Trong đời sống hàng ngày ta đã bỏ bê thân của mình. Khi ngồi với máy tính trong hai giờ đồng hồ ta đã quên hẳn là ta có một hình hài. Trong thời gian đó những căng thẳng dồn lên và chứa lại. Nhưng vì ta mê, ta bị máy tính hút hồn nên ta không không ý thức được sự căng thẳng đang bị dồn chứa. Ta bỏ bê cơ thể của ta nên nó mất đi sự bình an. Ở Làng Mai chúng ta có tiếng chuông chánh niệm gài vào trong máy tính. Mỗi 15 phút thì có một tiếng chuông để ta ngưng làm việc, bắt đầu thở vào có ý thức và đem tâm trở về với thân. Ta mỉm cười với hình hài và nhớ rằng ta có một hình hài. Ta có cơ hội buông bỏ những căng thẳng trong hình hài. Nói như vậy không có nghĩa là khi ngưng để thở là ta mất thì giờ. Ta quen nghĩ rằng thì giờ là tiền bạc. Thật ra thì giờ quí hơn tiền bạc rất nhiều tại vì thì giờ là sự sống. Vì vậy khi nghe tiếng chuông, trở về với hơi thở và ý thức rằng mình có một hình hài mầu nhiệm thì đó là sự sống. Nếu có niệm lực và định lực hùng hậu thì ta thấy hình hài của mình là một cái gì rất là mầu nhiệm. Nó mang trong nó tất cả trăng sao, vũ trụ. Đất Mẹ có mặt trong hình hài của ta. Ta mang theo trong hình hài sự có mặt của tất cả tổ tiên. Tổ tiên của ta chưa bao giờ chết, tổ tiên vẫn tiếp tục sống trong ta và có mặt trong từng tế bào cơ thể ta. Nếu ta có bình an, có niềm vui thì tổ tiên cũng có bình an và niềm vui. Câu thiền ngữ ”Thở vào tôi biết là tôi có một hình hài, thở ra tôi mỉm cười với hình hài của tôi” có thể rất sâu, đó là một sự giác ngộ. Ta biết là ta có một hình hài và hình hài đó rất quí. Ta đã không biết quí hình hài của mình, ta đã từng đày đọa tấm thân. Bây giờ ta biết nó rất quí giá, ta biết tất cả tổ tiên đang có mặt trong hình hài của mình. Nếu ta sống nhẹ nhàng, thảnh thơi, hạnh phúc thì tổ tiên trong ta cũng nhẹ nhàng, thảnh thơi, hạnh phúc. Cái thấy đó là giác ngộ. Giác ngộ này tiếp theo giác ngộ khác, vì vậy giác ngộ là chuyện của ngày hôm nay chứ không phải ta tu 10 năm, 20 năm nữa mới có giác ngộ. Những cái thấy có thể đến một cách tới tấp, cho ta tuệ giác để gỡ ra những hệ lụy, những ràng buộc.
Ta đang buồn, đang giận, đang tranh đấu. Tâm của ta bị ràng buộc bởi những lo lắng, giận hờn, ganh tị, và ta có thể ở trong trạng thái đó giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác. Trong khi đó thì sự sống hết sức mầu nhiệm. Nếu ta tập trung vào hơi thở, ta thở vào và thấy hình hài của mình là một sự mầu nhiệm thì ta sẽ thấy rằng không có gì là quan trọng, chỉ có sự bình an trong ta là quan trọng mà thôi. Cái thấy này người nào cũng có thể đạt tới được. Không cần phải là một vị bồ tát hay một vị la hán mà bất cứ người nào trong chúng ta cũng có thể đạt được cái thấy đó. Những giận hờn, khổ đau, bức xúc làm cho ta trôi lăn trong đời sống hàng ngày. Trong khi đó thì sự sống rất là mầu nhiệm, ta có một hình hài, ta chỉ cần thở, ngồi và buông hết thì tự nhiên ta có sự bình an. Sự bình an này quí hơn bất cứ một chức vị nào hay một sự tìm cầu nào. Có gì quan trọng đâu? Quan trọng nhất là sự bình an trong hình hài và trong tâm của ta. Sự bình an đó ta có thể có được nếu ta biết buông bỏ những giận hờn, đau khổ, bức xúc kia. Và với cái thấy đó ta có thể buông bỏ được một cách dễ dàng. Mỗi bước chân sẽ đem lại cho ta niềm vui. Ta có một hình hài, ta có hai chân còn khỏe, ta đang còn bước đi những bước thong dong trên hành tinh xinh đẹp này. Điều này rất là mầu nhiệm, rất là hạnh phúc. Ta còn đòi hỏi gì nữa?
HT. Thích Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Quán niệm về cái chết để sống có ích (14/05/2018 3:12)
- Sự đối trị của tứ vô lượng tâm (13/05/2018 3:09)
- Nghệ thuật xây dựng hạnh phúc (13/05/2018 3:03)
- Tỉnh thức mang lại lợi ích gì (12/05/2018 12:19)
- Ở trong trần lao mà vượt khỏi trần lao (12/05/2018 12:18)
- Vô thường (11/05/2018 3:09)
- Bảy bước tu tập tâm (10/05/2018 3:08)
- Sống theo tinh thần lục hòa (10/05/2018 3:06)
- Thiền sư Nhật chỉ nói đúng 2 từ khi bị thị phi ( 9/05/2018 12:20)
- Sự sợ hãi và ước muốn nguyên thủy ( 8/05/2018 12:32)