27/11/2017 2:29
Người có hành động xấu làm tổn hại cho ta, kẻ đó vì mê muội đã gây nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận, bởi nếu sáng suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy.
Trong các phiền não, duy có sân hận tướng trạng rất thô bạo, phá hoại hành giả mạnh mẽ nhất. Nên người xưa đã bảo: "Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai". Câu này có nghĩa: Khi khởi một niệm giận hờn, tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại. Chẳng hạn như lúc đang niệm Phật, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt; hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình, liền buồn giận bứt rứt không an.
Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm Phật, nhưng lòng phiền muộn, vọng tưởng sôi nổi. Có người bỏ chuỗi thôi niệm, xuống nằm gác tay suy nghĩ vẫn vơ. Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ, muốn gặp ngay người đó la hét một hồi, hoặc tìm cách trả thù cho đã giận. Tâm niệm sân hận nó phá hại người tu đến như thế.
Muốn đối trị giận hờn, phải khởi lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa nói: "Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi". Phải nghĩ rằng: Ta cùng chúng sinh đồng là phàm phu chìm trong biển khổ sinh tử, tất cả đều do nghiệp phiền não, mà phiền não vốn hư huyễn không có thật. Như một niệm sân hận, trước khi chưa khởi nó từ đâu đến, lúc tan rồi lại đi về đâu? Khi giận hờn ta tự làm khổ cho ta trước, vì đã nổi lửa phiền não thiêu đốt lấy mình, mà cũng không thể cải hóa làm lợi lạc chi cho người. Như thế có phải là si mê vô ích chăng?
Lại nên nghĩ: Người có hành động xấu làm tổn hại cho ta, kẻ đó vì mê muội đã gây nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận, bởi nếu sáng suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy. Ta là phật tử, phải áp dụng giáo lý đức Thế Tôn để tự cởi mở sự ràng buộc oan trái cho mình, vì mục đích tu hành là cầu sự giải thoát an vui, chứ không phải tìm lối khổ. Đối với hành động tàn hại đó, ta phải xót thương tha thứ, nhu hòa nhẫn chịu và xem mọi việc đều hư huyễn không không. Nên nhớ lời cổ nhân: "Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức. Muốn hành Bồ Tát đạo, giữ thân tâm nhẫn nhục".
Từ bi là nước tịnh mát mẻ, rưới tắt lửa phiền não. Nhẫn nhục là áo giáp bền chắc ngăn tất cả mũi tên độc. Pháp không là ánh sáng phá tan khói mù tối tăm. Biết dùng ba điều này để dứt trừ sân hận, tức đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai vậy.
Trích “Niệm Phật Thập Yếu”
Hòa thượng Thích Thiền Tâm
Các tin tức khác
- Đối trị tham vi tế (26/11/2017 2:25)
- Cách thu hút và giữ nhân tài (25/11/2017 2:13)
- Những lời dạy lan tỏa sức ảnh hưởng lớn từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh (24/11/2017 2:40)
- Lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma (24/11/2017 2:39)
- Năng lực của tư tưởng (23/11/2017 2:37)
- Hoằng pháp là sứ mệnh (22/11/2017 12:27)
- Ngũ Đăng Hội Nguyên - Mắt tâm chưa mở (21/11/2017 2:46)
- Hãy nương tựa vào chính bản thân mình (21/11/2017 2:43)
- Đừng trao nhầm chìa khóa (20/11/2017 2:23)
- Vài điều suy ngẫm trong ngày Tôn sư trọng đạo (20/11/2017 2:17)