Tâm từ

26/09/2017 1:51
Tâm từ, hay thường được gọi chung là từ bi, là tình thương không điều kiện, không đòi hỏi phải được đáp trả trở lại.

Thật sự thì chữ bi có nghĩa là thương xót khi thấy chúng sinh đau khổ. Chỉ khi nào có thương yêu ai, ta mới thấy xót xa khi người đó đau khổ. Bi là dấu hiệu chứng minh có sự hiện hữu của từ nên chúng ta hay ghép chung thành từ bi. Nhưng nếu cẩn thận thì ta chỉ dùng chữ từ cho đúng bài bản chữ nghĩa.

Chúng ta biết rằng tâm từ ngược với tâm luyến ái nên không bị duyên nghiệp thúc đẩy, không được tâm ích kỷ tạo nên, không được sự ham muốn phát sinh. Chính vì không có gì thúc đẩy tạo thành nên Tâm Từ rất khó xuất hiện. Tâm luyến ái tràn ngập trên cõi đời này vì có được nhiều điều kiện hỗ trợ. Còn Tâm Từ rất cô đơn, không có gì trợ giúp cả.

Chỉ những người cực kỳ đạo đức, cực kỳ trí tuệ, cực kỳ khát khao chân lý mới đi tìm loại tình thương không điều kiện như thế. Ngay cả nhiều người là đệ tử Phật mà còn thờ ơ với việc huân tu lòng từ, huống hồ những người chưa bao giờ nghe đến tứ vô lượng tâm !

Tình thương bao la rộng lớn là giá trị căn bản của các tôn giáo. Tôn giáo nào không nói đến tình thương rộng lớn thì không phải là tôn giáo chân chính. Nhưng mỗi tôn giáo vẫn có đôi chút khác nhau khi nói về loại tình thương này. Hồi giáo kêu gọi thương yêu giữa những người đồng đạo với nhau, và cho phép giết người ngoài đạo. Kitô giáo theo lời Jésus thương cả kẻ thù của mình. Khổng tử cũng đề cao lòng Nhân. Chỉ đức Phật mới nói về một lòng Từ Bi thương yêu tất cả chúng sinh, đến tận cỏ cây chim thú.

Tình thương rộng lớn mà đạo Phật nhắm đến gần như tuyệt đối. Đức Phật đã đạt được tình thương như thế. Còn những ai tu theo Phật cũng sẽ phải đi theo hướng đó, về một tình thương phủ trùm tuyệt đối đến tất cả muôn loài, kể cả cỏ cây.

Nói theo logic, tình luyến ái thuộc về tâm ích kỷ; lòng từ bi thuộc về tâm vị tha. Ích kỷ thuộc về chấp ngã; vị tha thuộc về vô ngã.

Chấp ngã sinh ra ích kỷ và luyến ái; vô ngã sinh ra vị tha và từ bi.

Vì có chấp ngã nên ta có ích kỷ. Nếu tu tập vô ngã ta sẽ được từ bi. Càng tu tập từ bi thì chúng ta càng gần với vô ngã; càng tu tập vô ngã, chúng ta càng thành tựu từ bi. Vì vậy một vị Alahán đã chứng đạt vô ngã hoàn toàn cũng là thành tựu tâm từ bi vô hạn.

Đó là một logic hết sức chặt chẽ và không thể đảo ngược. Ai hiểu rằng một vị Alahán chưa có lòng từ, người đó là tà kiến, và có thể đọa địa ngục.

Có một thời gian khi giáo lý Bắc tông phát triển mạnh ở miền Bắc Ấn độ, nhiều người đã nghĩ rằng Alahán chưa có lòng đại bi như Bồtát. Quan điểm đó nên được điều chỉnh lại cho đúng với lời Phật dạy, và đúng với logic học hiện đại.

Từ bi và vô ngã là một, cái này hỗ trợ cái kia, cái này là bóng phản chiếu của cái kia. Nếu ta tu tập vô ngã mà chưa thấy lòng từ bi xuất hiện tức là chưa được vô ngã. Nếu ta tu từ bi mà chưa nhẹ ngã chấp tức là từ bi chưa có mặt.

Chúng ta tu tập từ bi tức là cũng đi trên con đường đến vô ngã, giống như thiền định. Vì vậy người tu tập thiền định mà không tu kèm theo từ bi thì không có kết quả lớn trong thiền định được. Tâm từ bi trợ giúp cho thiền tiến nhanh hơn. Phật dạy rằng ai đi tận cùng con đường của từ bi cũng thành tựu giải thoát (Kinh TỪ, Tăng Chi).

Ngược lại, chánh định cũng khơi mở lòng từ bi. Chúng ta nhấn mạnh chữ chánh định, vì nếu tuy có sức định mà không chánh, lòng từ bi cũng không mở ra. Khi tâm ta vào được một chút định thì lòng từ bi cũng mở ra thêm một chút. Ví dụ bình thường chúng ta nhìn mọi người chung quanh một cách hờ hững. Nhưng lúc nào đó mà tâm ta lắng yên rỗng rang, tự nhiên ta nhìn mọi người với tâm thương yêu nhẹ nhàng lập tức. Khi tâm yên lắng, tự nhiên tâm đó lan ra, bao phủ rộng rãi đến mọi người mọi vật chung quanh, đến cả cỏ cây sông núi. Tình thương cũng theo đó trùm lấy muôn loài.

Đó là lý do tại sao một vị Thánh yêu cả cỏ cây một cách tự nhiên là vậy. Chúng ta chưa bằng các vị thánh, nhưng nếu tâm có chút thiền định cũng khiến tình thương bắt đầu có mặt.

Có người nói: “một thiền sư luôn luôn là một nghệ sĩ, nhưng một nghệ sĩ thì không phải là thiền sư”.

Sở dĩ một thiền sư luôn là một nghệ sĩ vì vị đó có tình thương rộng lớn, cảm được đến cả đất trời cây cỏ, có thể biến thành cảm hứng sáng tác ra những bài thơ tuyệt đẹp. Các ngài cũng có một đời sống phóng khoáng nhẹ nhàng rất hay. Còn nghệ sĩ có nhiều tình cảm lãng mạn lai láng, rất khác với tình thương rộng lớn của thiền sư. Lối sống của nghệ sĩ cũng phóng túng chứ không phải phóng khoáng. Những sắc thái đó tuy na ná gần nhau nhưng khác nhau. Người nghệ sĩ đi theo hướng cảm tính nên đến gần ích kỷ dần dần. Chỉ khi nào họ đi theo Phật Pháp để thanh lọc những cảm tính xao động và phóng túng thì đời họ mới bớt khổ.

Tôn giáo nào cũng đề cao tình thương rộng lớn, như chỉ trong đạo Phật mới có con đường đi rất rõ, là quán từ bi, kết hợp với thiền định phá trừ ngã chấp, rồi từ bi xuất hiện. Đức Phật và các vị Alahán chứng được vô ngã tuyệt đối rồi thì lòng từ bi phủ trùm cả vũ trụ.

------------

Nguồn: Trích trong "Tâm lý đạo đức" - TT Thích Chân Quang - FB Nhân quả nghiệp báo

Các tin tức khác

Back to top