Thay đổi cách nhìn

12/12/2017 3:31
Trong cuộc đời tu hành, tôi không chủ ý luyện tập thuần thục nhiều đề mục. Chỉ cần một đề mục thôi. Tôi thanh lọc tâm này.

Ví như ta đang nhìn thân thể của người nào đó. Nếu thấy bị thân ấy lôi cuốn, ta tức thời phân tích nó. Hãy nhìn thật kỹ: tóc, lông, móng, răng, da (kesa, loma, naka, danta, taco) - đây cũng là đề mục thiền quán cho các vị tu sĩ mới thọ giới. Đức Phật dạy chúng ta nên quán chiếu nhiều lần và thật tường tận các bộ phận đó của thân thể. Nhìn chúng riêng rẻ, tách rời chúng ra, lột hết lớp da và đốt chúng cháy hết. Đó là cách cần phải làm. Kiên trì quán chiếu mãi như thế, cho đến khi nào mức thiền quán được an lập và không bị lay chuyển. Hãy nhìn bất cứ ai, cũng bằng phương cách ấy. Thí dụ như, vào mỗi buổi sáng khi chư tăng vào làng khất thực, bất cứ ai mà họ trông thấy - dù đó là một vị tăng khác hay một người dân làng - các vị tỳ khưu cũng thấy người ấy như là một tử thi biết đi, đang lê lết trên khoảng đường trước mặt họ. Luôn luôn chú tâm vào tri giác đó. Đó là cách cần phải nỗ lực; nó giúp cho tâm được phát triển chín chắn. Khi gặp một người phụ nữ mà bạn thấy thật hấp dẫn, hãy tưởng tượng đó là một thây ma biết đi, thân thể nàng tanh tưởi và nặc mùi thối rữa. Hãy nhìn thấy mọi người như thế. Và đừng để họ đến gần bạn quá! Đừng để sự say đắm dai dẳng trong tâm bạn. Nếu bạn cảm nhận kẻ khác như tanh tưởi và thối rữa, tôi có thể quả quyết với bạn rằng sự say đắm không dằng dai được lâu. Hãy quán chiếu cho đến khi nào bạn đã chắc chắn về những gì bạn nhìn thấy, cho đến khi bạn đã thuần thục. Dù bạn lang thang theo con đường nào, bạn cũng không lạc lối. Hãy đặt tâm trọn vẹn vào việc hành thiền đó. Mỗi khi bạn nhìn đến ai, đó không khác chi là nhìn vào một tử thi. Dù là đàn ông hay đàn bà, hãy cứ nhìn người ấy như một thân đã chết. Và cũng chớ quên là bạn nhìn chính bạn cũng là một tử thi. Cuối cùng đó là tất cả những gì còn lại. Hãy cố gắng tập cách nhìn như thế đó cho thật tỉ mỉ. Hãy tập luyện phương cách đó cho đến khi nào nó trở nên một phần của tâm trí bạn. Tôi cam đoan là bạn sẽ có nhiều thích thú - nếu bạn thực sự tập luyện như thế. Nhưng nếu bạn cứ bận rộn tìm đọc trong sách, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn với nó. Bạn cần phải thực tập nó. Và phải tập luyện với tất cả tấm lòng chân thành. Tập mãi cho đến khi nào công phu thiền quán đó trở thành một phần của đời bạn. Hãy lấy sự nhận thức Chân lý làm mục tiêu của bạn. Khi ước nguyện muốn vượt thoát khỏi khổ não là lý do khích tấn bạn tu tập, thì bạn sẽ đi đúng đường lối.

