2/01/2018 2:02
Để đảm bảo sự nghiệp ngày mai của mình được tươi sáng và tốt đẹp, chúng ta ngày hôm nay hãy chuẩn bị một hành trang vào đời với những hiểu biết chân chính, bằng sự học hỏi, chiêm nghiệm và tu sửa qua lời Phật dạy. Sự chuẩn bị của ngày hôm nay đầy đủ với những nhận thức sáng suốt, là kết quả của một ngày mai tràn đầy hạnh phúc. Chúng ta cùng nghe lời giải thích tường tận về nhân sinh quan của một kiếp người.
Một hôm có người ngoại đạo đến hỏi đức Phật:
- Thưa Ngài Cù Đàm, cái gì định đặt cho con người sinh ra kẻ thì nghèo nàn khổ sở, người thì giàu sang sung sướng, kẻ thì sống lâu người thì chết yểu, kẻ thì yếu đau người thì khỏe mạnh, kẻ thì ngu tối người thì thông minh?
Phật trả lời:
- Tất cả sự sai biệt giữa con người và con người là do nghiệp mà họ định đặt ra, nên có người ưu kẻ liệt.
- Do tạo nghiệp gì khiến cho người sống lâu và do tạo nghiệp gì khiến cho người chết yểu?
- Người không tạo nghiệp sát hại chúng sinh thì được thọ mạng lâu dài. Người tạo nghiệp sát, đoản mạng sống của chúng sinh nên thọ mạng yểu.
- Do tạo nghiệp gì mà thân người được khỏe mạnh và do tạo nghiệp gì mà thân hay yếu đau bệnh tật?
- Do nghiệp ác làm cho người đau khổ nên thọ thân hay bệnh tật đau yếu. Và do tạo nghiệp lành, an ủi giúp đỡ người qua những tai nạn khốn khổ, nên được thọ thân khỏe mạnh vui tươi.
- Do tạo nghiệp gì mà sinh thân trong gia đình giàu sang sung sướng và do tạo nghiệp gì mà sinh thân trong gia đình nghèo đói khốn khó?
- Do đời trước biết làm lành, biết bố thí cúng dường, biết giúp đỡ người nghèo đói bệnh tật, nên đời này được sinh ra trong cảnh giàu sang sung sướng. Người ở đời trước không biết bố thí cúng dường, không biết giúp đỡ người nghèo khó, lại còn tham lam rút tỉa của người, nên đời này sinh thân trong cảnh nghèo đói thiếu thốn.
- Do tạo nghiệp gì người sinh ra được thông minh sáng suốt và do tạo nghiệp gì người sinh ra lại ngu dốt tối tăm?
- Người đời trước do siêng năng học hỏi tìm hiểu chân lý, ưa thích giúp người được học hỏi hiểu biết nên đời này được thông minh. Người ở đời trước do lười biếng học không chịu tìm hiểu chân lý, cản ngăn sự học hỏi của người, nên đời này bị tối tăm mê mờ.
Những thăng trầm được mất trong cuộc đời với muôn vàn sự sai khác và quá sâu kín, nhiệm mầu vượt khỏi tầm hiểu biết của con người; nên khi sống, họ không biết mình từ đâu đến, và sau khi chết không biết mình đi về đâu. Chính vì vậy, họ đành chấp nhận giao phó cuộc đời mình cho đấng tối cao quyết định. Để rồi, con người trở thành kẻ phục vụ cho đấng thần linh thượng đế, và chấp nhận an phận nơi niềm tin đó một cách si mê, mù quáng, nên thế nhân thường gọi là tín đồ.
Chỉ có chân lý và cái thấy đúng như thật do sự trải nghiệm trong tu tập bằng cách quán chiếu, soi sáng lại chính mình mới giúp ta thoát khỏi sai lầm này, mà biết cách làm chủ bản thân. Mình làm lành được hưởng phước báo tốt đẹp, mình làm ác chịu quả báo sa đọa khổ đau, chân lý đó chính là luật nhân quả nghiệp báo.
Đứng về khía cạnh cuộc sống với vô vàn sự sai khác, con người cảm thấy nhỏ bé trước bầu vũ trụ bao la này, nhiều người đành cam chịu thân phận thấp hèn của mình bởi do bàn tay thần linh thượng đế đã sắp đặt.
