Hoằng pháp là sứ mệnh

22/11/2017 12:27
Hướng đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần VIII, các Ban Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự các tỉnh thành đã tiến hành tổng kết hoạt động phật sự, trên cơ sở này Giáo hội sẽ đưa ra phương hướng, chương trình hoạt động phật sự phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Giáo hội trong thời gian tới.
Như chúng ta đã biết, Hoằng pháp là một trong những Ban được hình thành sớm kể từ khi GHPGVN thành lập, Ban Hoằng pháp đóng vai trò của một Ban chuyên trách đem ánh sáng từ bi, trí tuệ của đạo Phật đến tất cả quần chúng, nói cách khác đem đạo vào đời một cách hữu hiệu nhất, đến với Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Ban Hoằng pháp xin được đóng góp tham luận với chủ đề: “Hoằng pháp là sứ mệnh”.

Có thể nói, công tác hoằng pháp được xem là một nghệ thuật xuất phát từ Từ tâm và Bi tâm của một vị giảng sư, nói một cách quen thuộc đó là tâm huyết của người làm công tác giáo dục, là những kỹ sư xây dựng tâm hồn, là công việc của con tim, tùy theo nhân duyên và hoàn cảnh, tùy theo căn cơ, trình độ mà truyền dẫn nguồn sống tuệ giác, từ sự nhiệt huyết và sự rung động trong tâm hồn nhà hoằng pháp đến tâm hồn của người học Phật.

Đức phật sau khi thành đạo, thành lập Tăng đoàn cũng không ngoài chủ đích là hoằng pháp. Trước khi chư tăng lên đường hoằng pháp, Ngài nhắn nhủ: “Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Tiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai, nghĩa lý và văn tự”(1).

Thật vậy, xuyên suốt thời gian thuyết pháp cho các đối tượng đến nghe, không bài pháp nào giống bài pháp nào, các chủ đề của bài pháp rất là sinh động và gần gũi với những ví dụ rõ ràng. Đức Phật đã cảm hóa rất nhiều các thành phần căn cơ trong xã hội khi đối diện với Ngài. Và Ngài hướng họ đến cùng một chân lý giác ngộ giải thoát ngay trong đời sống của họ. Trong kinh điển ghi lại những lời tán thán về Ngài của các đối tượng đến nghe pháp từ giai cấp nô lệ cho đến giai cấp Bà la môn và vua chúa. Tất cả đều tán thán Ngài như sau:

“Thưa ngài Cồ Ðàm, thật vi diệu, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho ai có mắt có thể thấy”(Nikàya)(2).
 
Thế giới ngày nay đang trong xu thế toàn cầu hóa, nguyên lý nhị khế (Khế cơ - khế lý) lại càng tạo nên một sức mạnh trong việc truyền bá giáo lý đạo Phật đi vào cuộc đời. Nếu người Đông Phương xem đạo Phật như một tôn giáo thuần túy thì người Phương Tây xem đạo Phật như một nghệ thuật sống, một phương thức làm cho con người thăng bằng về tâm thức, nó giải quyết những bế tắc của đời sống dư thừa về vật chất nhưng hoàn toàn thiếu vắng về tinh thần. Đạo Phật đến như một phương thuốc làm cho con người đang chạy đua với vật chất dừng lại nhằm ổn định, cân bằng trong cuộc sống hàng ngày của chính mình.

Kế thừa sự nghiệp thiêng liêng của chư Phật, chư Tổ và đường lối lãnh đạo đúng đắn của Giáo hội, với vai trò Sứ mệnh Hoằng pháp, có thể nói trong suốt 36 năm qua, ngành Hoằng pháp đã hoàn thành một số công tác phật sự quan trọng góp phần đáng kể trong việc hoằng dương chánh pháp, xây dựng một Giáo hội Việt Nam ổn định và phát triển. Điển hình như đào tạo được 10 khóa giảng sư, tổ chức thành công các hội thảo qui mô mang tính toàn quốc và nhiều khóa hội thảo Hoằng pháp khu vực bồi dưỡng kiến thức Hoằng pháp cho tăng ni và tập huấn Hoằng pháp viên cho phật tử và tổ chức thành công hàng ngàn đạo tràng thuyết giảng cho hàng triệu đồng bào phật tử thính pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, thực tế cho thấy ngành hoằng pháp vẫn còn những giới hạn nhất định, đó là sự tinh chuyên của ngành hoằng pháp, xét về khía cạnh chuyên môn và nói đến sự tinh chuyên trong hoạt động hoằng pháp, trong thời gian qua, tình trạng thuyết giảng chưa tập trung vào mục tiêu giác ngộ giải thoát; hoặc vì quan điểm cá nhân; hoặc do chủ quan và tầm nhìn giới hạn đã phân tích biện giải quá xa những vấn đề về kinh điển. 

