Xin bạn hãy thông hiểu lời Đức Phật dạy: nên buông bỏ tất cả. Buông bỏ trong sự hay biết và tỉnh giác. Nếu không có giác niệm, thì việc buông bỏ đó cũng như việc buông bỏ không ý thức của loại trâu bò. Nếu bạn không đặt hết tâm trí vào đó, việc buông bỏ vẫn chưa đúng đắn. Bạn buông bỏ vì bạn hiểu biết được thực tại qui ước. Đó là sự không chấp thủ. Đức Phật đã dạy, ngay tại các giai đoạn đầu của sự tu tập theo Chánh Pháp, cần phải nỗ lực thật mạnh mẽ, phát triển sự việc thật tường tận, và trì giữ cho thật nhiều. Trì giữ vào Đức Phật. Trì giữ vào Chánh Pháp. Trì giữ vào Tăng Đoàn. Trì giữ thật sâu xa và vững chắc. Đó là lời Đức Phật dạy. Trì giữ với lòng chân thành, khắng khít và nắm giữ cho thật chặt chẽ.
Trong sự tìm kiếm của chính tôi, tôi đã thử qua hầu hết mọi phương cách của pháp hành thiền. Tôi hy sinh đời tôi cho Chánh Pháp, bởi vì tôi đặt trọn niềm tin vào sự giác ngộ là việc có thật, cùng con Đường tiến đến đó. Các sự việc này chắc chắn có thật, đúng như lời Đức Phật nói. Nhưng thực hiện được các sự việc đó, thì cần phải thực tập, và thực tập cho đúng cách. Nó đòi hỏi bạn phải thúc đẩy mình đến tận bờ ranh của năng lực. Nó đòi hỏi lòng can đảm để tu luyện, để tư duy, và để chuyển hóa tận căn gốc. Nó đòi hỏi sự can đảm để thật sự làm những gì cần phải làm. Và bạn phải làm như thế nào? Luyện tâm mình. Tư tưởng trong đầu ta xúi ta theo nẻo này, trong khi Đức Phật dạy ta theo ngõ khác. Tại sao cần phải tập luyện? Bởi vì phiền não đã đóng cứng và che phủ tâm. Đó là tình trạng của tâm chưa chuyển hóa qua tu tập. Tâm ấy không đáng cho ta nương tựa, vậy bạn đừng tin tưởng vào nó. Nó không có đức hạnh gì. Làm sao ta có thể đặt tín nhiệm vào một cái tâm không thanh tịnh và trong sáng? Vì thế, Đức Phật cảnh cáo chúng ta đừng tin tưởng vào cái tâm còn lậu hoặc. Lúc đầu, tâm chỉ là người đi làm công cho lậu hoặc, nhưng về sau, khi cả hai, chủ và tớ, hợp tác với nhau qua một thời gian dài, thì tâm lại trở nên xấu xa, hư hỏng để trở thành lậu hoặc luôn. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy ta chớ nên tin tưởng vào tâm ta.
Nếu ta nhìn kỹ vào kỷ luật huân tập trong tu viện này, ta sẽ thấy toàn bộ công việc chỉ là sự luyện tập về tâm. Và bất kỳ lúc nào ta luyện tâm, ta cũng cảm thấy nóng nảy và bị quấy rầy. Vừa khi ta nghe bực bội và cảm thấy bị quấy rầy, ta liền khởi lên lời than trách. "Ôi! Sự tập luyện này khó khăn quá sức tưởng tượng! Thật không thể làm được!" Nhưng Đức Phật lại không nghĩ như thế. Ngài xem khi sự tập luyện đem lại cho ta bực bội và va chạm, điều đó có nghĩa là ta đang đi đúng đường lối. Còn ta, ta lại không nghĩ như thế. Ta nghĩ rằng đó là dấu hiệu có điều gì bất ổn đây. Sự hiểu lầm đó đã khiến cho sự luyện tập được xem như quá nặng nhọc. Lúc đầu, ta cảm thấy nóng nảy và bị quấy rầy, ta tưởng đâu là mình đi sai đường. Ai cũng muốn cảm thấy khoan khoái, nhưng họ lại không quan tâm đến chỗ đúng hay là sai. Khi ta chống cự lại cốt lõi của các lậu hoặc và thách thức lòng khát vọng của ta, thì thế nào ta cũng cảm thấy khổ sở. Ta nóng lên, bứt rứt và bực bội, rồi bỏ cuộc. Ta tưởng đâu mình đã đi sai đường. Tuy nhiên, Đức Phật lại nghĩ chúng ta đang đi đúng đường. Ta đang đương đầu với lậu hoặc, và những gì nóng nảy và bứt rứt là chính các lậu hoặc. Nhưng ta lại nghĩ chính chúng ta đang nóng nảy và bứt rứt. Đức Phật dạy, chính các lậu hoặc đang bị quấy động lên và trở nên bứt rứt. Điều đó xảy ra cho tất cả mọi người.
