Giới là bước đầu tuyệt đẹp của con đường Đạo. Sự an định sâu xa của Định (Samādhi) là khoảng giữa tuyệt đẹp. Trí Tuệ (Paññā, Bát-nhã), là đoạn cuối tuyệt đẹp. Mặc dù Giới-Định-Tuệ phân ra làm ba phương diện trong việc tu tập, nhưng càng nhìn sâu vào chúng, ta càng thấy cả ba đức tính ấy phối hợp lại với nhau. Để trì giới, bạn phải là người có trí tuệ. Ta thường khuyên mọi người phải theo đúng các tiêu chuẩn đạo đức, trước hết là tuân theo năm điều học, để giới đức được vững chắc. Tuy nhiên, sự hoàn hảo của giới đức cần phải có rất nhiều trí tuệ. Ta phải giữ gìn lời nói, canh chừng các hành động và phân tích các hậu quả của chúng. Tất cả các điều đó là công việc của trí tuệ. Ta phải dựa trên trí tuệ mà đào luyện giới đức.
Theo lý thuyết, giới đi đầu, kế đến định, rồi sau đến tuệ; nhưng khi tôi quán sát, tôi nhận thấy Trí tuệ là viên đá nền móng của mọi phương diện khác của sự thực tập. Để có thể hiểu rõ tận tường các hậu quả của lời chúng ta nói và việc chúng ta làm - nhất là các hậu quả tai hại - ta cần phải nương theo trí tuệ để soi đường và canh phòng, trong việc thẩm sát tiến trình nhân quả. Điều này giúp ta thanh lọc được các hành động và lời nói. Một khi ta đã quen phân biệt được thái độ đạo đức với hành vi bất chánh, ta sẽ thấy được chỗ nào cần phải thực tập. Ta sẽ buông bỏ điều giả dối và đào luyện điều chân chánh. Ta từ bỏ các điều ác và phát triển các điều thiện. Đó là Giới (Sīla). Khi ta làm được như thế luôn, tâm trở nên vững chắc và cương quyết. Một cái tâm cương quyết và không lay động, thì không hề lo lắng, hối hận hay mê mờ trong lời nói hay trong động tác. Đó là Định (Samādhi).
Tâm đó ổn cố và thuần nhất, trở thành một nguồn năng lực mạnh mẽ thứ hai khi chúng ta thực tập theo Chánh Pháp, giúp ta quán chiếu sâu xa vào hình sắc, âm thanh, v.v. đang được thể nghiệm. Một khi tâm đã an định trong sự tỉnh thức vững chắc, ta có thể bước vào sự suy tầm bền bỉ về thực tại của sắc thân, cảm giác, tri giác, tư tưởng, ý thức, với các hình sắc, âm thanh, hương, vị, xúc chạm trên thân cùng các đối tượng của tâm. Khi chúng liên tục phát sinh, ta cũng liên tục suy tầm chúng với một quyết tâm không để đánh mất sự tỉnh giác. Nhờ đó mà ta mới hiểu biết được các sự kiện đó thật sự như thế nào. Các sự kiện đó khởi lên hiện hữu theo đúng với chân lý thiên nhiên của chính chúng. Khi sự hiểu biết của ta ngày càng thâm sâu, trí tuệ liền khởi sinh. Một khi đã có sự thông hiểu sáng tỏ về sự vật thực sự là như thế nào, đúng theo Chân lý, thì các tri giác cũ của ta bị bứng tận gốc rễ và, rồi đó, các kiến thức bị ý niệm hóa trước kia nay liền biến dạng để trở thành trí tuệ. Điều đó cho thấy rõ phương thức mà Giới, Định, Tuệ hòa hợp lại với nhau và tác động như là một.
Khi trí tuệ tăng trưởng về dũng lực và vô úy (không sợ hãi) thì định lực khởi lên trở thành vững chắc hơn. Định lực càng kiên cố, giới đức càng ổn định. Giới đức càng hoàn hảo, lại nuôi dưỡng định lực thêm mạnh mẽ, và định lực thêm phần dũng mãnh sẽ đưa đến một trí tuệ trưởng thành. Cả ba phương diện của sự tập luyện cùng ăn khớp với nhau và tác động hỗ tương nhau. Phối hợp lại, cả ba lập thành Bát Chánh Đạo, con đường tu tập của Đức Phật. Một khi Giới, Định, Tuệ đã đạt đến cao điểm, Bát Chánh Đạo có đủ dũng lực quét sạch các lậu hoặc còn đang che mờ sự thanh tịnh của tâm. Khi tham dục, sân hận và si mê phát khởi, Bát Chánh Đạo là thanh bảo kiếm chém chúng ngã xuống ngay tại lộ trình của chúng.