Có thể nói rằng, những mặt hạn chế này là nguyên nhân khiến cho nội dung các thời thuyết giảng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoằng pháp của Giáo hội, điều này cũng chứng tỏ công tác hoằng pháp thiếu đi sự tinh chuyên, đây được xem là yếu tố cần thiết trước yêu cầu phát triển của thời đại và phát triển chung của Giáo hội. 

Với vai trò sứ mệnh của ngành Hoằng pháp nói chung và người hoằng pháp nói riêng. Để hướng đến sự tinh chuyên trong hoạt động hoằng pháp, trước mắt, Giáo hội cần xây dựng chiến lược hoằng pháp khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế, quy hoạch nguồn nhân sự chuyên trách công tác hoằng pháp có giới đức phẩm hạnh, có trình độ năng lực, linh động bén nhạy và tinh chuyên từ việc tổ chức, hoạch định chiến lược hoằng pháp cho đến khả năng thuyết giảng sâu sắc mọi đề tài và trong mọi hoàn cảnh nhằm đáp ứng tốt trước yêu cầu phát triển của Phật giáo thời đại, có sự quản lý chặt chẽ và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, song song đó Giáo hội nên xây dựng chủ đề chính cho các chương trình thời khóa hoằng pháp một cách hợp lý, đúng bản chất giác ngộ giải thoát của đạo Phật.

Xét về mặt khó khăn thách thức do hoàn cảnh khách quan, điều mà ngành hoằng pháp cần quan tâm, đó là mặt bằng dân trí, khả năng cảm thọ và nhận thức của đại bộ phận quần chúng phật tử thời nay đã được nâng cao; đồng thời chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, kỷ thuật khoa học phát triển, nhờ phương tiện truyền thông đại chúng được phổ biến cùng khắp nên phật tử có nhiều điều kiện nghe pháp và thẩm định nội dung các bài giảng trong khái niệm mở cũng như phạm vi rộng. 

Do vậy, tự thân ngành hoằng pháp cần phải tự nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hoằng pháp thông qua công tác đào tạo giảng sư, đặc biệt chất lượng nguồn nhân sự của ngành hoằng pháp phải được hình thành từ những vị tăng ni nghiêm trì giới luật, có căn bản công phu tu hành để phát huy năng lực sống đạo từ giới định huệ, chứ không đơn thuần là kiến thức, có như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu học Phật trong hoàn cảnh xã hội cũng như yếu tố con người thời nay.
 
Từ nền tảng trí tuệ mới có cái nhìn chánh kiến trong tương quan đời sống, mới tường tận và thấu hiểu những trăn trở thao thức của người học Phật, do vậy ngành hoằng pháp cần đặc biệt lưu tâm đến lý tưởng giác ngộ giải thoát, cần chú trọng đến nội dung cảnh sách để khơi dậy Bồ đề tâm, khích lệ quần chúng phật tử trên bước đường tu học, đề tài thuyết giảng phải gắn liền với nhu cầu khát khao học giáo lý vì mục tiêu giác ngộ giải thoát, nhất là nên vì lợi ích số đông và vì lợi ích chung của Phật pháp.

Với nhịp sống hiện đại thời nay, các nhà hoằng pháp chúng ta hãy tùy duyên vận dụng những phương tiện tiện ích của thời hiện đại để trợ duyên cho công tác hoằng pháp và điều cốt lõi của công tác hoằng pháp vẫn luôn lệ thuộc vào oai nghi tư cách, giới hạnh đạo đức, năng lực chuyên môn, tâm huyết độ sanh của nhà hoằng pháp và nhất là sự chơn tu thật học.

Bởi lẽ, vị thế của người xuất gia hoàn toàn khác với người thế gian, vượt qua ngoài địa vị quyền lợi xã hội. Từ vị thế đó, chúng ta phải nỗ lực để hoàn thành sứ mạng cao cả, cũng chính là tâm nguyện tự giác, giác tha, trước là hoàn thiện nhân cách giải thoát tự thân sau là hoằng dương chánh pháp, vì rằng ta không thể cho cái mà ta không hề có. Tâm luôn hoan hỷ, chánh niệm tỉnh giác, nghiêm trì giới luật. Đó là trách nhiệm lớn của người xuất gia chúng ta và là kim chỉ nam cho các nhà hoằng pháp khi dấn thân vào đời, đặc biệt là những vùng xa xôi hẻo lánh.

Để có được hiệu quả tốt trong công tác hoằng pháp với số lượng tín đồ ngày càng cao và sự hình thành hệ thống chùa chiền tự viện, kinh sách, báo chí, văn hóa phẩm Phật giáo mang tính quy mô rộng khắp trên toàn quốc, chúng ta phải thiết thực hơn trong công tác hoằng pháp với những phương pháp:

1. Trong nhiệm kỳ tới, Ban Hoằng pháp Trung ương theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ cấu nhân sự và tăng cường chương trình hoạt động phật sự của các Phân ban, phát triển công tác thuyết giảng tại các giảng đường, đạo tràng, các khóa tu và các lớp giáo lý tại các tự viện trong cả nước; tiếp tục phối hợp với Ban Phật giáo quốc tế phát triển chương trình hoằng pháp ở nước ngoài, kết hợp với các Ban Thông tin, Báo chí thực hiện công tác tuyên truyền cho sự nghiệp Hoằng pháp. 

