Ngẫm về cuộc sống...

23/05/2018 12:19
Cuộc sống! Chỉ hai từ ngắn gọn nhưng đã để lại trong mỗi chúng ta vô vàn những suy tư với bao cung bậc thăng trầm cảm xúc khác nhau. Những cung bậc cảm xúc ấy như những nốt nhạc trầm bỗng du dương, đôi khi cao chót vót nhưng có lúc lại hạ nhịp đến không ngờ.

Và cuộc sống cũng thế, có những lúc ta cảm thấy nó hạnh phúc đến lạ kỳ nhưng cũng có lúc đau khổ bi ai cùng tận. Tất cả đã tạo nên thước phim của thời gian với không gian vô tận và dòng người tấp nập… Điều đó làm chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày chạy đua, hơn thua với nhau để diễn nốt những hoạt cảnh trong đó bản thân mình là những diễn viên chính. Và rồi từng ngày chúng ta thêm mệt nhòa, bước chậm lại giữa dòng đời hối hả. Khi cái gọi là thời gian không ngừng trôi qua, cái tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết cũng dần nhường lại cho tuổi già ngày một lấn lướt từng phút giây… Cho đến một ngày nào đó đôi chân không còn đủ sức để bước tiếp, đôi tay đã mệt mỏi trước sự bám víu với thời gian, với đời sống cơm áo gạo tiền trong vòng danh lợi chức quyền… Và tất cả cũng chỉ dừng lại trước bao sự nuối tiếc bất an ra đi mà không mang theo được gì!

Chính vì lẽ đó, tự thân mỗi chúng ta hãy sống chậm lại, hãy dành đôi phút tĩnh lặng nhìn lại cuộc sống với những gì đang xảy ra trong ta, trong người, trong khoảng không thời gian vô định cùng không gian bao la này. Hãy nhìn lại những giá trị mà ta đang có, đang hướng đến phải chăng mang lại cho chúng ta là hạnh phúc thật, là những giá trị thật hay chỉ là đôi phút thỏa mãn bản thân rồi phải chịu cảnh suy tư khổ não… Những giá trị mang lại từ vật chất, danh lợi, địa vị, quyền thế,… trong cuộc sống hằng ngày có phải là cái mà ta hằng mong ước và tìm đến hay không? Ta hãy luôn quán chiếu, suy xét để nhận rõ được những cái ảo tưởng giả tạo từ sự tham ái, sự lôi cuốn dục vọng mà hằng ngày ta đã thấy, đã từng cảm nhận được.

Bởi lẽ, với cuộc sống hối hả, vội vàng cùng tốc độ phát triển không ngừng từ nền kinh tế hội nhập, đã dần đưa những giá trị sống của con người từ thiếu đến đủ và rồi là thỏa mãn cá nhân ngày một tăng lên. Nhiều người đã không tốn ít thời gian, sức lực đôi khi phải chấp nhận từ bỏ những điều quan trọng nhất để dần “leo” đến đỉnh cao của danh vọng, địa vị .v.v… Nhưng khi đạt được đỉnh cao đó rồi có tự thấy hạnh phúc hay không? Hay là tiếp tục mưu kế, toan tính hơn thua để giữ được những thứ ấy. Đến khi một phút nhìn lại, ta thật xót xa đã không biết bao người phải trả cái giá quá đắc cho sự tham cầu ước vọng đó. Một khi đã bị dòng xoáy của dục vọng cuốn hút sẽ làm cho con người chao đảo, lạc lõng giữa dòng đời đầy toan tính như khúc gỗ trôi giữa dòng lũ ào ạt dữ tợn không sao tấp vào bờ.

