải bước theo sau con trâu.
Cũng tựa như cây ớt mà ta chăm sóc. Tưới nước và bón phân cho nó, rồi cây ớt sẽ làm công việc của nó là hút lấy các chất bổ dưỡng. Khi có sâu rầy đến cắn phá, ta đuổi chúng đi. Chỉ cần làm như thế cũng đủ khiến cho cây ớt tự nó lớn lên tốt đẹp, và khi nó lớn lên tốt đẹp như thế, cũng đừng thúc hối nó sớm trổ hoa khi ta nghĩ là nó phải trổ ra hoa. Đó không phải là việc của ta, điều đó chỉ gây ra nhiều phiền não vô ích. Hãy để cho tự nó trổ hoa. Và khi bông hoa đua nở, cũng đừng đòi hỏi phải có trái ngay. Đừng ép buộc. Điều đó chỉ tạo thêm phiền não! Một khi đã thấy rõ điều đó rồi thì ta sẽ biết đâu là trách nhiệm của ta, đâu không phải là nhiệm vụ của mình. Ai có phận sự nấy để hoàn tất. Tâm biết nhiệm vụ của nó trong các công tác cần phải thi hành. Nếu tâm không hiểu rõ nhiệm vụ của nó, nó sẽ cố thúc dục cây ớt có trái ngay khi vừa được trồng xuống đất. Tâm sẽ đòi hỏi cây ớt phải lớn lên, đơm hoa, kết trái ngay trong một ngày.
Đây cũng chỉ là Chân Lý Cao Sang thứ hai: lòng khát vọng là nguyên nhân để khổ sở, phiền não sinh khởi. Nếu ta biết được Chân lý đó và suy ngẫm nó, ta sẽ thông hiểu rằng, cố mà thúc dục cho mau có kết quả trong việc thực tập Chánh Pháp cũng chỉ là một ảo vọng mà thôi. Thật là sai lầm. Biết sự việc tiến hành theo cách đó, ta buông bỏ và để cho sự việc cứ trưởng thành phù hợp với khả năng nội tại của ta, năng khiếu tinh thần và công đức mà ta tích lũy được. Ta vẫn tiếp tục làm phần nhiệm vụ của ta. Đừng lo lắng rằng sẽ mất nhiều thì giờ. Ngay cả phải mất trăm, ngàn kiếp để được giác ngộ, thì có sao đâu?! Cho dù có phải trải qua nhiều kiếp sống, ta chỉ cần tiếp tục tu tập với tâm thoải mái, thư thả với nhịp độ bước đi của mình. Một khi tâm ta đã vào dòng Thánh giải thoát, không còn gì phải sợ hãi nữa. Tâm đó vượt qua mọi hành vi xấu ác, dù vi tế. Đức Phật nói rằng tâm của vị Dự Lưu (Sotāpanna, Tu-đà-hoàn), bậc đã đạt đến giai đoạn thứ nhất của sự giác ngộ, là đã nhập vào dòng Chánh Pháp xuôi chảy đến Niết-bàn. Các vị này không bao giờ bị sa vào các đọa xứ, hay rơi xuống địa ngục nữa. Làm sao các vị ấy lại rơi vào địa ngục được, khi tâm đã buông bỏ các điều xấu ác? Các vị ấy đã nhìn thấy rõ sự nguy hiểm của việc tạo nghiệp xấu. Ngay cả khi bạn cố gắng buộc các vị ấy làm điều gì bất thiện, các vị ấy cũng không thể nào làm như thế được, cho nên không còn cơ hội để rơi xuống địa ngục hay sa vào các cảnh giới thấp hèn nữa. Tâm của các vị ấy trôi chảy theo dòng nước Chánh Pháp.
Một khi bạn đã nhập vào dòng rồi, bạn sẽ biết thế nào là trách vụ của bạn. Bạn hiểu rõ các công việc sắp đến còn phải làm. Bạn biết cách tu tập theo Chánh Pháp. Bạn biết lúc nào phải nỗ lực, và lúc nào nên thư giãn. Bạn rõ biết thân và tâm của bạn, tiến trình vật lý và tâm lý này, và bạn từ khước những gì phải từ khước, luôn luôn xả bỏ mà không còn do dự hay nghi ngờ gì cả.
Ajahn Chah
Các tin tức khác
- Tâm thiền và hơi thở ( 8/05/2017 11:48)
- Phật dạy tham cầu ăn uống làm con người khổ ( 8/05/2017 12:37)
- Bắt đầu ở chính ta ( 8/05/2017 12:25)
- Sự tha thứ ( 7/05/2017 1:23)
- Ăn nhiều không tốt cho sức khỏe ( 5/05/2017 12:49)
- HT.Thích Trí Quảng nói về ý nghĩa Lễ tắm Phật ( 5/05/2017 12:10)
- Mượn cõi này ( 4/05/2017 12:14)
- Vô nguyện ( 3/05/2017 2:20)
- Ngũ Đăng Hội Nguyên - Thượng đường ( 2/05/2017 1:36)
- Ý nghĩa Phật Đản (PL. 2561) ( 2/05/2017 1:25)