Khuôn khổ để thực hành Chánh Pháp là Tứ Diệu Đế: (1) Khổ (dukkha), (2) Tập, nguồn gốc của Khổ (samudaya), (3) Diệt, chấm dứt Khổ (nirodha), (4) Đạo, con đường Tám Chánh đưa đến sự tận diệt khổ (magga). Bát Chánh Đạo gồm có Giới, Định, Tuệ, và đó là khuôn khổ để đào luyện tâm ý. Ý nghĩa thực sự của Giới Định Tuệ không thể tìm thấy nơi danh xưng, mà lại ẩn tàng vào nơi thâm sâu của tâm trí. Ba môn học Giới, Định, Tuệ là như thế đấy; chúng xoay quanh nhau liên tục. Bát Chánh Đạo bao trùm khắp các hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm vào thân, hoặc các đối tượng nào khác khởi lên. Tuy nhiên, nếu các yếu tố của Bát Chánh Đạo còn yếu ớt và rụt rè, thì các lậu hoặc sẽ xâm chiếm tâm trí ta. Nếu Bát Chánh Đạo dũng mãnh và can đảm, nó sẽ chinh phục và tiêu diệt các lậu hoặc. Nếu các lậu hoặc phiền não còn mạnh mẽ và gan lì, trong khi Bát Chánh Đạo yếu ớt và bạc nhược, thì các lậu hoặc đó sẽ ngự trị lên Bát Chánh Đạo. Chúng chế ngự tâm trí ta. Nếu sự hiểu biết không đủ nhanh nhẹn và lanh lợi khi các hình sắc, cảm giác, tri giác và tư tưởng đang khởi lên, thì các đối tượng này sẽ chiếm đoạt và tàn phá chúng ta. Bát Chánh Đạo và các lậu hoặc cùng đi song song với nhau. Trong khi sự thực tập theo Chánh Pháp được phát triển trong tâm, hai lực lượng này tranh chấp nhau từng bước một trên con đường tu hành. Đó cũng tựa như có hai người đang cãi vã nhau bên trong tâm trí, nhưng đó chỉ là sự kình chống giữa Bát Chánh Đạo và các lậu hoặc, để dành quyền ngự trị lên tâm. Bát Chánh Đạo nuôi dưỡng và hướng dẫn khả năng quán chiếu của ta. Cho đến khi nào ta vẫn còn đủ khả năng để quán chiếu chính xác, các lậu hoặc sẽ bị thất thế và rút lui dần. Nhưng nếu tâm ta lỏng lẻo, mỗi khi các lậu hoặc chỉnh trang và củng cố lực lượng lại thì Bát Chánh đạo sẽ bị đánh tan, phải nhường chỗ, rút lui. Hai bên đối phương cứ tranh chấp mãi cho đến khi có một kẻ chiến thắng và lúc đó, mọi việc được an bài.
Nếu ta chú tâm vào nỗ lực phát triển theo đường lối Chánh Pháp, lần lần các lậu hoặc sẽ bị quét sạch vĩnh viễn. Một khi đã được đào luyện hoàn toàn rồi, bốn Chân Lý Cao Thượng sẽ an trú trong tâm ta. Dưới bất cứ hình thức nào mà hoạn khổ có mặt, hoạn khổ đó cũng có một nguyên nhân tạo ra sự hiện hữu của nó. Đó là Chân Lý thứ hai. Và nguyên nhân ấy là gì? Giới lỏng lẻo, Định yếu ớt, Tuệ lờ mờ. Khi Bát Chánh Đạo không bền vững, các lậu hoặc ngự trị lên tâm trí. Khi chúng ngự trị, Chân Lý thứ hai liền khởi lên hoạt động và tạo ra các loại hoạn khổ. Một khi chúng ta bị khổ, các đức tánh có khả năng dập tắt được sự khổ liền biến đi mất. Các điều kiện làm khởi sinh lên Bát Chánh Đạo là Giới, Định và Tuệ. Khi ba môn này đạt đến dũng lực trọn vẹn thì Bát Chánh Đạo tiến lên không bị ngưng trệ, khuất phục được sự bám thủ và đeo níu đã khiến ta phải phiền muộn, lo âu. Khổ không thể khởi phát được, vì Bát Chánh Đạo đang dẹp tan các lậu hoặc. Chính ngay tại điểm này mà sự chấm dứt khổ bắt đầu. Tại sao Bát Chánh Đạo đủ sức mang đến sự chấm dứt khổ? Bởi vì Giới, Định và Tuệ đã đạt đến cao điểm của sự hoàn hảo, và Bát Chánh Đạo đã gia tăng tốc lực đến cực điểm nên không thể nào bị ngăn dừng lại được. Tất cả đều cùng xảy ra ngay tại đây. Tôi muốn nói rằng, những ai đã thực tập đúng như thế, thì các ý kiến lý thuyết về tâm trí không thể hiện khởi lên trong khung cảnh này. Nếu được giải thoát khỏi các ý kiến đó, tâm trí liền trở nên vững chắc và đáng tin cậy nhất. Và kể từ nay, dù tâm trí ấy chọn theo lối nào, chúng ta không còn cần phải thúc dục nó hơn nữa để tiếp tục thẳng tiến mãi.
