Cỏ dại và dây chùm gửi

9/09/2017 12:36
Cái thói đời đen bạc được ví như là cỏ dại, bản chất cỏ dại là thấp kém hơn đối với mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này. Chính vì thế, cỏ dại được ví như những hành động xấu ác có tính hại người vật mang dáng dấp của chủ nghĩa cá nhân. Vào những mùa nắng gắt, cỏ dại không sống được, nhưng các hạt giống cỏ vẫn còn ẩn náu dưới lòng đất.

 

Chỉ cần một giọt nước hay một cơn mưa, cỏ lại bắt đầu sinh sôi nẩy nở trở lại rất mạnh mẽ mà không cần bón phân, chăm sóc. Trong khi đó, những hạt giống đạo đức, trí tuệ, từ bi hỷ xả vì lợi ích tha nhân tốt cho mình và cho cuộc đời thì rất ít, dù có nhiều người muốn chăm sóc cho tốt nhiều vẫn èo uột, không sống nổi vì bầy đàn cỏ dại bám víu.

Chính vì vậy, chúng ta phải nghĩ đến giá trị của những hạt giống tốt có lợi ích cho cuộc đời, không vì chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa gia đình trị và chúng ta mọi tầng lớp trong xã hội, đều có trách nhiệm nêu cao hạt giống đạo đức, từ bi trí tuệ và phải chăm sóc chúng thường xuyên, để cùng nhau tiến bộ trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Nếu dừng lại được hiểu là lạc hậu trên con đường dấn thân và phục vụ theo tiêu chí ổn định, kế thừa, phát triển. 
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Người phật tử nên biết, dùng tiền để kết giao trong cuộc sống lấy tiền làm trung tâm thì khi tiền hết sẽ đánh mất mối quan hệ thân thiết xưa nay. Chúng ta dùng quyền lợi để kết giao, khi lợi giữa hai bên không còn nữa thì mọi thứ đều tan biến. Ai dùng thế lực kết giao để mưu cầu sự sống, khi quyền lực không còn nữa thì mối bang giao đó sẽ sụp đổ. Tình cảm là mối quan hệ thân thiết giữa con người với nhau, ai dùng tình để giao kết khi hết duyên con người sẽ bị tổn thương và đau khổ. Duy chỉ có dùng tâm chân thật trong sáng mà thường lặng lẽ chiếu soi để kết giao, thì tình ấy mới được lâu dài bằng trái tim yêu thương có hiểu biết.

Đạo Phật là đạo của hòa bình được thể hiện qua nhân cách sống của từ bi hỷ xả, biết vận dụng suy nghĩ tích cực nhằm hướng đến mục đích tối thượng làm cho mình và người khác được lợi lạc trên nền tảng nhân quả và đạo đức. Khi gặp một hoàn cảnh xấu xảy ra chúng ta vẫn có thể đón nhận một cách an nhiên bình thản, dùng trí tuệ để soi sáng lại chính mình mà biết cách tháo gỡ mọi vấn đề được tốt đẹp hơn.

Chúng ta hãy nhìn xuống để thấy mình còn diễm phúc hơn rất nhiều người khác. Và ta hãy nhìn lên để thấy mình còn rất nhiều khiếm khuyết mà càng cố gắng nhiều hơn nữa. Con người ta hơn nhau ở chỗ là biết phân biệt tốt xấu, đúng sai và lấy lòng chân thành mà đối xử với mọi người. Ai sống được như thế thì an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh. Ngược lại, ai nặng về luyến ái tình cảm sẽ dính mắc trong đau khổ lầm mê. Tu là để vượt qua những cảm xúc làm khổ mình và người khác.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top