Vì thế, sự luyện tập theo Chánh Pháp đòi hỏi nhiều nỗ lực. Thiên hạ không chịu quan sát sự vật kỹ lưỡng và rõ ràng. Một cách tổng quát, họ lạc mất Con Đường, hoặc là nghiêng về sự tự dễ dãi với chính mình, hoặc là chọn lấy sự tự hành xác. Họ bị kẹt cứng vào hai cực đoan đó. Một mặt, họ thích dễ dãi chạy theo các ham muốn của tâm. Có điều gì họ thích, họ liền làm ngay. Họ muốn ngồi cho thoải mái. Họ thích nằm dài và duỗi ra trong tiện nghi. Đây là nghĩa của sự tự dễ dãi mà tôi muốn nói: ôm ghì chặt lấy cảm giác muốn được khoan khoái. Với sự tự dễ dãi, làm sao mà sự luyện tập theo Chánh Pháp có tiến bộ được?
Nếu ta dứt sự tự dễ dãi muốn có tiện nghi, hưởng nhục cảm và khoan khoái, ta sẽ trở nên bực bội. Ta bực bội rồi tức giận, và vì đó mà thấy khổ sở. Đây là đi lạc đường, rẽ sang nẻo tự hành xác. Đây không phải là đường lối của vị hiền trí an hòa, cũng không phải là đường lối của người an định. Đức Phật cảnh cáo, không nên rơi vào hai ngõ rẽ của sự tự dễ dãi và tự hành xác. Khi thể nghiệm việc vui thích, bạn chỉ cần biết, với chánh niệm, rằng đang có điều ấy. Khi thể nghiệm sự sân giận, ác ý và cau có, hãy hiểu biết rằng đó là bạn không theo đúng bước chân của Đức Phật. Đây không phải là con đường của các người đi tìm sự an định, mà là lối đi của bọn phàm phu trong làng. Một vị tỳ khưu an định không hề đi theo các con đường đó. Vị này cứ ngay chính giữa mà bước đi, với sự tự dễ dãi để ở phía bên trái và sự tự hành xác để ở phía bên mặt. Đấy mới là sự luyện tập đúng đắn theo Chánh Pháp.
Nếu bạn muốn chọn sự tập luyện trong tu viện, bạn phải đi theo Trung Đạo, không để khích động vì hạnh phúc hay khổ sở. Hãy đặt chúng xuống bên cạnh. Nhưng chúng dường như đang đấm đá chúng ta từ mọi phía. Trước, chúng đá ta bên hông này, "Úi!"; rồi lại đạp ta bên hông kia, "Úi!" Ta có cảm tưởng như bị cái dùi đánh lên mõ gỗ, lúc bên này, lúc bên kia. Trung Đạo là phải buông bỏ cả khổ sở lẫn hạnh phúc, và sự thực tập đúng đắn là ngay tại chính giữa. Khi sự khát vọng hạnh phúc khởi lên, và ta không thỏa mãn nó, ta cảm thấy đau khổ.