Trong số các mục tiêu quan trọng mà Ban Hoằng pháp Trung ương hướng đến trong nhiệm kỳ tới, một công tác rất đáng chú ý, đó là việc Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ lên kế hoạch xây dựng trung tâm hoằng pháp phía Nam làm cơ sở đào tạo nguồn giảng sư, tập huấn hoằng pháp viên, tổ chức các khóa tu học và bồi dưỡng chuyên môn cho ngành hoằng pháp, đặc biệt là phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức các đạo tràng, khóa tu cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

2. Không nên xem công tác hoằng pháp chỉ là một công việc truyền đạt kiến thức giáo lý mà hãy hướng đối tượng đến sự thực hành pháp.

3. Hãy xem việc hoằng pháp như thể nhịp đập của con tim, để cảm nhận sự thao thức trăn trở trước sự chênh lệch giữa vật chất và tinh thần của con người và cuộc sống.

4. Mỗi nhà hoằng pháp hãy trang bị cho chính bản thân một kiến thức sâu và rộng cả Phật học và thế học, Nhà bác học Newton từng nói: “Điều ta biết chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương”. Sự am hiểu về kiến thức mới sẽ giúp nhà hoằng pháp nhập thế một cách dễ dàng hơn vì người phật tử tri thức, họ chỉ bị thuyết phục khi họ đánh giá rằng vị tăng ni đó hơn họ về đạo đức và không bị lạc hậu về kiến thức khoa học, nhưng đừng xem hoằng pháp như là một cơ hội để trình bày quan điểm, kiến giải, phô trương sự hiểu biết đó mới là vấn đề tối quan trọng.

5. Hãy trang bị cho mình đầy đủ sự cân bằng giữa lý và sự tức khả năng thuyết và khả năng hành.Vì nói đến hoằng pháp đa phần chúng ta thường nghĩ ngay đến việc thuyết pháp giảng kinh, hay mở các khóa tu Phật thất mới là hoằng pháp. Hiểu như vậy không có gì là sai nhưng với xã hội chúng ta ngày nay, hoằng pháp không chỉ dừng lại ở những việc như thế, mà ta hãy hiểu hoằng pháp ở đây là nội dung hoạt động của Tăng lữ có sức cảm hóa thuyết phục được tín đồ hay không? Trong kinh Pháp cú thi kệ thứ 19 đức Phật dạy:
 
“Dù nói nhiều kinh điển
Phóng túng không thực hành
Chẳng hưởng quả Sa môn
Như mục đồng đếm bò”(3).

Thật vậy, nếu thuyết pháp chỉ dựa trên kinh điển, triết lý suông mà chính mình không thực hành thì nó chỉ là sáo ngữ và trống rỗng. Nếu chỉ thông hiểu về mặt văn tự chữ nghĩa của giáo lý hay phương tiện suy luận thì một cư sĩ hay một nhà nghiên cứu Phật học đều có thể đạt được. Là nhà hoằng pháp chúng ta không chỉ dừng lại ở đó, tức chúng ta phải có sự chân tu thật học, tri hành hợp nhất, có như thế mới có sự thuyết phục mạnh mẽ làm cho người ta hướng thượng quy ngưỡng Phật giáo. 

Và dường như trong vô số phương tiện hoằng hóa độ sanh thì ý nghĩa sâu sắc nhất để cảm hóa người vẫn là đạo hạnh trang nghiêm, tư cách đạo đức thuần thục và sự thực tu thực chứng của người xuất gia. Câu chuyện Ngài Xá Lợi Phất, một thanh niên thông thái dòng Bà La Môn đã khởi tâm đi xuất gia sau khi diện kiến Ngài Mã Tắng đi trì bình khất thực. Ngài Đại Ca Diếp với hạnh đầu đà đệ nhất, với đời sống của bản thân ngài là một bài pháp sống động về hạnh thanh bần đơn giản. Cuộc đời của tôn giả Ưu Ba Ly là một bài pháp về cách vượt qua số phận thấp kém của người thợ cạo để sáng chói với bài pháp về nghiêm trì giới luật. Chúng ta thấy rằng những bài pháp ấy đâu cần phải nói ra bằng lời, mà thật ý vị.

Cần phải nói rằng, trong định hướng cho tương lai, thì hoằng pháp vẫn là một giải pháp không thể thiếu trong sứ mệnh hoằng truyền chánh Pháp, vì nó đáp ứng được một số nhu cầu thiết thực của tín đồ phật tử trong và ngoài nước.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!


Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích: 
(1) Tương Ưng V, Tiên Đại Phẩm.
(2) Trường bộ kinh, kinh Subha.
(3) Pháp cú.

Các tin tức khác

Back to top