Tham, sân, và si, đôi khi được gọi là "tam độc", cũng là lý do tại sao mọi người cùng bị tai họa với bệnh tật. Khi một ai bị mắc kẹt vào bất kỳ một trong những trạng thái tinh thần suy nhược này, chúng ta tự mở cửa và mời mọc bệnh tật vào. Kinh Duy Ma Cật (Vimaỉakirti Sutra) ghi rằng, "Tất cả các bệnh tật tôi đang mang bây giờ được chuyển hóa từ những ý nghĩ hão huyền mà tôi đã có trong quá khứ ... bởi vì con người chấp thủ vào một "bản ngã", phiền não và bệnh tật liền có cơ hội được nảy nở trong cơ thể họ.” Khi một người tự cho phép bản thân bị điều khiển bởi tam độc, các mối hiểm nguy về sức khỏe tâm lý và vật lý trở thành vô hạn và gây suy nhược. Những diễn giải sau đây đưa ra tầm nhìn sâu sắc về cách thức nào tham, sân, và si, gây nên bệnh tật:
1. Tham Lam
Tham lam được định nghĩa là niềm mong mỏi không phù hợp và quá lố cho một điều gì đó. Ví dụ, một người thường hay ăn quá độ khi có một bữa ăn hợp khẩu vị. Tham lam như thế có thể dẫn đến bội thực và thức ăn sẽ không được tiêu hóa bình thường. Hoặc, một người có thể rất thích thức ăn nọ khiến họ ăn quá mức hơn thường xuyên. Đây là loại tham muốn mà khi không thể nào được thỏa mãn có thể gây ra bệnh béo phì, mỏi mệt, và trở ngại về tim. Tham lam không bao giờ chẳng có hậu quả.
Con người cũng có những khát vọng quá lố qua kinh nghiệm giác quan. Trong Đại Xả Luận Giải và Thiền Minh Sát, có nhận định rằng quá nhiều chấp thủ với những gì chúng ta cảm nhận bằng âm thanh, mùi vị, thị giác, vị giác, và xúc giác có thể gây ra cả hai thứ bệnh tâm lý và thể chất. Một người bám víu vào kinh nghiệm của ngũ căn, có thể gây ra sự mất quân bằng trong tư tưởng hữu lý và khuấy động khả năng chọn lựa đạo đức. Những vấn đề về sức khỏe thể chất cũng có thể phát sinh. Trong lý thuyết sức khỏe Phật giáo, những người quá lệ thuộc vào ngoại hình sẽ bị bệnh gan. Những người quá lệ thuộc vào âm thanh sẽ bị bệnh thận. Những người quá lệ thuộc vào hương vị sẽ bị bệnh phổi.
Những người quá lệ thuộc vào mùi vị sẽ bị bệnh tim mạch; và những người quá lệ thuộc vào sờ mó sẽ bị bệnh lá lách. Vì vậy, khi chúng ta chạm trán với vô số những cảm giác đó, mà chúng tự nhiên là một phần của đời sống thường nhật, tốt nhất là duy trì một thái độ cân xứng và thực hành Trung Đạo. Để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cho được thuận lợi, Trung Đạo cũng là cách tốt nhất để tiếp cận ngủ nghỉ, ăn uống, và tập thể dục. Khi một người ngủ quá mức, họ sẽ không có một tâm trí sáng suốt.
Khi một người ăn quá nhiều thực phẩm có chất lượng mỡ màng và đường cao, họ dần dần gia tăng nguy cơ đến sức khỏe và cuối cùng có thể phải đối mặt với căn bệnh kinh niên, như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Trong xã hội vùn vụt hiện đại nhằm thúc đẩy mức lao động quá đáng và ngồi xem cả hàng giờ truyền hình, mọi người không tập thể dục đầy đủ, và rồi thế nào sự việc này cũng có ảnh hưởng bất lợi đến cơ thể. Hơn nữa, hiện nay mọi người luôn luôn tiếp xúc với môi trường ồn ào và căng thẳng, có thể làm cho họ bệnh hoạn dễ dàng hơn. Nếu một ai giảm thiểu lòng tham lam và khát vọng, và tiếp cận cuộc sống với thái độ Trung Đạo, họ sẽ tiến đến một cuộc sống lành mạnh hơn.
