Vài điều suy ngẫm trong ngày Tôn sư trọng đạo

20/11/2017 2:17
Thầy giáo là người dẫn dắt, chỉ dẫn con đường; học viên phải tự đi trên con đường đó, phải tự trải nghiệm, không ai đi thay cho mình, không ai chèo giùm mình và lái giùm cuộc đời cho mình. Từ nền tảng giúp người học nâng cao kiến thức, tiến bộ hơn, giỏi hơn thầy mình.

1. SƯ HỌC NGÀY TRƯỚC VÀ CÁCH DẠY NGÀY NAY

Nền giáo dục thế học và giáo dục Phật giáo Việt Nam ngày nay đã có tiến bộ so với ngày trước. Dù có tiến triển khá dài, nhưng chúng ta vẫn thua xa các nước bạn. Cần phải cải tiến phương pháp dạy và học, tái cơ cấu toàn bộ chương trình đào tạo từ mẫu giáo đến đại học để tránh lạc hậu. Trong thời Pháp thuộc, giáo dục rất hạn chế, khủng hoảng về tri thức, đặc biệt là tri thức Phật giáo. Để xóa nạn mù chữ Phật pháp, các bậc tôn túc xưa đã mở ra phong trào cải cách Phật học. Học Phật pháp căn bản và vỡ lòng là rất cần thiết. Dù mới vào Chùa, hoặc đang là Sadi thì phải học Phật căn bản. Cách học ngày nay đã có tiến bộ hơn ngày xưa, dạy tiếng thuần Việt, sử dụng các công cụ kỹ thuật số như powerpoint, máy ghi âm, v.v…được áp dụng vào trong giảng dạy, giúp người học có thể nắm bắt tư tưởng Phật học nhanh chóng.

2. VAI TRÒ CỦA NHÀ GIÁO

“Người lái đò thầm lặng” là một khái niệm rất dở của giáo dục Việt Nam, vì nó chỉ phù hợp với học sinh Cấp 1 trở xuống với kiến thức nhận được lệ thuộc hoàn toàn vào kỹ năng truyền đạt của giáo viên, còn ở Cấp 2 trở lên thì học sinh đã có thể tự học, có tư duy phản biện. Học sinh chỉ “hưởng” kiến thức từ giáo viên, không phải làm gì hết thì học sinh đó hoàn toàn bị động, không phải là giáo dục. Giáo dục phải mang đến kỹ năng sống trên nền tảng con chữ.

Thầy giáo là người dẫn dắt, chỉ dẫn con đường; học viên phải tự đi trên con đường đó, phải tự trải nghiệm, không ai đi thay cho mình, không ai chèo giùm mình và lái giùm cuộc đời cho mình. Từ nền tảng giúp người học nâng cao kiến thức, tiến bộ hơn, giỏi hơn thầy mình. Thầy giáo dạy phương pháp, dạy kỹ năng để học viên đạt được tri thức trên nền tảng nghiên cứu có chọn lọc, có hệ thống thì học viên sẽ đào sâu được tri thức của mình, từ đó phát minh, sáng kiến, sáng tạo ra những cái mới. Học viên phải tự tìm tòi, học hỏi, còn nhà giáo chỉ là người hướng dẫn. Đó là vai trò đích thực của nhà giáo. Tất cả học viên nên xem thầy giáo của mình chỉ là người chỉ đường, dẫn đắt.

3. TÔ CANH VÀ KỸ NĂNG SỐNG

Trong Kinh Pali, Đức Phật miêu tả có 1 muỗng được đặt vào tô canh, cái muỗng không thấm được mùi vị của canh. Tương tự, nếu tâm mình không mở ra đón nhận những điều chưa biết, điều chỉnh những điều hiểu sai, đào sâu những gì đã học thì kiến thức thu nạp chỉ dừng lại ở dạng thô, chưa phải là trí tuệ. Vì thế, chúng ta đừng trở thành muỗng, nĩa trong tô canh Phật Pháp. Học Phật không phải để tích tụ tri thức, hoặc để đối đáp với mọi người, mà để sống với nó.

Hạn chế của nền giáo dục hiện nay trên thế giới là dùng kiến thức để lập nghiệp, chứ không dạy kỹ năng sống trong các cấp học. Có nơi vẫn đưa môn đức dục vào dạy, Việt Nam sau 1975 mất hẳn môn đức dục dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Học Phật là học kỹ năng sống để mình mở mang trí tuệ, xóa bỏ mê tín dị đoan, thoát khỏi sợ hãi, hiểu rõ nhân quả, thấy rõ quy luật của cuộc sống, làm chủ mọi thứ và nắm chắc vận mạng trong tầm tay. Kỹ năng sống thứ 2 là áp dụng tri thức Phật pháp vào đời sống xã hội và gia đình để những người tiếp xúc với chúng ta được hạnh phúc, an lạc.

Chính vì thế, các nhà Phật học không muốn ghi nhận Phật học là triết học vì nó là nền tảng kỹ năng sống, con đường thực tập chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc đích thực. Kỹ năng sống theo ứng dụng Phật giáo phải bao gồm các yếu tố sau đây:

- Có tâm: Đạo Phật dạy chúng ta có tấm lòng; tức có tâm vô ngã, vị tha, phụng sự, nhân ái, tha thứ, vĩ đại.

- Có tầm: Tầm nhìn xa, hiểu biết rộng. Thế giới diễn ra theo quy luật; như quy luật thời tiết, nhân quả, quy luật của tâm, quy luật vật chất. Hiểu được các quy luật, sống với các quy luật thì chúng ta sẽ làm chủ cuộc sống này. Nhờ có tầm, ta làm gì, nghĩ gì sẽ thấy ở góc độ vĩ mô và vi mô, không chấp tiểu tiết, gút mắc nho nhỏ, quan tâm đến tổng thể. Dù làm việc đời hay việc đạo, có tầm nhìn to, hiểu biết lớn, ý tưởng rộng thì thoáng đạt lắm.

- Trí tuệ: Nhờ học Phật pháp ta tăng trưởng được trí tuệ.

- Phụng sự: Học Phật là để phụng sự. Sự nhập thế của Đức Phật Thích Ca khó có thể tìm thấy bất kỳ nhân vật sáng lập tôn giáo nào bằng 1/10. Toàn bộ triết lý của Đức Phật là nhập thế xã hội chứ không phải tu rục, tu rị. Sáu Ba-la-mật bắt đầu bằng từ bi và kết thúc bằng trí tuệ. Nhiều Phật tử tại gia ngộ nhận tu là niệm Phật, tụng kinh, ngồi Thiền, bái sám… ở trong chùa. Những quan niệm cho rằng làm từ thiện là vọng duyên, phan duyên, đi vòng ngoài…chỉ cần niệm Phật thôi thì đưa đạo Phật vào ngõ cụt.

Chúng ta cần phải là 1 người Phật tử thuần chất Phật, chuyển hóa thói phàm, chứng minh mình có những tiến bộ từ tu học Phật.

 

Thích Nhật Từ

Các tin tức khác

Back to top