Vào thời buổi này, có rất nhiều người giảng dạy Minh quán (Vipassanā) và cả một danh sách dài gồm đủ các loại kỹ thuật thiền quán. Tôi muốn nói điều này: thực tập Minh quán không phải là chuyện dễ. Chúng ta không thể nhảy thẳng ngay vào trong đó. Không thể thực tập Minh quán thành công được, nếu ta không bắt đầu từ một tiêu chuẩn cao về giới hạnh. Bạn hãy tự nhận định điều đó. Kỹ luật đạo đức và các học giới rất cần thiết, bởi vì nếu tâm ý, hành động và lời nói không trong sạch, thì ta không bao giờ đủ sức đứng vững một mình. Hành thiền mà không có giới đức thì cũng như bỏ qua một đoạn quan trọng của con Đường. Cùng thế ấy, đôi khi bạn nghe nói, "Chúng ta không cần phát triển sự an tịnh; hãy bỏ qua giai đoạn đó và đi thẳng vào hành thiền Minh quán." Những người cẩu thả ham đi đường tắt thường nói như thế. Họ bảo, chẳng cần bận tâm với giới hạnh. Thọ trì và thanh tịnh hóa giới hạnh là cả một thử thách, không phải chuyện đùa giỡn. Nếu ta có thể bỏ qua được tất cả các lời dạy về giới hạnh, mọi việc rồi ra sẽ dễ dàng lắm, phải không? Bất cứ lúc nào gặp khó khăn, giản dị là ta cứ tránh né bằng cách bỏ qua nó đi. Dĩ nhiên, ai ai cũng thích bỏ qua các điều khó.

Một dạo nọ, một vị tỳ khưu có nói với tôi rằng ông ấy là một thiền giả chân chánh. Ông xin phép lưu trú ở đây với tôi, và hỏi thăm thời khóa cùng các tiêu chuẩn về kỷ luật tu viện. Tôi giải thích cho ông biết, ở tu viện này, chúng tôi tuân theo Giới Luật (Vinaya) của Đức Phật đặt ra, và nếu ông muốn ở lại thì phải từ bỏ tất cả tiền bạc và vật dụng tiếp tế riêng của ông. Ông ta bảo tôi rằng sự tu tập của ông là "không chấp thủ vào mọi qui ước". Tôi đáp rằng, tôi vẫn chưa hiểu ông ấy muốn nói gì. Ông ta hỏi lại: "Có thể nào tôi được ở đây và vẫn giữ tiền bạc riêng của tôi, vì tôi không bao giờ dính mắc vào đó? Tiền bạc cũng chỉ là một qui ước." Tôi trả lời: "Vâng, không thành vấn đề! Nếu ông có thể ăn muối mà không thấy mặn, thì ông có thể dùng tiền bạc mà không chấp thủ vào đó." Ông ta chỉ ăn nói lăng nhăng! Thật ra, ông ta quá dể duôi và không biết tuân theo các chi tiết trong Giới luật (Vinaya). Này bạn, đó không phải là chuyện dễ. "Khi ông có thể ăn muối và thành thật bảo với tôi rằng ông không thấy mặn, thì tôi sẽ tin lời ông. Nhưng nếu ông bảo ông không thấy mặn, tôi sẽ đưa ngay cho ông một bao muối để ăn. Cứ ăn thử đi. Thật tình ông không thấy mặn sao? Không chấp thủ vào các qui ước, đó chỉ là một lời xảo ngôn. Nếu ông cứ tiếp tục nói như thế, thì ông không thể ở đây với tôi được." Rồi ông ta bỏ đi nơi khác.

Chúng ta cần phải giữ giới luật và tu tập giới đức. Tu sĩ phải hành trì hạnh Đầu đà (Dhutanga) và cư sĩ tại gia phải giữ cho tròn Năm Giới. Bạn hãy vươn lên tới mức không thể chê trách được trong lời nói và việc làm. Ta phải ráng tận sức mình để vun trồng thiện căn và tiếp tục làm mãi như thế.

