Bổn phận người phật tử tại gia

13/02/2018 2:45
1. Các bổn phận của người phật tử tại gia?
Người phật tử tại gia có 5 bổn phận:

- Bổn phận đối với bản thân.

- Bổn phận đối với gia đình người thân.

- Bổn phận đối với người ngoài gia đình.

- Bổn phận đối với xã hội.

- Bổn phận đối với Phật pháp.

2. Bổn phận của phật tử đối với bản thân?

- Giữ năm điều đạo đức để sống tốt đời đẹp đạo.

- Sám hối và ngăn ngừa những việc làm sai trái.

- Tích cực làm việc thiện và kêu gọi mọi người cùng nhau hưởng ứng vì lợi ích chung.

- Siêng năng học hỏi giáo lý của đức Phật qua sự hướng dẫn của những người tu hành chân chính.

3. Bổn phận của phật tử đối với gia đình người thân?

- Cung kính hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

- Sống chung thủy trong vợ chồng.

- Nuôi dạy con cái với tinh thần trách nhiệm cao, tin sâu nhân quả và biết tự lực trong cuộc sống.

- Thương yêu nhường nhịn, vui vẻ thuận thảo giúp đỡ anh chị em.

- Ngoài ra, chúng ta còn có trách nhiệm hướng dẫn mọi người trong gia đình biết quy hướng về Phật pháp, để cùng nhau học hỏi và tu sửa nhằm biết cách hoàn thiện chính mình.

4. Bổn phận của phật tử đối với người ngoài gia đình?

- Siêng năng chăm chỉ học hành, biết vâng lời thầy cô giáo, sống có ý thức và giữ gìn hạnh kiểm tốt.

- Giúp đỡ, động viên an ủi bạn bè cùng nhau học hành tiến bộ, trên tinh thần đoàn kết thương yêu bằng trái tim có hiểu biết.

- Hòa nhã, tương trợ xóm giềng, bà con mỗi khi có việc cần thiết.

5. Bổn phận của phật tử đối với xã hội?

- Làm tròn nghĩa vụ công dân, chấp hành luật pháp.

- Tham gia các phong trào xã hội, dấn thân đóng góp vì lợi ích mọi người.

- Sống gương mẫu đạo đức để mọi người có thiện cảm và hiểu đúng về đạo Phật chân chính.
 
6. Bổn phận của phật tử đối với Phật pháp?

- Lễ Phật, tụng kinh, sám hối, hành thiền và cúng dường người tu hành chân chính.

- Học hỏi giáo lý Phật đà theo tinh thần nghe rồi suy nghĩ và thực hành cảm nhận có an lạc hạnh phúc, mới chọn lựa pháp môn phù hợp với mình để tu tập.

- Siêng năng và nhiệt tình truyền bá Chính pháp Phật đà được tỏa sáng khắp muôn nơi.

7. Cung kính hiếu thảo với ông bà cha mẹ:

- Hiếu tâm

- Hiếu dưỡng

- Hiếu hạnh

- Hiếu đạo

8. Hiếu tâm là như thế nào?

Hiếu tâm: Là sự thương yêu, tôn kính chân thành với tinh thần biết ơn và đền ơn, vì nghĩ đến sự vất vả sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Cung cấp và dưỡng nuôi cho cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của con cái. Tuy nhiên, không ít trường hợp người con báo hiếu cha mẹ không thật lòng, chẳng qua là vì hoàn cảnh bắt buộc. Thế cho nên, con cái cung kính hiếu thảo với cha mẹ, một lòng mong muốn cha mẹ được an vui, hạnh phúc gọi là hiếu tâm.

9. Hiếu dưỡng là như thế nào?

Hiếu dưỡng: Nghĩa là cung kính dưỡng nuôi cha mẹ đầy đủ về phương diện vật chất từ thức ăn uống, chỗ ở cho đến thuốc thang mỗi khi bệnh hoạn hay những lúc già yếu. Người phật tử chân chính nếu biết cung kính cúng dường Tam bảo, làm từ thiện để giúp đỡ người khác thì trước tiên phải biết cung kính hiếu thảo với ông bà cha mẹ mình trước.

