29/05/2017 1:14
Người nghèo khổ được định nghĩa là người thiếu thốn, khó khăn về phương diện sở hữu tài sản, vật chất như tiền bạc của cải. Về vật chất, họ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nợ nần chồng chất. Về tinh thần họ khó mở rộng tấm lòng nhân ái.
Còn bố thí là sự cho cùng khắp rộng rãi với tinh thần cho, tặng, biếu, giúp đỡ, chia sẻ, ban, hiến, tặng và cuối cùng là cúng dường một cách tự nguyện với lòng tôn kính, nó đòi hỏi người cho phải giàu có dư dã nhiều tiền của. Với người bình thường thì ta dùng từ cho, giúp đỡ, hiến, tặng. Với người có địa vị cao trong xã hội thì ta dùng từ kính tặng hay kính biếu. Với cha mẹ ông bà hoặc thầy tổ, thầy cô giáo thì ta dùng từ cúng dường. Cũng là từ bố thí nhưng tùy theo vị trí và chức năng địa vị trong gia đình và xã hội mà ta dùng từ ngữ có khác nhau để tỏ lòng cung kính và tôn trọng.
Đằng này, người nghèo dù thiếu thốn, khó khăn nhưng vẫn biết làm việc bố thí, cúng dường thì còn gì cao quý hơn, chúng ta hãy nên khích lệ và tán thán những người như thế. Họ là những vị Bồ tát đích thực trong hiện tại và mai sau.
Nghèo khổ mà biết bố thí, cúng dường là nói lên ý nghĩa cao cả của lòng từ bi rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống, nó nói lên thái độ không oán trách, không than vãn, không đổ thừa hoàn cảnh, thể hiện lòng vị tha với sự bao dung và độ lượng, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Ngoài ra, ta còn thấu hiểu được rằng người nghèo khổ mà biết bố thí, cúng dường là người đã có lòng tin sâu sắc đối với nhân quả nghiệp báo. Họ nhận ra rằng sự nghèo khó, là bởi ảnh hưởng của nghiệp nhân quá khứ do tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiệt, và trộm cướp lừa gạt của người khác.
Trong các hạng người ở xã hội với đủ các thành phần từ bậc vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng. Người nghèo khổ mà biết bố thí là điều khó nhất. Vì sao? Vì nghèo thì thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, nợ nần chồng chất thì thử hỏi làm sao có thể bố thí, giúp đỡ cho người khác được?
Chúng tôi có nhân duyên lớn với người bất hạnh và nghèo khó cứ mỗi tháng Hội Ấn tống Từ thiện Duyên lành cùng quý phật tử đạo tràng Pháp Hoa đã đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội Chánh Phú Hòa tỉnh Bình Dương để giao lưu chương trình kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống với tinh thần của ít lòng nhiều. Ngoài việc san sẻ và giúp đỡ vật chất, bằng sự nhịn ăn bớt mặc của quý phật tử gần xa.
Chúng tôi đã chia sẻ cho mọi người có được niềm tin trong cuộc sống bằng cách tin sâu nhân quả, mình làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nhờ vậy mà bà con anh chị em trại viên ngày càng sống tốt hơn và sẵn sàng chia sẻ bớt phần quà của mình nhận được. Đôi khi chỉ nhận được hai chục ngàn một người, nhưng họ dám cúng dường lại Tam bảo hoặc giúp những người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đây là điểm đặc biệt quan trọng mà một số người trong trung tâm đã làm được trong nhiều năm qua, chúng ta hãy nên tán dương công đức đó và khích lệ cho nhiều người khác cùng làm theo.
Nghèo khó như bà con ở đây, vậy mà vẫn có tấm lòng biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia quả thật là điều hiếm có. Nhờ sự giáo dục nhiệt tình của cán bộ nhân viên và học hiểu lời Phật dạy qua sự chia sẻ của chúng tôi, đã giúp cho họ có đủ niềm tin trong cuộc sống và ngày càng tín tâm với Tam bảo, tin sâu nhân quả và tin chính mình có khả năng chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Thời đức Phật, có hai vợ chồng là phật tử thuần thành rất kính tin Tam bảo, nhưng hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, bữa đói, bữa no, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Một hôm, người chồng đến chùa làm công quả thấy các phật tử xa gần đem nhiều vật thực đến cúng dường Tam bảo, anh phát tâm vui vẻ tùy hỷ và vô cùng phấn khởi khi thấy những việc làm có ích và cao cả như thế.