Khi bắt đầu vun trồng sự an tịnh của thiền An chỉ (samatha), đừng để vướng vào lỗi lầm là tập một vài lần rồi bỏ cuộc, bởi vì tâm vẫn chưa được an định. Như thế là không đúng với đường lối tu tập. Bạn phải tu tập hành thiền qua một thời gian dài. Tại sao lại phải tập lâu như thế? Bạn hãy nghĩ lại cho kỹ. Đã bao nhiêu năm rồi bạn đã để cho tâm đi lang thang? Đã bao nhiêu năm rồi bạn chưa biết tập hành thiền An chỉ? Mỗi khi tâm ra lệnh cho ta đi theo nó vào một ngõ nào đặc biệt, tức thời ta vội nghe theo ngay. Một vài tháng hành thiền không thể đủ để làm cho tâm lang thang ấy lắng dịu lại, để nó ngừng lại, để nó đứng yên. Hãy suy xét điều đó.

Khi quyết tâm tập luyện cho tâm an định trước mọi tình huống, xin bạn hãy hiểu cho rằng, vào buổi đầu, khi cảm xúc phiền não xảy đến, thì tâm không thể nào an định được. Tâm sẽ bị xao lãng và vượt ngoài sự kiểm soát. Tại sao? Bởi vì có sự khát vọng, mong cầu. Ta không muốn tâm ta phải suy nghĩ. Ta không muốn thể nghiệm bất cứ tình cảm rối rắm nào. "Không mong muốn" là một khát vọng, khát vọng đòi hỏi sự bất hiện hữu. Ta càng khát vọng không muốn thể nghiệm sự việc gì, thì ta lại càng mời sự việc đó đến nhanh với ta. "Tôi không muốn các sự việc đó, cớ sao chúng lại cứ tìm đến với tôi mãi? Tôi không muốn chuyện đó xảy ra như thế này, sao nó lại đến như vậy?" Cứ như thế đấy. Ta khát vọng muốn sự việc được hiện hữu theo một cách riêng, bởi vì ta không hiểu được chính tâm ta. Phải mất một giời gian rất lâu trước khi ta nhận thức được rằng, cứ đeo đuổi với sự việc như thế là sai lầm. Sau cùng, khi ta xét kỹ lại, ta mới thấy rằng, "Sự việc đó đến đây được, chỉ vì ta đã mời nó đến."

Khát vọng không muốn thể nghiệm sự việc gì, khát vọng muốn được an tịnh, khát vọng muốn không bị quấy rầy hay xao động - tất cả đều là khát vọng. Đấy là một hòn sắt nung nóng đỏ hực. Nhưng cũng không sao. Chỉ cần quay về tiếp tục tu tập. Mỗi khi ta thể nghiệm một khí sắc hay là một tình cảm, ta hãy quan sát chúng, dựa theo các đặc tính vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, và xếp chúng vào một trong ba đặc tính đó. Rồi ngẫm nghĩ và thẩm sát: các tình cảm phiền não đó hầu hết đều có sự tư duy quá độ đi kèm theo. Tư duy lẽo đẽo theo sau cảm tính. Tư duy và trí tuệ là hai sự kiện khác nhau. Tư duy chỉ giản dị là phản ứng đối với cảm tính và rồi cứ theo sau nó mãi, không thấy ngừng lại ở đâu. Còn nếu trí tuệ đang khởi động, thì nó sẽ khiến tâm dừng lại, ở yên đấy. Tâm dừng lại và không đi đâu nữa. Giản dị chỉ có sự hay biết và ghi nhận những gì đang được thể nghiệm: khi tình cảm này đến, tâm như thế này; khi cảm tính kia đến, tâm như thế nọ. Ta nuôi dưỡng sự nhận biết đó.

Sau cùng, ta nhận thấy rõ: "À! Tất cả sự tư duy đó, cái tên ưa bàn chuyện phiếm đó, cái kẻ hay lo lắng và phán đoán đó - đều là sự vô nghĩa, không có thực chất gì cả. Nó là vô thường, bất toại nguyện và không phải là Ta, mà cũng không phải Của Ta." Hãy xếp nó vào một trong ba loại đặc tính phổ quát đó, và dập tắt ngay sự khởi dậy. Bạn cắt đứt được ngay tại nguồn gốc. Sau này, khi ta ngồi xuống để hành thiền, nó lại trồi lên nữa. Hãy cẩn thận canh chừng nó. Hãy dò dẫm, rình mò nó.