- Là chăm sóc cha mẹ về vật chất.

- Đỡ đần công việc, lo miếng ăn, thức uống, áo quần, nhà cửa...

- Cha mẹ đau ốm thì lo thuốc men, chăm sóc.

- Cha mẹ qua đời thì lo tang lễ chu đáo. 

10. Hiếu hạnh là như thế nào?

Hiếu hạnh: Là làm cho cha mẹ hãnh diện vì những đức hạnh tốt đẹp của con cái từ khi còn nhỏ đến khi khôn lớn trưởng thành.

- Học hành chăm ngoan, có hạnh kiểm tốt được nhà trường khen ngợi.

- Hiền lành, hòa nhã với mọi người, tiếng lành vang xa.

- Dấn thân đóng góp cứu giúp người hoạn nạn nghèo khó, cha mẹ được thơm lây.

Báo hiếu là một trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của con cái, là truyền thống tốt đẹp, là nếp sống đạo đức với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Nếu nói cho đúng nghĩa, báo hiếu là việc làm của người giác ngộ, của các vị Bồ Tát, của người con thảo cháu hiền. Chính vì vậy, ai đã làm người phải xem việc báo hiếu là một nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của đời mình.

11. Hiếu đạo là như thế nào?

Hiếu đạo: Là hướng dẫn cha mẹ đi vào con đường thánh thiện, để cha mẹ được nhiều phước báo trong hiện tại và mai sau mà không bị đọa lạc vào 3 đường khổ.

- Khuyên cha mẹ tin sâu nhân quả biết tránh tội và làm phước.

- Khuyên cha mẹ biết quy hướng Tam bảo, niệm Phật Bồ Tát, giữ  giới và giúp đỡ sẻ chia dưới nhiều hình thức.

- Nếu cha mẹ đã biết tu rồi thì con cái phải biết cáng đáng việc nhà cho cha mẹ đi chùa, tụng kinh niệm Phật, tu ngày an lạc, hoặc đưa tiền cho cha mẹ cúng dường Tam bảo và tham gia các việc công ích.

- Khi cha mẹ qua đời thì làm lễ tang đúng theo tinh thần Phật giáo chân chính, chứ không phô trương rình rang, giết thịt ăn nhậu, vô tình ta gây thêm nhiều tội lỗi làm ảnh hưởng xấu đến gia đình, người thân và người quá cố. Đây là đạo lý nền tảng giúp cho mọi người sống phải có ý thức trách nhiệm, về mọi hành vi đạo đức ở đời nhằm thăng hoa cuộc sống mà hoàn thiện chính mình, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Một người con dù trai hay gái, phải biết báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Việc báo hiếu đó phải thực hiện trên hai phương diện là vật chất và tinh thần.

Báo hiếu phương diện vật chất: Những điều cần thiết mà người con cần phải phụng dưỡng cha mẹ là thức ăn, đồ mặc, chỗ ở, thuốc men, giải trí. Đặc biệt khi cha mẹ già yếu mất sức lao động thì con cái phải có trách nhiệm dưỡng nuôi cha mẹ. Tuy nhiên, việc làm ra của cải vật chất để phụng dưỡng cha mẹ bằng đôi bàn tay và khối óc của mình một cách lương thiện. Trong kinh Phật dạy: “Người con vì cha mẹ mà làm các điều xấu ác để báo hiếu cho cha mẹ, người ấy sẽ bị đọa lạc vào chỗ thấp kém".

Báo hiếu phương diện tinh thần: Theo đạo Phật, báo hiếu về phương diện tinh thần không chỉ đơn thuần là làm cho cha mẹ luôn được vui vẻ, hạnh phúc, mà còn phải hướng cha mẹ tin sâu nhân quả, dứt ác làm lành, biết buông xả và sống đời bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Nói tóm lại, trong 4 phần báo hiếu, có thể nói hiếu đạo là quan trọng nhất vì bao gồm hết tất cả.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top