Chấp ngã là nền tảng sinh mọi u tối

2/12/2017 2:40
Thế giới này, ngày càng xảy ra nhiều mâu thuẫn, tranh chấp v.v… là do chấp ngã. Nơi nào có chấp ngã nhiều, nơi đó thường xảy ra nhiều mâu thuẫn. Vì chấp ngã có khuynh hướng cái gì thuộc tôi mới đúng, thuộc tôi mới nhất. Cũng do chấp ngã mà nảy sinh tình trạng tranh giành, hơn thua, không ngó mặt nhau.


Chấp ngã là hành tướng của thức thứ 7.

Chấp ngã có hai phần. Một là ngã. Hai là chấp. Chấp là thủ chặt, đầu mối của mọi lầm lẫn. Chấp vào phiền não thì sinh phiền não chướng. Chấp vào sở tri thì sinh sở tri chướng. Chấp, đa phần là hệ quả của tập. Do tập mà có chấp. Thứ gì huân tập nhiều thành có lực, sẽ đưa đến chấp.

Ngã vi tế là chỉ cho thức thứ 8. Thức thứ 7 chấp thức thứ 8 làm ngã.

Ngã thô hơn là chỉ cho thân ngũ uẩn này. Thân ngũ uẩn là duyên hợp của 5 thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đã duyên hợp thì vô ngã. Nhưng do vô minh mà chúng sinh đã chấp vào thân tứ đại cho đó là thân mình, chấp vào tình cảm cho là tình cảm của mình, chấp vào sự hiểu biết (sở tri) cho là hiểu biết của mình, từ đó hình thành nên loại chấp ngã này. Chỉ khi nhìn vạn pháp bằng cái nhìn duyên khởi, mới có thể giúp chúng ta phá bỏ dần loại thủ chấp này.

Ý thức, hành tướng chính của nó là phân biệt. Không có thức thứ 7 thì ý thức không hoạt động được. Nếu thức thứ 7 không nhiễm ô thì ý thức vẫn không đánh mất tính phân biệt của mình, nhưng là loại “phân biệt không phải ý”. Nếu thức thứ 7 ở tình trạng nhiễm ô, phát huy tính chấp ngã và suy lường thì ý thức hoạt động theo kiểu “Tội vi khôi”.

Không có ý thức thì năm thức ngoài không hoạt động được. Nếu ý thức ở trạng thái hiện lượng, là phân biệt mà không phân biệt, thì năm thức ngoài cũng ở trạng thái hiện lượng. Cảnh thế nào nhận biết đúng thế ấy. Nếu ý thức ở trạng thái nhiễm ô thì năm thức ngoài cũng thành nhiễm ô. Mọi thấy nghe đều bị nhiễm ô chi phối. “Phân biệt biến” xuất hiện là do đây.

Tóm lại, mọi cái nhìn cái nghe của mình đều bị chi phối bởi thức thứ 7, thông qua ý thức. Thức thứ 7 mà “bình đẳng” thì mọi thấy nghe đều dựa trên sự bình đẳng ấy mà hiện tướng. Thức thứ 7 mà phát huy suy lường và chấp ngã thì mọi thấy nghe cũng y đó mà hiện tướng. Nhưng thức thứ 7 là phần hoạt động âm thầm bên trong, không thể trực tiếp nhận rõ như với ý thức. Vì thế, tuy mục đích tu hành là trở về vô ngã, tức nhắm vào thức thứ 7, nhưng khi tu thì chỉ có thể y vào ý thức mà tu4.

Nhà thiền hay nói đến mấy từ vô phân biệt. Đó là kết quả mà một hành giả tu thiền phải đạt được. Chính là làm sao sống lại được với tâm vô phân biệt của mình. Phân biệt là hành tướng của ý thức. Vô phân biệt cũng là hành tướng của ý thức. Nghĩa là, ý thức có hai trạng thái:Hoặc phân biệt ở trạng thái hiện lượng, gọi là vô phân biệt. Hoặc phân biệt ở trạng thái nhiễm ô, là phân biệt do chấp ngã, do suy lường, do nương vào những sở tri mình đã huân tập.

Vô phân biệt cũng có hai trạng thái: Hoặc là phân biệt mà không phân biệt, là khi thức thứ 7 đã chuyển hóa thành Bình đẳng tánh trí. Hoặc là vô phân biệt bằng cách dừng lại mọi phân biệt do suy lường, chấp ngã và sở tri v.v… Chính là dừng đi dòng vọng tưởng của mình. Nói chính xác là dừng đi cái lực của dòng vọng tưởng, để những suy lường v.v… trở lại đúng với bản chất của nó là vọng. Khi chúng đã thành vọng thì cũng có nghĩa là chúng ta đang sống được với cái dụng thanh tịnh của chân thể. Chấp cũng được phá. Đó là lý do vì sao nói “Biết vọng” là pháp tu trực chỉ.

Chỉ khi vọng mất lực thì chúng ta mới có thể làm chủ mọi hành tác của mình khi nó hiện tướng. Nếu vọng còn lực thì khi đủ duyên, mọi suy nghĩ hành tác của mình thường bị nhân duyên quá khứ chi phối. Mọi hành tác hiện tại, từ suy nghĩ cho đến hành động đều là quả của hàng loạt nhân duyên này5, khiến cái nhìn của mình trở thành lệch lạc, không thể làm chủ bản thân, cũng khó ý thức về những gì mình đang làm. Đó là tình cảnh hiện nay của phàm phu. 


Chân Hiền Tâm

Các tin tức khác

Back to top