Cách đối trị tham, sân, si

8/12/2017 1:45
Nghiệp tham, sân, si biểu hiện dưới nhiều hình thức, không thể tả xiết! Nơi đây chỉ nói tổng quát bốn điều căn bản để đối trị những nghiệp ấy.
1. Dùng tâm đối trị

Người mê với bậc giác ngộ chỉ có hai điểm sai biệt: tịnh là chư Phật, nhiễm là chúng sinh. Chư Phật do thuận theo tịnh tâm nên giác ngộ, đủ thần thông trí huệ; chúng sinh bởi tùy nơi trần nhiễm nên mê hoặc, bị sống chết luân hồi. Tu Tịnh độ là đi sâu vào Niệm Phật Tam Muội để giác ngộ bản tâm, chứng lên Phật quả. Vậy trong niệm Phật, nếu thấy bất cứ một niệm vọng động nào khác nổi lên, liền phải trừ ngay và trở về tịnh tâm. Đây là cách dùng tâm để đối trị. 
 
2. Dùng lý đối trị

Nếu khi vọng niệm khởi lên, dùng tâm ngăn trừ không nổi, phải chuyển sang giai đoạn hai là dùng đến quán lý. Chẳng hạn như khi tâm tham nhiễm nổi lên, quán lý: Bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã. Tâm giận hờn phát khởi, quán lý: Từ bi hỷ xả, nhẫn nhục nhu hòa, các pháp đều không.

3. Dùng sự đối trị

Những kẻ nghiệp nặng, dùng lý đối trị không kham, tất phải dùng sự, nghĩa là dùng đến hình thức. Thí dụ, người tính dễ sân si, biết rõ nghiệp mình, khi phát nóng bực sắp muốn tranh cãi, họ liền bỏ đi và uống từ từ một ly nước lạnh để dằn cơn giận xuống. Hoặc như kẻ nặng nghiệp ái, dùng lý trí ngăn không nổi, họ lựa cách gần bậc trưởng thượng, làm phật sự nhiều, hoặc đi xa để lãng quên lần tâm nhớ thương. Câu: "Dám xa xuôi mặt mà thưa thớt lòng!" thật ra chính là "càng xa xuôi mặt, càng thưa thớt lòng!". Bởi tâm chúng sinh y theo cảnh, cảnh đã vắng tức tâm mất chỗ nương, lần lần sẽ phai nhạt. 

4. Dùng sám tụng đối trị

Ngoài ba cách trên từ tế đến thô, còn có phương pháp thứ tư là dùng sám hối trì tụng để đối trị. Sự sám hối, niệm Phật, trì chú hoặc tụng kinh, mà giữ cho đều đều, có năng lực diệt tội nghiệp sinh phước huệ. Vì thế thuở xưa có nhiều vị trước khi thọ giới hay sắp làm phật sự lớn, thường phát nguyện tụng mấy muôn biến Chú Đại Bi, hoặc một tạng kinh Kim Cang Bát Nhã. Bên Trung Hoa các cư sĩ khi hợp lại Niệm Phật đường để kiết thất, nếu ai nghiệp nặng niệm Phật không thanh tịnh, hay quán Phật không được rõ ràng, vị pháp sư chủ thất thường bảo phải lạy hương sám. Đây là cách đốt một cây hương dài, rồi thành kính đảnh lễ hồng danh Phật sám hối, cho đến khi nào cây hương tàn mới thôi. Có vị suốt trong thời kỳ kiết thất bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày, toàn là lạy hương sám. Bốn cách trên, hành giả tùy trường hợp mà đối trị tổng quát ba nghiệp tham, sân, si. Nếu bền bỉ chí tâm, thì không việc chi chẳng thành tựu.

Trích “Niệm Phật Thập Yếu”
Hòa thượng Thích Thiền Tâm

Các tin tức khác

Back to top