Hãy lấy thí dụ việc nuôi trâu.Trâu ưa ăn mạ non, phải không? Tâm bạn cũng như con trâu. Các tình cảm phiền não được ví với mạ non. Sự hay biết là người nông phu. Thực tập Chánh Pháp cũng giống như thế đó. Không khác chi cả. Bạn hãy tự mình so sánh lấy. Khi nuôi trâu, bạn sẽ phải làm gì? Bạn thả nó ra, để nó đi tự do, nhưng bạn để mắt canh chừng nó. Nếu nó mon men đến gần cánh đồng có mạ non, bạn hét to lên. Khi trâu nghe, nó sẽ lùi lại, đi chỗ khác. Nhưng nếu trâu của bạn thuộc loại cứng đầu, không thèm để ý đến lời la hét cảnh cáo, thì bạn phải cầm roi quất vào lưng nó một cái đét. Thế là nó không còn dám đến gần đồng mạ non. Nhưng bạn đừng lơ đểnh, ngủ trưa. Nếu bạn ngã lưng và đánh một giấc, mạ non trên cánh đồng sẽ đi vào lịch sử! Thực tập theo Chánh Pháp thì cũng như thế: bạn canh chừng tâm của bạn; sự hay biết sẽ chăm sóc tâm bạn.

"Những ai cẩn thận canh chừng tâm sẽ được thoát khỏi cạm bẫy của Ma vương (Mara)." Tuy nhiên, cái tâm hay biết đó cũng là tâm, vậy thì ai đã theo dõi và quan sát tâm? Ý kiến này có thể làm bạn rối rắm vô cùng. Tâm là một sự việc, sự hay biết lại là một sự việc khác; và tuy vậy sự hay biết đó lại bắt nguồn tại chính nơi tâm ấy. Biết được tâm có nghĩa là gì? Khi chạm trán với tình cảm, khí sắc, thì ra sao? Khi các tình cảm phiền não vắng bặt, thì như thế nào? Cái gì biết được các sự kiện trên xảy ra như thế nào, cái đó được gọi là "sự hay biết". Sự hay biết rất bén nhạy theo sát tâm, và chính từ nơi sự hay biết đó mà trí tuệ khởi sinh ra. Tâm là cái gì đã suy nghĩ, tư duy và vướng víu vào các tình cảm, hết tình cảm này đến tình cảm khác - giống in hệt như con trâu của ta. Hễ nó lang thang đi đâu, hãy có mắt canh chừng nó. Làm sao mà nó vọt đi khỏi? Nếu nó bén mảng đến gần ruộng mạ non, hãy hét to lên. Nếu nó chẳng chịu nghe, cầm roi đánh nó. "Đét!" Đó là cách mà bạn đánh bại được sự khát vọng.

Tập luyện tâm cũng không khác chi mấy. Khi tâm thể nghiệm một cảm tính và tức khắc bám vào đó, đó là lúc mà sự hay biết có công việc phải dạy tâm. Hãy quán sát cảm tính đó, xem nó tốt hay xấu. Giải thích cho tâm biết nguyên nhân và hậu quả diễn ra như thế nào. Và khi tâm ấy lại bám vào một sự kiện khác mà nó cho rằng đáng quí mến, sự hay biết lại cũng phải dạy tâm nữa, giải thích cho tâm biết nguyên nhân và hậu quả ra sao, mãi cho đến khi nào tâm đủ sức vứt bỏ sự kiện ấy xuống. Điều này đưa đến sự an tịnh cho tâm. Sau khi đã nhận thấy ra tâm đang bám níu vào sự việc gì đó, và sự bám níu vốn, tự bản chất, là một điều bất hảo, bấy giờ tự nhiên và giản dị, tâm dừng lại. Nó không còn bị các sự việc đó quấy rối nữa, bởi vì nó luôn luôn bị ngăn chặn bởi một hàng rào quở mắng và khiển trách. Hãy chặn đứng sự khát vọng của tâm với quyết chí mãnh liệt. Hãy thách thức sự khát vọng đến tận cốt lõi, cho đến khi nào lời giáo huấn đã thấm nhập vào tâm. Đó là cách mà bạn huấn luyện tâm.