2. Sân Hận
Quyển thứ mười bốn của Đại Trí Độ Luận (Mahaprajnaparamita Sastra) ghi rằng, " Sân hận là cảm xúc độc hại nhất so với hai loại độc kia; tác hại của nó vượt xa tất cả các phiền não khác. Trong chín mươi tám sự giày vò, sân hận là điều khó khăn nhất để khuất phục; trong tất cả các vấn đề tâm lý, sân hận là điều khó khăn nhất để chữa trị." Mặc dù sân hận là một vấn đề tâm lý, nó cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về thể chất. Ví dụ, khi lo âu và giận dữ nảy sinh ra ở một người, các mạch máu siết lại, gây ra độ tăng áp huyết, và do đó vượt thêm phần nguy cơ cho cơn đau tim.
Khi viết về sự sân hận, Hòa thượng Punengsong từ triều đại nhà Thanh nói với chúng ta rằng, Một y sĩ giỏi luôn luôn phát hiện Nguyên nhân gây ra căn bệnh ban đầu. Sân hận rất là tai hại Cho những ai mắc bệnh. Mối liên hệ giữa nhịp tim bệnh nhân Và căn bệnh thật là tinh tế. Với đơn thuốc chính xác, Chúng ta có thể chữa lành bệnh tật.
Khi bác sĩ khám bệnh nhân để xác định nguyên nhân gây ra căn bệnh và kê toa thuốc đúng quy định, một trong những điều quan trọng nhất của sự điều trị là làm dịu cảm xúc của bệnh nhân. Giận dữ gây cho máu lưu thông không đều hòa, có thể tạo ảnh hưởng hiểm hại trên toàn bộ cơ thể. Nó hoạt động như một sự tắc nghẽn, khiến cho thân thể và tâm trí khó tiếp thu trong lúc chữa trị. Khi những cảm xúc kích động được giảm dần và bệnh nhân có thể trải nghiệm một cảm giác an lạc, sự hồi phục sẽ dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn. Giận dữ và thù hận đặc biệt là điều bất lợi cho quá trình điều trị, và trong thực tế, thường làm vấn nạn thêm phần trầm trọng.
3. Si Mê
Khi một kẻ ngu muội, họ không thể hiểu được hoặc nhìn thấy những điều như chính sự chân thật. Đa số trong chúng ta đều như vậy khi nói đến bệnh tật. Chúng ta không thể nào hoặc không sẵn sàng xem xét tận gốc rễ của căn bệnh. Thay vì xác định rõ ràng các nguyên nhân và kết quả chân thực để giúp chúng ta triệt tiêu bệnh tật, và thay vì sử dụng trí tuệ để hướng dẫn chúng ta đến sự chăm sóc đích đáng, chúng ta lại đi đường tắt và trở thành phân tâm bởi những biện pháp vô hiệu quả. Đôi khi chúng ta tìm kiếm một "cách chữa lẹ làng,” sử dụng những phương pháp vô căn cứ, những lối điều trị phản khoa học, và các bác sĩ hư giả. Trong khi đó, chứng bệnh thường gây cho chúng ta khổ não về cả hai mặt thể chất và tâm thần. Sử dụng lấy trí tuệ để điều tra ra nguyên nhân thực sự của căn bệnh sẽ giúp chúng ta đặt chân lên con đường đi đến mức phục hồi toàn hảo và lâu dài.