Về nhà, trong lòng anh chợt dấy khởi lên tâm mong muốn cúng dường Tam bảo, nhưng ngặt nỗi nhà anh quá nghèo, không có cái gì để mang đến chùa cúng dường, anh ta tủi thân, buồn rầu, lo lắng cho đến mất ăn, mất ngủ. Người vợ biết được tâm niệm tốt của chồng, bèn nói với anh rằng hay là anh đem bán em đi, để lấy tiền cúng dường. Người chồng nghe bà xã nói vậy càng buồn thêm, vì ai nỡ nhẫn tâm làm như thế, cuối cùng cả hai vợ chồng bàn nhau đi mượn nợ cúng dường và sau đó chấp nhận ở đợ, làm mướn suốt đời.
Sau khi suy tính, đắn đo, chọn lựa, kỹ càng hai vợ chồng liền đến nhà ông phú hộ trong làng để trình bày ý muốn như thế và sau khi cúng dường xong hai vợ chồng phải đến đây làm việc ở đợ suốt đời cho phú ông. Phú ông nghe nói thế liền cho mượn và trong lòng cũng vui theo.
Nhận được tiền, hai vợ chồng vui mừng mang đến cúng dường trai tăng với tất cả tấm lòng thành kính và sự biết ơn. Buổi lễ cúng dường đã được sáu ngày và chỉ còn một ngày nữa thôi là hai vợ chồng phải đến nhà ông phú hộ ở đợ trả nợ suốt đời. Cũng cùng ngày đó nhà vua muốn làm một việc phước đức nên đã đến chùa cúng dường. Nhưng sau khi biết được câu chuyện, có hai vợ chồng nhà nghèo mượn nợ cúng dường trai tăng, làm cho nhà vua cảm động và thương xót vô cùng.
Về triều, nhà vua đem chuyện này thuật lại cho các quan quân, quần thần cùng nghe, ai cũng đem lòng mến mộ và cảm phục hai vợ chồng nghèo kia. Và sau đó, nhà vua truyền lệnh cấp phát tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn cho hai vợ chồng nghèo đó có tiền trả nợ và còn dư chút đỉnh để làm ăn sinh sống. Từ đó hai vợ chồng trở nên giàu có và càng tin sâu Tam bảo hơn, cho nên thường xuyên phát tâm bố thí, cúng dường và giúp đỡ người nghèo khó nhiều hơn.
Người nghèo khổ mà dám phát tâm thực hành bố thí, cúng dường là một điều rất khó, như hai vợ chồng trong câu chuyện trên thật là hiếm thấy trong thời của chúng ta.
Một vị minh quân hay một ông vua sáng suốt, hiểu được đạo lý làm người biết phát huy những việc làm phước đức như ông vua kể trên thật là hạnh phúc cho tất cả mọi người chúng ta. Lịch sử nhân loại đã từng có rất nhiều vị lãnh đạo quốc gia làm được những việc như thế. Ở Việt Nam có Trần Nhân Tông, một vị vua lãnh đạo đất nước bằng tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật, hướng dẫn dân chúng tu hành theo tinh thần Phật dạy, xây dựng nên một nước Việt Nam hùng cường về mọi mặt, bên ngoài chiến thắng giặc ngoại xâm, bên trong dân chúng sống cơm no, áo ấm và bình yên hạnh phúc.
Đạo lý nhà Phật dạy con người sống có ích cho đời và đạo, không vì lợi ích riêng tư mà làm khổ mình, khổ người. Người phật tử khi thực hành bố thí cho người, dù họ là người ăn xin hay kẻ tật nguyền cũng đều phải cung kính tôn trọng, không cho mình là người cao quý, mà có thái độ xem thường hay khinh rẻ.
Tóm lại, người nghèo khổ mà biết thực hành bố thí, cúng dường với lòng thành kính quả là một điều rất khó, ngoại trừ người này đã kính tin Tam bảo, tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Các tin tức khác
- Khéo tu cái miệng (29/05/2017 1:07)
- Niềm tin và kinh Kalama (28/05/2017 1:09)
- Đức Dalai Lama nêu góc nhìn về giáo dục (28/05/2017 12:31)
- Hiểu lầm chữ tu (26/05/2017 12:48)
- Nụ cười hoan hỷ (26/05/2017 12:45)
- Khắc phục cảm xúc tiêu cực (25/05/2017 1:34)
- Đi kinh hành (24/05/2017 1:33)
- Cuối đường (24/05/2017 1:08)
- Chúng ta là những gì mà chúng ta đang suy nghĩ (23/05/2017 1:45)
- Tại sao cần thiền định (23/05/2017 1:24)