21/04/2018 12:31
Ngày 16/04/2018, đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiếp đón khoảng một nghìn du khách nước ngoài tại sân Tsuglagkhang, Dharamshala, Ấn Độ. Khách du lịch đến từ 68 quốc gia như: Úc, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi.
Trong buổi pháp thoại, đức Đạt Lai Lạt Ma đã chia sẻ về sự đồng nhất của nhân loại và bản chất cơ bản của con người như lòng từ bi. Ngài kêu gọi sự hiểu biết lẫn nhau và nói rằng thế kỷ 21 không nên lặp lại những sai lầm của thế kỷ 20.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: “Có hơn 7 tỷ người sống trên hành tinh này. Không giống như động vật, con người chúng ta có khả năng giao tiếp giữa não bộ với nhau. Chúng ta nên sử dụng thành tựu khoa học này để nuôi dưỡng nền hòa bình và sống trong sự hòa hợp”.
Ngài giải thích: “Nếu chúng ta cứ nghĩ về bản thân, thế giới sẽ trở nên cô đơn. Ví dụ, nếu tôi chỉ nghĩ về bản thân mình với vai trò là đức Đạt Lai Lạt Ma và những người còn lại giống như bao nhiều người khác, thì tôi sẽ rất cô đơn”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng giáo dục hiện đại tập trung quá nhiều vào những khác biệt nhỏ nhặt như quốc tịch, đức tin, phát triển kinh tế… Chúng ta nên nhìn vào trẻ em và cách hành xử giữa chúng với nhau để hiểu được tính nhất thể của nhân loại. Ngài nhấn mạnh: “Khi còn nhỏ, chúng ta không quan tâm, phân biệt hay chê bai lẫn nhau. Nhưng thói quen này bắt đầu hình thành khi chúng ta lớn lên”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ sự ngưỡng mộ về bản chất thế tục của truyền thống hàng nghìn năm của Ấn Độ khi tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo. Ngài cũng lên án việc phân chia giai cấp, phân biệt chủng tộc của Ấn Độ và nói rằng điều này nên chấm dứt ngay lập tức.
Nói về sự bình an nội tại, đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: Bình an nội tâm là nền tảng của sự tự tin và trẻ em nên được dạy về giá trị nội tại, các nguyên tắc đạo đức thông qua cách tiếp cận thế tục trong học đường thay vì ở trung tâm.
Ngài tiếp tục nói về sự hòa hợp tôn giáo và tán dương các truyền thống đa văn hóa của Ấn Độ. Ngài nói: “Ấn Độ là quê hương của tất cả các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới và cũng tôn trọng những người không tín ngưỡng. Điều này thực sự tuyệt vời và rất đáng tự hào”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ Tây Tạng và cho rằng ngôn ngữ Tây Tạng là ngôn ngữ duy nhất giữ được kiến thức cổ đại của Ấn Độ: “Kiến thức cổ đại của Đại học Phật giáo Nalanda đã mai một trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các dịch giả Tây Tạng, những nguồn tri thức quý giá đã được lưu giữ bằng tiếng Tây Tạng. Do đó, việc bảo tồn và nghiên cứu ngôn ngữ Tây Tạng rất quan trọng”.
Buổi chia sẻ pháp thoại tiếp tục với phần đặt câu hỏi và trả lời. Khán thính giả đặt câu hỏi về hòa bình thế giới đến đức Đạt Lai Lạt Ma và mong muốn Ngài trở về quê hương Tây Tạng.
Vân Tuyền (Nguồn: Central Tibetan Administration)
Các tin tức khác
- Mài gươm trí tuệ (21/04/2018 12:23)
- Nương tựa chính mình để làm chủ bản thân (20/04/2018 12:22)
- Một chút lan man (20/04/2018 12:15)
- Lời Phật dạy! (19/04/2018 12:10)
- Trái tim yêu thương đích thực (18/04/2018 12:01)
- Tĩnh tâm giữa khen chê (17/04/2018 12:14)
- Tiền tài hay danh lợi chỉ là tức thời (16/04/2018 3:15)
- Nên sống nhanh hay chậm (15/04/2018 12:28)
- Tháo gỡ chứ không trói buộc thêm (15/04/2018 12:19)
- Chuẩn bị vào đời với tuổi mộng mơ (14/04/2018 12:20)