Bước theo Trung Đạo của Đức Phật thật khó nhọc và đầy thách thức. Chỉ có hai cực đoan tốt và xấu đó. Nếu ta tin vào những gì chúng nói với ta, thì ta lại phải tuân theo lệnh chúng. Nếu nổi lên cơn giận đối với ai, ta liền chạy đi kiếm cây gậy để tấn công kẻ ấy. Không có sự nhẫn nhục để chịu đựng. Nếu thương ai, ta muốn đến vuốt ve người ấy từ đầu đến chân. Tôi nói đúng không? Cả hai đường rẽ đó đều hoàn toàn sai lối Trung Đạo. Đó không phải là lời Đức Phật khuyến khích. Ngài dạy chúng phải từ từ buông các sự việc đó xuống. Sự thực tập của Ngài là con đường đưa ta thoát ra khỏi sự hiện hữu, tránh xa sự tái sinh - một con đường giải thoát khỏi sự trở thành, sự sinh, hạnh phúc, khổ sở, thiện và ác.
Những ai còn khát vọng hiện hữu, đều mù quáng không trông thấy những gì ở ngay chính giữa. Họ lọt khỏi con đường Trung Đạo; từ bờ hạnh phúc bên này họ vượt lướt ngang qua khoảng giữa để đến ngay bờ bất toại nguyện và cáu kỉnh bên kia. Họ luôn luôn nhảy bỏ khoảng giữa. Nơi linh thiêng này, họ không thể nhìn thấy được, cứ nhảy vọt qua, vọt lại hai bên bờ. Họ không chịu an trú ở đó, nơi mà không còn sự hiện hữu, và không có sự sinh. Họ không ưa nơi ấy nên không chịu lưu lại. Hoặc là họ bước ra khỏi nhà để bị chó cắn, hoặc là họ bay bổng lên cao để bị diều hâu mổ. Đó là sự hiện hữu.
Nhân loại mù quáng, không thấy những gì đã giải thoát khỏi sự hiện hữu, không còn tái sinh nữa. Tâm con người mù quáng đối với điều ấy, cho nên đã biết bao nhiêu lần được đối diện mà vẫn bỏ qua vì không thấy. Trung Đạo của Thế tôn, con đường chân chánh của sự thực tập theo Chánh Pháp, vượt qua hiện hữu và tái sinh. Tâm trí nào đã vượt qua khỏi cả thiện lẫn ác thì được giải thoát. Đây là con đường của bậc hiền trí an định. Nếu không dấn bước theo đường ấy, ta không thể nào trở thành bậc hiền trí an định được. Sự an định đó không hề có cơ hội để nở hoa. Tại sao? Bởi vì còn sự hiện hữu và sự tái sinh. Bởi vì còn sinh và tử. Con đường của Đức Phật không còn sinh tử; không thấp mà cũng không cao; không hạnh phúc mà cũng không khổ sở; không thiện mà cũng không ác. Đây là con đường thẳng tắp, con đường an định và ổn cố. Con đường đó an hòa, vắng bóng cả đau khổ và sung sướng; vắng bóng cả hạnh phúc và ưu bi. Đây là cách thực tập theo Chánh Pháp. Thể nghiệm được điều đó, tâm có thể dừng yên lại. Tâm ấy không còn đặt câu hỏi. Không còn cần phải đi tìm câu trả lời nữa. Đấy! Thế mới biết tại sao Đức Phật bảo, Chánh Pháp là điều mà bậc hiền trí tự mình biết một cách trực tiếp. Không cần phải đi hỏi ai khác nữa. Tự ta, ta hiểu thật rõ ràng, không còn nghi ngờ nào về Chân Lý của muôn sự vật đúng theo lời Đức Phật đã dạy.
Ajahn Chah
Các tin tức khác
- Chúng sanh đều bình đẳng (29/11/2017 2:44)
- Hiếu hạnh (28/11/2017 12:14)
- Thiên đường địa ngục (28/11/2017 12:14)
- Phương pháp đối trị sân (27/11/2017 2:29)
- Đối trị tham vi tế (26/11/2017 2:25)
- Cách thu hút và giữ nhân tài (25/11/2017 2:13)
- Những lời dạy lan tỏa sức ảnh hưởng lớn từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh (24/11/2017 2:40)
- Lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma (24/11/2017 2:39)
- Năng lực của tư tưởng (23/11/2017 2:37)
- Hoằng pháp là sứ mệnh (22/11/2017 12:27)