Chính vì thấy được những khổ não sầu muộn, những nguy hiểm cùng tận từ miếng mồi danh lợi quyền thế, từ lòng dục vọng tham cầu đáng sợ mà đức Phật từng khuyên ngăn hàng đệ tử của Ngài cũng như tất cả chúng sanh không nên vướng vào. Ngài đưa ra những hình ảnh thiết thực ví cho sự nguy hiểm đáng sợ từ lòng dục vọng tham cầu thế gian. Điều đó được Ngài nói đến trong Trung Bộ Kinh tập 2 – bài kinh số 54: Kinh Potaliya. Ngài ví những dục vọng tham muốn giống như hình ảnh con chó đói và khúc xương trơ, như miếng thịt giữa những loài chim dữ, như người cầm bó đuốc đi ngược chiều gió, như hố than hừng cho kẻ phạm tội, như giấc mộng đẹp giữa đêm khuya, như tài sản vay mượn từ người và là trái ngọt ở ngã tư đường. Tất cả cũng chỉ để mọi người thấy đó mà ghê sợ tránh né. Ngài như ngọn đèn sáng trong đêm trường vô minh soi chiếu cho chúng sanh có mắt thấy được đường đi hướng về con đường thiện lành, xa lìa dục vọng thế gian tìm về chân hạnh phúc như xa lìa những hình ảnh ẩn dụ này.

Và để hiểu được nguyên nhân, tại sao sự nguy hiểm từ lòng dục vọng tham cầu mà đức Phật lại dùng những hình ảnh này để làm ẩn ý. Ta hãy tự thân nhìn lại và suy xét để rồi có những suy ngẫm, quán xét một cách chân thật nhất về nó.

Đầu tiên, với hình ảnh con chó đói và khúc xương trơ.

Ngài ví rằng: Khi một con chó đang đói lả, suy nhược đi đến một lò giết thịt. Nhưng tại đây với tài nghệ và kinh nghiệm lâu năm, người thợ lóc thịt khéo lóc cho khúc xương không còn chút thịt nào chỉ còn lại ít máu và mùi tanh. Khi ấy, người thợ quăng cho nó khúc xương đó. Nó liền ra sức gặm không ngừng nhưng kết quả chỉ mệt nhọc, khóc khổ mà không được lợi ích gì, không làm cho nó hết đói được. Cũng vậy, dục vọng tham muốn vào những thứ hào nhoáng bên ngoài thế gian ví như con chó đói và khúc xương trơ chỉ khổ nhiều, não nhiều, tai họa càng nhiều mà thôi.

Kế tiếp là hình ảnh miếng thịt giữa những loài chim dữ.

Hình ảnh này tái hiện lại cuộc tranh giành về một miếng thịt giữa các loài chim dữ, được mệnh danh là chúa săn mồi trên không. Bởi, khi một con nào đó săn được miếng mồi bay lên giữa không trung nếu không nhanh chóng tìm chỗ xử lý thì ngay lập tức những con chim khác bay tới cấu xé tranh giành lẫn nhau. Cũng thế, giữa những hơn thua tranh giành quyền thế, địa vị, tài sản,… giữa cuộc đời nếu ta không khéo buông xả thì có lẽ cái họa về thân là điều khó tránh khỏi. Vì lẽ đó, đức Phật nói lòng dục vọng ham muốn như miếng thịt bị tranh giành giữa những loài chim dữ, luôn rình rập những bất an nguy hiểm có thể đưa đến chết hoặc gần như chết.

Thứ ba, đức Phật ví nó như hình ảnh người với cánh tay cầm bó đuốc đi ngược chiều gió.

Với hình ảnh này, diễn tả một người trên tay cầm bó đuốc đang cháy hừng mà lại đi ngược chiều gió. Nếu người ấy không nhanh tay vứt bỏ ngay bó đuốc đó, bó đuốc đó có thể sẽ đốt cháy tay, đốt cháy cánh tay cho đến một phần thân mạng và cả thân thể cho đến chết. Dục vọng tham cầu cũng vậy, nếu không nhanh tay vứt bỏ, không khéo dập tắt thì nó sẽ thiêu đốt cả tâm can, đốt cháy tất cả những gì ta tạo dựng cho đến những thứ quanh ta trong cuộc sống này. Lúc đó trong ta chỉ còn lại toàn là khổ đau khôn cùng mà thôi.

