Và hãy nghĩ xem ai là người có đầy đủ năng lực và từ tâm để trao những món quà này? Rồi hãy tiếp tục nghĩ, vì sao những đấng vĩ nhân đa phần lại luôn hy sinh tất cả để dành trọn cuộc đời cho những lý tưởng nhân sinh? Biết bao sự khổ hạnh, và tất cả những cuộc đời dày công tu tập của những bậc tiền nhân trên lộ trình tâm linh? Thật đơn giản, chỉ vì quý Ngài muốn trao đến nhân sinh món quà an tịnh. Đó là sự thực, chỉ những ai hiểu và đón nhận sự thực này, sẽ bừng lên một nỗi xúc động thiêng liêng khi biết rằng đức Thế Tôn từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đôi mắt của bậc đại hùng vẫn trừng trừng dõi theo từng bước chân của đàn con đang lang thang trong tam giới, để lặng thầm phổ chiếu đến tất cả chúng ta những món quà vô giá, vô hình. Chắc chắn rằng, không chỉ riêng Ngài mà tất cả chư Phật, chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng, quý Ngài làm sao có thể sử dụng cho riêng mình một vùng trời bao la của từ tâm, một tình thương dạt dào muôn đời của biển cả, một trí tuệ sáng ngời của muôn triệu ánh dương luôn sáng soi những ngõ hồn u tối. Món quà ấy luôn hiện hữu trong từng hơi thở của sự sống, trong từng khoảnh khắc của đất trời, trong vạn vật đang sinh sôi. Bất cứ ai, nếu một lần xoay lại chính mình, cảm nghe nơi tận ngõ hồn, mãi còn đó âm ba vang vọng, thiết tha, trầm mặc: “Hãy trở về khi con nhớ đến Ta”. Ôi! Pháp âm Từ Phụ chưa một lần bặt dứt, ngay nơi chiếc thân bé mọn này, ngay nơi vũ trụ bao la, nơi ba ngàn đại thiên thế giới chưa một lần Ngài vắng mặt, chỉ xót xa cho kẻ dại khờ mãi lao theo những nỉ non của khát vọng, chưa một lần cúi lạy cha mình và những bậc tiền nhân bằng tất cả nỗi niềm tri ân, thành kính.
Ai cũng muốn kiếp sống của mình không bao bao giờ là một kẻ vô ích, một kẻ vô ơn. Nhưng mấy ai thổi vào hồn nhân loại những cơn gió của năng lượng từ tâm, lòng bao dung, tha thứ… Ngược lại, rất ít người nhận ra rằng tâm ta liên tục dấy khởi những trận cuồng phong của lòng tham muốn, chiếm đoạt, đấu tranh, ganh tỵ, bất toại nguyện… những cơn gió ô nhiễm này bao trùm cả vũ trụ. Nếu không nhận ra căn bệnh truyền kiếp này, khó mà biết cách chữa trị. Đó không là việc đơn giản khi bản chất con người luôn sống với “ái dục”. Sự thật rằng cả thế giới là một sân khấu lớn với vô số những diễn viên mang trong người những tâm thức ô nhiễm, huân tập, làm theo và khuấy động ô nhiễm. Muốn thoát ra, mỗi người phải rẽ sang lối khác, đó là con đường chánh đạo. Sự cải cách duy nhất phải bắt đầu từ chính mình, không ai có thể làm thay cho ai, nếu không, mỗi người chỉ mang những năng lượng ô nhiễm lan tỏa từ nơi này đến nơi khác. Phải một lần xoay lại chính mình, tách mình ra khỏi cái sân khấu kia, sống thật với thực tại, buông xả, không bám víu, không phản ứng với bất cứ điều gì, vì còn phản ứng là còn ô nhiễm. Chân hạnh phúc chỉ có được với một nội tâm an lạc, thuần tịnh, không còn dính mắc với bất kỳ điều gì. Phải một lần tỉnh thức để bước ra giấc mộng này, bước ra cái vòng xoáy của bản ngã bằng cách học và thực hành giáo Pháp. Đức Phật dạy rằng trong thế gian: “Có người sinh ra trong ánh sáng và đi về phía ánh sáng; có người sanh ra trong ánh sáng để đi về bóng tối; có người sanh ra trong bóng tối để đi về ánh sáng; có người sanh ra trong bóng tối để đi về bóng tối”. Phải tự suy ngẫm và tự hỏi xem ta đang đứng ở đâu? Có mấy ai tự đo lường được “năng lượng” của đời mình? Và ta đã thật sự tiêu hao bao nhiêu năng lượng ấy cho những vấn đề: Tham muốn, lo âu, sợ sệt, ganh tỵ, đấu tranh, bất toại nguyện…? Đó là con đường hướng về ánh sáng chăng? Phải thường tâm niệm rằng “Tôi là chủ nghiệp của tôi, nghiệp là thứ duy nhất tôi có thể sở hữu”, để biết rằng mỗi cái phóng tâm là ta đã tác thành định mệnh.
