Người tu vượt qua luyến ái sắc đẹp

10/07/2017 1:46
Người si mê, u tối, thường tham muốn quá đáng, nên tự trói mình trong ái dục trở lại, như con tằm làm kén, tự quấn mình vào trong.
Sau khi thành đạo, Phật nhớ lời thỉnh cầu của vua Tần Bà Sa La, nên trở về nước Ma Kiệt Đà độ vua và hoàng tộc quy y Tam bảo. Do đó, nhà vua phát tâm cúng dường Tịnh xá Trúc Lâm đầu tiên. Hoàng hậu Khema, một trang tuyệt sắc giai nhân vô cùng xinh đẹp, bà rất tự hào và kiêu hãnh về sắc đẹp nghiêng thành, đổ nước của mình, không một mỹ nhân nào có thể sánh bằng.
 
Một hôm, do lòng hiếu kỳ, bà đến Tịnh xá Trúc Lâm để tham quan thắng cảnh. Bà vô cùng ngạc nhiên vì một sự thật quá ngỡ ngàng, bên cạnh Phật là một người con gái xinh đẹp, kiều diễm, trẻ trung như tiên nữ giáng trần; nhìn lại mình, bà cảm thấy tủi hổ khi so sánh với người con gái ấy.
   
Người si mê, tham ái, bị kẹt trong lưới ngũ dục như con cá bị vướng vào lưới, khó bề thoát ra. Khi ân ái đã sâu đậm, nhất là những người phụ nữ đẹp, luôn luôn bị dính mắc, nên lúc nào cũng trau chuốt và làm đẹp thân này. Tuy ái dục làm cho con người say mê, đắm đuối, và ràng buộc con người chặt chẽ, nhưng đối với người có ý chí, có nghị lực, vẫn có thể đối trị được dục ái, để được giải thoát và không còn bị phiền muộn, khổ đau chi phối.
   
Hoàng hậu Khema từ xưa nay chưa bao giờ thấy một người con gái nào xinh đẹp, kiều diễm đến thế, bà cứ đắm đuối nhìn người con gái ấy mãi không chán. Ðức Phật biết được tâm ý của bà, nên dùng thần lực làm cho bà nhìn thấy cô gái xinh đẹp, duyên dáng, kiều diễm, trẻ trung, có sức hấp dẫn quyến rũ ấy, bỗng dần dà trở nên già cả xấu xí.
 
Cuối cùng, cô ta chỉ còn là một túi da bọc xương trông thật ghê gớm. Qua đó, bà bừng ngộ ra rằng, sắc đẹp thể chất, hình hài này là không thật có, nhận ra tính cách vô thường tạm bợ của đời sống con người. Bà không ngờ, chỉ trong thoáng chốc mà người con gái xinh đẹp ấy trở thành già nua và chết chóc, trông chẳng khác nào con khỉ già khô đét.
   
Sau thời pháp, bà đến quỳ một bên, nhờ Phật khai thị nguyên lý vô thường, đổi thay của một con người. Phật nói, “Này, hoàng hậu Khema, chúng sinh trong thế gian do đam mê, tham muốn ái dục, mà dòng sông tham ái phát sinh như giếng sâu không đáy, tham được thì càng thêm tham, nên cố tình tìm cách nắm giữ, ai làm mất mát đi thì sinh ra đau khổ. Nhưng nếu tham mà không được, thì sinh ra nóng giận, hờn mát, ghen tuông, thù ghét, nên tìm cách hủy diệt lẫn nhau. Từ đó, tâm si mê càng thêm dính mắc luyến ái vào đó, mà không có ngày vượt thoát ra khỏi, vì lưới ái càng buộc ràng hơn”.
 
Khi bài pháp kết thúc, hoàng hậu Khema đã chứng quả Dự Lưu vào dòng Thánh.
 
Bà xin vua Tần Bà Sa La được xuất gia học đạo. Nhà vua là một Phật tử thuần thành, nên rất vui vẻ, chấp nhận cho bà ngay. Sau đó, ni Khema siêng năng, tinh cần tu tập, không bao lâu đã chứng quả A la hán. Bà là một trong những trưởng lão ni xuất sắc nhất trong thời kỳ đó, để lại tiếng thơm muôn đời cho đến ngày hôm nay.
 
Có người thắc mắc hỏi, “Vì sao bà xuất gia” – “Vì tôi đẹp, nên tôi mới xuất gia chứ!”.
   
Người con gái, hay còn gọi là phái đẹp, tức là người có nhan sắc mặn mà, dễ thương; tức là vẻ đẹp bề ngoài, vẻ đẹp có thể quyến rũ và làm mê hoặc nhiều đấng mày râu. Người xuất gia phải thường xuyên quán chiếu, xem xét, để phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật, vướng vào sắc đẹp làm cho ta luyến ái, sầu khổ, không ngày thôi dứt.
   
Chúng ta thử đi vào thực tế cuộc đời, từ quảng cáo, sách báo, phim ảnh, đều tô son, điểm phấn cho cái đẹp của phụ nữ. Phụ nữ thích mang đồ trang sức và làm đẹp là thói quen từ bao đời kiếp đến nay. Nhờ vậy, các thẩm mỹ viện trang điểm sắc đẹp mọc lên như nấm. Sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ và các đấng mày râu bán chạy như tôm tươi.
 