Khi tôi vào rừng để ẩn cư, thực tập hành thiền, tôi đã tập luyện như thế. Khi đào tạo các đệ tử, tôi cũng dạy họ tập luyện như thế. Bởi vì tôi muốn chính họ nhìn thấy Chân Lý, hơn là đọc những gì đã viết trong kinh điển. Tôi muốn họ thấy rõ tâm của họ được giải thoát khỏi sự tư duy theo khái niệm. Khi sự giải thoát xảy ra, thì bạn biết; và khi nó chưa xảy ra, thì bạn hãy quán soi tiến trình theo đó sự vật này làm nguyên nhân và tạo ra sự vật khác. Quán chiếu cho đến khi nào bạn biết và hiểu điều đó thật tận tường. Một khi được ta thấm nhập sâu vào nó với sự minh triết, thì tự nó, nó rã rời ra. Khi một sự việc gì đến ngăn trở bạn và bám chặt lấy, bạn hãy thẩm cứu ngay. Đừng bỏ dở, cứ tiếp tục thẩm cứu cho đến khi nào nó nới lỏng và buông lơi sự bấu níu ra. Hãy thẩm cứu thật nhiều lần, ngay tại đây. Đó là cách mà chính tôi đã áp dụng trong việc tập luyện, bởi vì Đức Phật có dạy rằng, chính tự ta, ta phải biết lấy. Và tất cả các bậc hiền trí, cũng vậy, tự chính họ, họ biết đến Chân Lý. Bạn cần phải khám phá ra điều đó ngay tại nơi sâu thẩm nhất trong chính tâm của bạn. Bạn phải biết lấy chính bạn.

Nếu bạn tin chắc vào những gì bạn biết và có lòng tự tín, bạn sẽ cảm thấy thư giãn khi có người chỉ trích hay khen ngợi bạn. Dầu ai có nói gì đi nữa, bạn cũng vẫn thoải mái. Tại sao? Bởi vì bạn tự biết mình. Nếu ai có lời ca tụng tâng bốc bạn, mà bạn biết mình chưa xứng đáng, thì bạn có vội tin theo không? Dĩ nhiên là không. Bạn chỉ lo tiếp tục tu tập theo Chánh Pháp. Khi kẻ nào còn chưa tin chắc vào những gì họ đang biết, lại được kẻ khác khen tặng, thì họ bị dính mắc vào đó, khiến cho tri giác của họ trở nên méo mó. Cùng thế ấy, khi có ai chỉ trích bạn, bạn hãy nhìn kỹ và quan sát chính bạn. "Không, những gì họ nói còn chưa đúng sự thật. Họ buộc tội ta là đã sai lầm, nhưng thật sự ta không có điều gì quấy. Sự phê phán của họ không có giá trị gì." Nếu trường hợp đó đúng, thì cần gì phải giận họ? Lời họ không đúng sự thật. Tuy nhiên, nếu ta có lỗi giống như lời họ buộc tội, thì sự kết án ấy đúng đắn. Nếu thật như vậy, thì sao lại giận họ? Nếu bạn đủ sức để suy nghĩ như thế, thì cuộc đời sẽ được thoải mái, không còn chút nào phiền muộn. Rồi thì mọi việc sẽ êm thắm. Rồi thì tất cả sẽ là Chánh Pháp. Đó là cách mà tôi đã tu tập.


Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top