Thứ tư, ví dụ về hình ảnh hố than hừng cho kẻ phạm tội như là sự nguy hại của lòng dục vọng tham muốn từ ngoại cảnh đối với một người.

Bởi lẽ, hình ảnh nói về một kẻ phạm tội với luật pháp thế gian đã bị quân lính bắt trói, hay một vị có sức mạnh mang hắn đến gần hầm lửa đang cháy dữ để trị tội. Khi ấy, hắn cảm thấy nóng bức, lo sợ gào thét,… để tha tội nhưng điều đó không thể xảy ra. Kết quả, hắn cũng phải chịu cảnh khổ đau nóng bức cho đến chết. Sự mong cầu, tranh đấu, mưu mô cho đến chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình. Lợi dụng quyền thế tranh giành tài sản, danh vọng,… trong cuộc sống nhưng rồi cũng không thoát khỏi vành móng ngựa, không thoát khỏi sự truy đuổi của nhân quả tuần hoàn và rồi cái kết cho sự đau thương, sự mất mác cùng tận. Khi ấy, có muốn cầu xin hay ân hận cũng đã quá muộn với nghiệp nhân đã gieo. Những điều đó ví như người phạm tội phải đến nơi hầm lửa để chịu tội vậy.

Thứ năm, dục vọng như giấc mộng đẹp giữa đêm khuya.

Trong đêm tối, lúc ta đang ngủ có thể sẽ tái hiện nhiều giấc mộng với nhiều cảnh tượng khả ái, thích thú với những điều ta hằng mong ước. Nhưng khi chợt tỉnh giấc ngủ ta chẳng có gì ngoài sự tiếc nuối vô vọng. Cũng vậy, với những gì ta hằng mong muốn đạt được, những gì ta thầm ảo tưởng bằng sự cố gắng chạy đua từ mọi cách để có thể đạt được, thỏa mãn cho cái ta, cho cái thân xác này hay là cho những gì xung quanh ta, gắn bó với ta. Nhưng rồi biến cố cuộc đời đẩy đưa cho đến lúc ta chẳng còn gì trong tay hay là phút chốc vô thường chợt đến làm ta phải rời xa cuộc đời này thì cũng chẳng mang theo được gì ngoài sự tiếc nuối, sự tham luyến bám chấp mà không được. Khi ấy chỉ toàn là khổ não, hối hận và nghiệp báo mà thôi. Nó giống như giấc mộng đẹp liền tan biến khi tỉnh cơn mê vậy.

Thứ sáu, ví như tài sản vay mượn từ người.

Đối với tàn sản thuộc quyền sỡ hữu của người khác, khi ta cần đến thì phải vay mượn nhưng cuối cùng cũng phải trả cho người không thể giữ hoài được. Cho dù có giữ được bao lâu thì đó cũng không thể thuộc về phần mình. Chính vì vậy đức Phật đã mượn ví dụ này chỉ cho những tài sản mà ta có, những chức phận quyền thế ta đạt được từ thế gian,… những ham muốn trước các đối tượng đó làm cho ta hân hoan vui sướng. Tất cả điều đó chỉ làm cho ta tự thấy hài lòng trong một khoảng thời ngắn hạn nhưng rồi nó cũng dần tan đi, trả lại cho đời. Nếu chúng ta cứ mãi mê không thấy lối thoát thì cũng như vật vay mượn đến lúc phải trả lại cho chủ mà thôi.

Cuối cùng, đó là hình ảnh trái ngọt ở ngã tư đường.