Một số người được sống trong giàu sang sung sướng, có nhiều tiền bạc của cải và quyền thế trong xã hội, họ nghĩ rằng do đấng tối cao đã ban cho, nên họ rất trân trọng quý kính mà tôn thờ một cách cuồng tín, do đó họ mặc tình gieo tạo tội lỗi, bất chấp luân thường đạo lý. Chính vì quan niệm sai lầm trên, đến khi phước hết, họa tới, họ đành cam chịu sống đời đọa lạc tối tăm, cho dù cố gắng cầu nguyện van xin đấng tối cao cũng vô ích, giống như đá nặng thì phải chìm dưới nước.
Nhưng trên thực tế, người được hưởng an vui hạnh phúc thì ít, kẻ bất hạnh khổ đau thì lại quá nhiều. Nếu thần linh thượng đế có đủ năng lực ban vui cứu khổ, đáng lẽ phải giúp đều hết cho tất cả chúng sinh, tại sao chỉ giúp giai cấp thống trị mà không giúp giai cấp nô lệ như ở đất nước Ấn Độ hiện nay? Thật ra, trong cuộc đời này, tất cả mọi thứ sai biệt như nên hư, tốt xấu, hơn thua, phải quấy, thành bại trong cuộc sống đều do mình tạo ra từ thân miệng ý, mình làm việc thiện lành tốt đẹp thì được hưởng phước báu bình yên hạnh phúc, mình làm điều xấu xa tội lỗi thì chịu quả khổ đau không có ngày thôi dứt; nó theo ta như bóng với hình dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên thì quả báo hoàn tự hiện.
Nghiệp lực tuy không có hình tướng cụ thể, không ai có thể trông thấy được, nhưng nó có sức mạnh chi phối, cuốn hút, hấp dẫn lạ thường. Cũng như gió, tuy không thấy hình tướng ra sao mà nó có thể làm nên phong ba bão táp, cuốn trôi tất cả khi đủ nhân duyên. Nghiệp lực cũng lại như thế.
Vậy, tất cả quả tốt hay xấu mà chúng ta đang thọ nhận hiện nay, gốc từ cái nhân chúng ta gây thuở trước, chứ không phải bỗng dưng mà có. Khi đã biết được như thế, chúng ta muốn ngày mai được tốt đẹp an vui hay bị đau khổ, thì ngay bây giờ chúng ta phải chuẩn bị. Nếu chuẩn bị bằng nghiệp thiện thì sẽ được đến cõi lành và được an vui hạnh phúc, nếu chuẩn bị bằng nghiệp ác thì sẽ đi vào đường dữ và bị khổ đau.
Cuộc sống là quá ngắn, hành trình một kiếp người, chỉ có vậy thôi sao? Thời gian là quý giá, biết ơn và đền ơn, hãy làm gì có ích, vì giống nòi nhân loại, biết phát huy tinh thần, đạo pháp và dân tộc, để làm tròn trách nhiệm, mà đóng góp sẻ chia. Tiếc thay một kiếp người, không giúp gì cho ai, do hiểu biết sai lầm, mà đánh mất chính mình, trong đau khổ lầm mê. Người trí cùng kẻ ngu, khác nhau chỗ nhận thức, kính dâng chút lòng thành, những gì tốt đẹp nhất, sẽ đến với mọi người.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Các tin tức khác
- Tỉnh mộng ( 1/01/2018 2:24)
- Nghệ thuật sống an lạc ( 1/01/2018 1:52)
- Phật dạy tu trong lúc nghiên cứu giảng dạy (31/12/2017 2:26)
- Biết vươn lên từ cuộc sống (30/12/2017 2:50)
- Phật là bậc Giác ngộ (30/12/2017 2:45)
- Tu trong lúc lái xe (29/12/2017 2:29)
- Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có huyền bí (28/12/2017 1:56)
- Kinh nghiệm hoằng pháp (27/12/2017 2:27)
- Về nhà (26/12/2017 3:49)
- Tha thứ là hiểu là thương (25/12/2017 4:08)