Nhưng cái ám ảnh về Khổ đã làm khuất lấp sự thực ấy, cho đến nỗi người ta có khuynh hướng cho tất cả là Khổ, quên mất trong cái tất cả ấy có Bụt, có Pháp, có Tăng, có con đường đi về Niết bàn an lạc. Những cái ấy đâu phải là khổ cho nên nói tất cả là vô thường vô ngã thì đúng mà nói tất cả là Khổ là không đúng. Cái ám ảnh này do thái độ giáo điều cố chấp mà có. Nó đi cả vào trong kinh văn và trong phép hành trì. “Đạo nhân thanh cố khởi” nghĩa là nếu thành đạo được cũng do mình lặp đi lặp lại cái công thức “idam dukkhan ti”, “cái này là khổ, cái này là khổ.” Phải than khổ như thế nhiều lần trong ngày thì mới mong thấy được con đường Bát chánh đạo. Vì vậy khổ là thức ăn nuôi Bát chánh đạo (dukkhāhāro maggangam magg-apariyantan ti).
Đoạn kinh sau đây, được lặp lại cả mấy trăm lần trong các bộ Nikaya và A hàm, là một chứng tích của cái ám ảnh đó được đưa vào trong kinh tạng, chỉ một vài trăm năm sau khi Bụt nhập diệt:
- Này các thầy Khất sĩ! Các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, vô thường.
- Thọ, tưởng, hành và thức là thường hay vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, vô thường.
- Vậy thì những gì vô thường là khổ hay là lạc?
- Bạch đức Thế Tôn, khổ.
- Vậy thì những gì vô thường, khổ, luôn luôn biến dịch ấy, mình có thể nói rằng: cái này là của tôi, tôi là cái này, cái này là cái ngã của tôi không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
(Tương Ưng Bộ, 22.59)
Theo tinh thần của đoạn kinh văn này, vô thường là nguyên do của khổ đau. Sự thực không phải như vậy. Vô thường có thể là nguyên do của giải thoát, của an lạc, của hạnh phúc. Thử hỏi: nếu không có vô thường thì hạt bắp làm sao trở thành được cây bắp cho ta có trái ăn? Nếu không vô thường thì một người có bệnh không bao giờ được chữa lành, một chế độ độc tài không bao giờ được trở nên dân chủ, một phiền não không bao giờ được chuyển hóa để trở thành một bồ đề. Nguyên do của cái khổ không phải là vô thường mà là cái tri giác sai lầm của ta về sự vật: sự vật vô thường mà ta cứ cho chúng là thường cho nên ta khổ. Uẩn, xứ và giới là vô thường và vô ngã, nhưng vì chúng ta cho chúng là thường, vì chúng ta vướng mắc vào chúng cho nên chúng ta khổ. Nói vô thường là nguyên do của khổ đau là vu oan cho Bụt. Vô thường là một cái thấy giúp ta tiếp cận được với vô ngã, với duyên sinh và sau đó với Niết bàn. Vô thường rất mầu nhiệm. Đó là một ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng. Nó là cứu tinh của ta.
Thấy được như thế, ta có thể phục hồi được nguyên ý của Bụt, bằng đoạn kinh văn sau đây:
- Này các vị khất sĩ! Các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, vô thường.
- Thọ, tưởng, hành và thức là thường hay vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, vô thường.
- Vậy thì những gì vô thường ấy, luôn luôn biến diệt trong từng sát na ấy, ta có thể gọi chúng là những cái ngã không? Ta có thể nói rằng: “cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là cái tôi của tôi” không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Này các vị khất sĩ! Quán chiếu về vô thường, về vô ngã, người hành giả sẽ đạt tới cái thấy duyên sinh, trung đạo, không sinh diệt, không có không, không tới đi, không thường đoạn, đó là Niết bàn, là sự lắng dịu, là giải thoát mọi niềm đau, là niềm vui cứu cánh.
Đọc đoạn kinh văn tân tu này ta thấy mọi chữ mọi câu đều có tính liễu nghĩa, không đưa lại cảm giác tiêu cực, bi quan và sự hiểu lầm như khi ta đọc đoạn trước. Vì vậy phục hồi được tam Pháp ấn rất quan trọng. Với sàng lọc tam Pháp ấn ta có thể tóm bắt được rất nhiều con sâu rọm từ bên ngoài đưa vào và từ sự bất cẩn trong quá trình truyền thừa đưa xuống. Hễ trùng tụng sai lầm một lần là sự sai lầm trở thành đồng bộ, giống như trong máy tính. Cho nên có không biết bao nhiêu là sai lầm và mâu thuẫn trong đại tạng. Vì thế chư tổ đã căn dặn: y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Bụt đã bị oan nhiều rồi, ta phải sử dụng những phương pháp khoa học như khảo cổ học và văn bản học để minh oan bớt cho Ngài.
Thầy Thích Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Người ngu ăn muối (22/04/2018 12:31)
- Sức mạnh của niềm tin (21/04/2018 4:16)
- Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ về tính thống nhất của nhân loại (21/04/2018 12:31)
- Mài gươm trí tuệ (21/04/2018 12:23)
- Nương tựa chính mình để làm chủ bản thân (20/04/2018 12:22)
- Một chút lan man (20/04/2018 12:15)
- Lời Phật dạy! (19/04/2018 12:10)
- Trái tim yêu thương đích thực (18/04/2018 12:01)
- Tĩnh tâm giữa khen chê (17/04/2018 12:14)
- Tiền tài hay danh lợi chỉ là tức thời (16/04/2018 3:15)