Để thấy rằng sự chú tâm tỉnh giác trong từng phút giây của thực tại, ban rãi lòng từ, bao dung, buông xả là điều duy nhất, là món quà ý nghĩa nhất mà bất cứ ai cũng có thể huân tập và sở hữu, sẵn sàng trao tặng đến tha nhân trong từng khoảnh khắc thực tại nhiệm mầu. Đó là nguồn năng lượng mát dịu nhất, lành mạnh nhất giúp ta và tha nhân sống trong niềm hỷ lạc chân chính. Các Pháp hữu vi vốn vô thường, luôn luôn chánh niệm, luôn luôn ghi nhớ, chớ có phóng dật, chớ có buông lung… vốn là điều mà Thế Tôn luôn tha thiết huấn thị hàng hậu học. Làm được điều đó, chính mỗi người đã khai mở cho mình một kho tàng vô giá trong từng phút giây của cuộc sống. Đó là một quà tặng lợi lạc, thầm lặng và cao quý nhất mà mỗi người có thể trao tặng cho cuộc đời, bất cứ ai, bất cứ lúc nào.
Mỗi ngày là một cuộc đời mới, hãy mở mắt ra, mở rộng trái tim để đón nhận và ban tặng đến vô biên không ngừng nghỉ. Hãy tri ân trong từng khoảnh khắc mà ta được sống đây, với tất cả muôn duyên để có được thân người, được hít thở trong một bầu trời tự do, biết tu tập và lớn lên trong chánh Pháp, biết tu sửa và trau dồi tâm linh, đó không chỉ là một phúc báo mà còn là bổn phận thiêng liêng, là sự tri ơn đúng nghĩa nhất về sự hiện hữu của chính mình trong vũ trụ nhân sinh, đối với chư Phật, chư Bồ tát, các vị thánh giả và những bậc tiền nhân, những bàn tay đã vun trồng cho cây đạo đức nở hoa giữa cuộc đời.
Tịnh Huệ (ĐPKS)
Các tin tức khác
- Thiền định giúp con người trị đau (30/05/2013 5:38)
- Hạnh lắng nghe (29/05/2013 11:58)
- Làm lắng dịu căng thẳng trong thân, trong tâm (29/05/2013 3:48)
- Phật Đản nhớ Phật (26/05/2013 3:06)
- Mừng Phật đến với chúng sanh (25/05/2013 1:53)
- Tu mót (21/05/2013 3:03)
- Ý nghĩa bảy bước nở hoa sen (20/05/2013 10:07)
- Thiền, stroke và trái tim (19/05/2013 1:55)
- Ý nghĩa "Duy ngã độc tôn" (17/05/2013 10:22)
- Niệm ân chư Phật Đản sanh (16/05/2013 3:16)