Để thu hút đấng mày râu, các dịch dụ quảng cáo, quán xá, nhà hàng, khách sạn, ăn uống, cà phê, giải khát, đều phải tuyển các phụ nữ trẻ đẹp để kích thích lòng tham muốn ái dục. Khoa giải phẫu thẩm mỹ cũng đang rất thịnh hành, nhiều người phụ nữ đến đó bơm ngực, làm mặt cho trắng đẹp ra, nhờ mọi phương tiện thiện xảo để thay đổi, bù đắp những chỗ ta cho là không được đẹp trên thân thể.
   
Người nào cũng muốn trang điểm cho vẻ đẹp bên ngoài thêm hấp dẫn, nhất là phái nữ, nhưng bên trong thì không có gì là đẹp. Đó gọi là cái thấy không chân lý, bởi vì nó không có thật, mà ta cứ tưởng là thật, nên lúc nào ta cũng trau chuốt, tô điểm cho nó, vì sợ mọi người chê ta xấu. Đó là một lẽ thật mà ta cần phải thường xuyên thực tập, quán chiếu, xem xét về sự vô thường của thân này. Vô thường là một trong những phép quán quan trọng của đạo Phật, chúng ta cần phải thực tập sâu sắc để chuyển hóa được ngục tù của ái dục.
   
Hoàng hậu Khema nghĩ mình là hoa hậu thời bấy giờ, nên rất tự hào, hãnh diện về sắc đẹp nghiêng thành, đổ nước của mình. Bà cho rằng, toàn xứ Ấn độ chưa chắc có người con gái nào xinh đẹp như bà. Vừa là vợ vua, vừa là một trang tuyệt sắc giai nhân, sống một đời vương giả, quyền quý, cao sang, ai lại không ham, không thích sao được. Ấy thế mà, hôm nay, chính mắt bà nhìn thấy một người con gái đẹp đến nỗi không có chỗ nào chê được.
 
Vậy mà trong phút chốc, từ một vẻ đẹp mỹ miều thay đổi, biến dạng, để trở thành một bà già xấu xí, một xác chết ruồi bu, kiến đậu, tanh hôi vô cùng. Nhờ vậy, bà thức tỉnh, ý thức được sự mong manh, vô thường của con người sao quá nhanh chóng. Bà giảm bớt kiêu khí tự hào, hãnh diện từ xưa nay, mà quỳ bên đức thế tôn xin Người chỉ dạy.
   
Phật nói một bài pháp sống, tác động đến tâm tư, trí não của bà, khiến bà sau đó liền quyết định xuất gia. Nhờ có nhân duyên nhiều đời với Phật pháp, cùng với sự siêng năng tu hành của mình, bà đã chứng được pháp giác ngộ, giải thoát. Bà là một tỳ kheo ni mẫu mực, xứng đáng cho đời tán thán, ca ngợi; nhất là các Phật tử nữ bây giờ, hãy bắt chước và học theo công hạnh của bà năm xưa.
 
(354)
Coi như bố thí hàng đầu
Là đem Chân Lý nhiệm mầu tặng nhau,
Coi như hương vị tối cao
Hương vị Chân Lý ngọt ngào dài lâu
Coi như hoan hỷ hàng đầu
Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời,
Người nào ái dục diệt rồi
Vượt qua phiền não, xa rời khổ đau.
 
(355)
Giàu sang, tài sản dồi dào
Chỉ làm hại được kẻ nào ngu thôi,
Dễ gì hại được những người
Đang cầu giác ngộ hướng nơi Niết Bàn,
Chỉ vì ham muốn giàu sang
Kẻ ngu tự hại bản thân đã đành
Hại thêm cả kẻ xung quanh.
 
(356)
Cỏ hoang làm hại ruộng vườn
Tham lam gây hại nhiều hơn cho người,
Tham lam ai đã lìa rồi
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng
Hưởng về phước báu vô vàn.
 
(357)
Cỏ hoang làm hại ruộng vườn
Lòng sân gây hại nhiều hơn cho người,
Ai lìa sân hận được rồi
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng
Hưởng về phước báu vô vàn.
 
(358)
Cỏ hoang làm hại ruộng vườn
Si mê gây hại nhiều hơn cho người,
Si mê ai đã lìa rồi
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng
Hưởng về phước báu vô vàn.
 
(359)
Cỏ hoang làm hại ruộng vườn
Ái dục gây hại nhiều hơn cho người,
Ai lìa ái dục được rồi
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng
Hưởng về phước báu vô vàn.
    
Trong các việc đóng góp, giúp đỡ, sẻ chia, làm phước, bố thí… cúng dường chánh pháp là một việc làm cao cả hơn hết. Trong các mùi hương, chỉ có hương đạo đức là tung bay ngược chiều gió, nên bao giờ cũng thơm hơn các thứ hương khác. Trong các thứ hạnh phúc, được thực tập và sống theo lời Phật dạy là an vui, hạnh phúc lớn nhất. Nhờ đó, ta có được bình yên, hạnh phúc thật sự, bằng cách chuyển hóa, đoạn trừ sự ham muốn, đam mê ái dục.
   
Người si mê, u tối, thường tham muốn quá đáng, nên tự trói mình trong ái dục trở lại, như con tằm làm kén, tự quấn mình vào trong. Đối với hàng Phật tử, ta cần phải có niền tin lớn đối với Tam bảo, biết tin sâu nhân quả, làm việc bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia, với tinh thần thương yêu, bình đẳng.
   
Ai chuyển hóa được đam mê, luyến ái dục vọng, thì không còn bất an, lo lắng, sợ hãi nữa, nên lúc nào cũng hoàn toàn được tự do và an lạc, thảnh thơi, vui vẻ sống trong dòng đời nghiệt ngã này.
 
 
Thích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top