Bạn hãy nhìn đến lá cây xoài. Lá đó ra sao? Chỉ cần quan sát một chiếc lá, là biết được cả muôn ngàn chiếc lá khác. Chỉ cần nhìn kỹ một chiếc lá thôi. Các lá khác cũng đều giống như thế. Với cây xoài cũng như thế. Ta chỉ cần quan sát một thân cây xoài là biết được các đặc tính của tất cả các cây xoài. Chỉ cần nhìn kỹ một thân cây xoài thôi. Mọi cây xoài khác cũng không có gì sai biệt quan trọng cả. Nếu ta biết được một, ta sẽ biết hết tất cả. Đó là lời Đức Phật đã dạy.
Giới-Định-Tuệ là con đường của Đức Phật. Nhưng con đường đó chưa phải là cốt tủy của Chánh Pháp. Bát Chánh Đạo, tự nó, không phải là cứu cánh, không phải là mục tiêu tối hậu của Đức Thế Tôn. Nhưng nó là con đường đi vào nội tâm. Đó cũng như các bạn đi từ thành phố Bangkok đến tu viện Wat Nong Pah Pong này. Không phải vì đường xá mà bạn đã bỏ công đi tìm. Điều mà bạn muốn là đi đến tu viện, nhưng bạn cần con đường đó để đi đến đây. Con đường bạn vượt qua không phải là tu viện, nó chỉ là phương cách để đi đến đây. Nhưng nếu bạn muốn đến được tu viện, bạn phải đi theo con đường đó. Giới, Định, và Tuệ, cũng như thế. Chúng ta có thể bảo rằng cả ba không phải là cốt tủy của Chánh Pháp, nhưng chúng là con đường đưa ta đến đây. Khi đã thuần thục về Giới, Định, Tuệ rồi, thì kết quả sẽ là tâm tư được an hòa thật thâm sâu. Đó là mức đến nơi. Khi ta đạt đến sự an định đó rồi, ngay cả khi nghe một tiếng động lớn, tâm tư vẫn giữ sự điềm tĩnh. Một khi ta đã đạt được an định đó, thì không còn gì cần phải làm thêm nữa. Đức Phật dạy phải buông bỏ tất cả. Dầu cho có việc gì xảy ra chăng nữa, cũng không có chi để lo lắng cả. Bấy giờ chúng ta mới thực sự tự mình biết được mọi sự việc. Chúng ta không còn chỉ biết tin suông, theo những gì kẻ khác nói.
Nguyên tắc căn bản của Phật giáo là sự rỗng vắng của tất cả hiện tượng. Nó không tùy thuộc vào sự nhiệm mầu của các loại thần thông, các khả năng dị thường, hoặc bất cứ những gì huyền bí và lạ lùng. Đức Phật không nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của các việc đó. Tuy nhiên, các quyền năng này vẫn có thật, và có thể tập luyện được, nhưng khía cạnh này của Giáo pháp lại có tính cách làm mê hoặc, cho nên, Đức Phật không khuyến khích sự tập luyện đó. Ngài chỉ ngợi khen các bậc thánh nhân đã tự mình giải thoát ra khỏi mọi hoạn khổ, phiền não.
Để thực hiện sự giải thoát mọi khổ não, cần phải tập luyện với các khí cụ cùng vật trang bị để hoàn thành công việc, đó là từ bi, giới hạnh, định lực và trí tuệ. Chúng ta cần phải nhận lấy chúng và theo đó mà tập luyện. Cùng phối hợp lại, chúng lập thành con đường Đạo hướng về nội tâm, và Trí tuệ là bước đầu tiên. Con đường Đạo ấy không thể nào trưởng thành được, nếu tâm trí còn bị các lậu hoặc che phủ kín, nhưng nếu chúng ta cương quyết và dũng mãnh thì con đường Đạo sẽ loại trừ các ô trược đó. Tuy nhiên, nếu các lậu hoặc tỏ ra lì lợm và mạnh mẽ, chúng sẽ phá tan con đường Đạo. Hành trì theo Chánh Pháp giản dị chỉ là sự tranh đấu không ngừng của hai lực lượng đối nghịch đó, cho đến khi nào đạt đến mức cuối cùng của con đường Đạo.
Ajahn Chah
Các tin tức khác
- Gửi người nghĩ làm giống người khác là có lợi ( 3/12/2017 3:06)
- Chấp ngã là nền tảng sinh mọi u tối ( 2/12/2017 2:40)
- Tự mình thắp đuốc mà đi ( 1/12/2017 2:38)
- Bình Đẳng của chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối (30/11/2017 2:57)
- Cúng cho người trì giới được phước nhiều hơn (30/11/2017 2:54)
- Đi theo trung đạo (29/11/2017 2:45)
- Chúng sanh đều bình đẳng (29/11/2017 2:44)
- Hiếu hạnh (28/11/2017 12:14)
- Thiên đường địa ngục (28/11/2017 12:14)
- Phương pháp đối trị sân (27/11/2017 2:29)