Hình ảnh này nói đến một thân cây với nhiều quả chín ngọt, đẹp mắt lại ở giữa ngã tư đường. Nơi mà nhiều người qua lại, thế mà nó vẫn còn tồn tại không bị cái họa của người đến hái hay chim ăn. Bởi vì, bên trong bản thân nó chứa đầy chất độc sẽ làm nguy hại cho những ai ăn phải. Ấy mà, với một người không biết nguyên nhân từ xa đi đến nhưng vì lòng tham làm mờ đi sự hiểu biết, ngay lập tức hái ăn thì không tránh khỏi sự nguy hiểm từ chất độc mang đến. Dục vọng tham muốn cũng thế, nó luôn là hiểm họa cho người tham lam nhưng diện mạo bên ngoài rất đẹp mắt với những giá trị lợi dưỡng rất cao. Nó làm cho con người bất chấp mọi thứ mà không cần phải tìm hiểu nguyên nhân suy xét mà ngay lập tức tìm đến vồ lấy. Cho đến khi đạt được rồi lại muốn buông bỏ cũng không xong, khi ấy đã quá muộn màng như chất độc của trái đắng thấm vào người.

Đó chính là những hình ảnh ẩn dụ cho sự nguy hại của dục vọng, lòng tham muốn khi con người cứ mải mê chạy đua, bất chấp mọi thứ kể cả phải hy sinh, hoặc từ bỏ những gì thân yêu gần gũi với mình nhất. Tất cả chỉ để thỏa mãn lòng dục vọng tham muốn cho bản thân mà thôi.

Với những hình ảnh này, có lẽ trong đời sống hiện tại thì ta khó lòng tìm thấy. Nhưng nó trá hình bằng những hình thức vi tế hơn, tinh xảo hơn. Nó được đổi dạng lừa lọc qua hình thức trao đổi công nghệ số, từ sự chuyển đổi niềm tin bằng quyền lực, địa vị, tài sản… Nhưng đó toàn là những giá trị ảo và cái kết không ngoài sự đau khổ và là tiếng nhơ về sau.

Chung quy, khi chúng ta đã chấp nhận dừng lại để thấy được những gì mà cuộc sống này mang đến từ vẻ bề ngoài hào nhoáng, với sự mời gọi thân thương dịu ngọt nhưng ẩn bên trong là cả một sự phức tạp khó lường, để rồi thấy được cái khởi đầu và kết thúc từ hướng đi sai lệnh là điều vô cùng tệ hại. Từ đó, có những định hướng tốt hơn, nhìn nhận chân thật về bản chất những gì ta đang sở hữu hay đang hướng đến. Nó đang nằm ở dạng nào, với hình tướng ra sao? Khi ấy ta mới có được những thứ gọi là hạnh phúc thật của cuộc sống.

Hướng đi và con đường nhìn nhận bản chất tạo nên cuộc sống tươi đẹp không ngoài sự thực tập về năm nguyên tắc đạo đức: Một là tôn trọng sự sống của muôn loài; Hai là tôn trọng quyền sở hữu của mọi người; Ba là giữ gìn tiết hạnh cho mình, cho người; Bốn là tránh lời nói sai lệch làm tổn thương người khác; Năm là xa rời những chất làm cho con người mê mờ, bám víu không buông…. Cùng với lòng từ bi yêu thương, sự chia sẻ cảm thông, sự dừng lại lòng ham muốn và nhận biết hạnh phúc thực tại… Tất cả sẽ tạo nên một cuộc sống vô cùng tươi đẹp, không cho riêng bản thân ta mà còn cho tất cả mọi người, mọi loài trong vũ trụ bao la này. Sự cần mẫn đó sẽ làm nên một bản hòa nhạc về cuộc sống vô cùng sinh động, là nơi tạo dựng một bộ phim đáng nhớ của kiếp người. Nơi đó sẽ lưu dấu những giá trị thực của cuộc sống mà nhìn từ phương hướng nào cũng thấy rõ!

 

Theo CHP

Các tin tức khác

Back to top