Trong khi thường thường các triệu chứng của căn bệnh cơ thể dễ dàng phát hiện, chúng ta vẫn không biết gì về chứng bệnh tâm lý. Chúng đi theo ta như bóng với hình. Chúng ta không quán sát những cấu trúc của tâm với trí tuệ và nhận thức, và thế nên sức khỏe tâm lý kém cỏi liền bám theo sau. Nếu chúng ta vẫn còn mù quáng về các căn bệnh tâm lý, những trở ngại đó có thể gia tăng và gây ra chứng bệnh nghiêm trọng hơn trong cơ thể. Các nhà khoa học hiện đại đồng ý rằng mức cùng cực của cơn giận dữ, vui mừng, lo âu, sợ hãi, buồn bã, và những cảm xúc khác có thể ảnh hưởng đến một thân thể lành mạnh.
Theo nghiên cứu y học gần đây, "Khi một người không vui vẻ, tức giận, hay bị áp lực, não bộ của họ phát tác ra các kích thích tố được gọi là adrenaline và nor- adrenaline, có thể hoạt động như loại độc tố." Hơn nữa, nếu cơ thể bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc cực đoan qua một thời gian dài, căn bệnh gây ra bởi sự mất quân bằng vì mặt tâm lý hoặc sự căng thẳng sẽ khó khăn hơn để chữa trị. Ví dụ, sự hỗn loạn tiêu hóa bắt nguồn từ trạng thái tâm lý lâu dài sẽ thật khó khăn điều trị hơn căn bệnh khó tiêu hóa do một yếu tố bên ngoài. Với bằng chứng khoa học, và không chỉ là lý thuyết tôn giáo, những cảm xúc thật sự có ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của cơ thể. Vì vậy, là điều lợi ích tột cùng nhất cho chúng ta trau dồi nhận thức về tình trạng cảm giác, xử lý cảm giác cho thích đáng, và không nên quá gắn bó hay bị điều khiển bởi cảm giác.
Trong Phật giáo, có tám vạn bốn ngàn phương pháp được sử dụng để chữa trị tám vạn bốn ngàn căn bệnh. Ví dụ, Đức Phật dạy rằng để loại trừ tham lam, một người có thể quán chiếu sự ô nhiễm. Khi một người thiền định về ô nhiễm, họ sẽ trải nghiệm được sự giảm thiểu cho cơn khát vọng. Đức Phật dạy mọi người bị thống trị bởi cơn giận dữ hay sự thù hận phải thực hành lòng từ bi bao quát và rồi bớt dần thái độ thù nghịch. Khi họ cảm thấy mình trở nên giận dữ, phải lưu tâm đến ý nghĩa của lòng nhân ái. Bằng cách đó, họ sẽ hiểu rằng khi cơn giận nổi lên không phải là một phản ứng chính đáng hoặc hữu ích. Dần dần, lời nói và suy nghĩ dữ dằn sẽ tiêu tan.
Nếu con người còn si mê, họ nên quán sát nhân quả và luật vô thường, để giúp họ nuôi dưỡng những tư tưởng không chấp thủ. Không có gì khởi sinh bên ngoài sự phụ thuộc căn bản và không có gì khởi sinh sẽ kéo dài vĩnh cửu; tất cả các hiện tượng sẽ có một ngày chấm dứt sự hiện hữu. Khi tất cả mọi thứ hành xử như hạt bụi, chỉ đến và đi, thì có mục đích gì để gắn bó với nó? Nhận thức rằng không có gì ngoại lệ đối với vô thường sẽ giúp định hướng lại tâm thức chúng ta từ si mê sang trí tuệ và cho phép chúng ta sống với sức khỏe tổng quát khả quan hơn.
Đạo sư Hàn Sơn Đức Thanh từ triều đại nhà Minh nói: "Không một ai có thể bệnh, già, chết, hoặc sinh ra thay thế cho ai. Đau khổ này, chỉ có người đó gánh chịu. Tất cả cay đắng và ngọt bùi một người phải tự chính mình trải qua." Nếu chúng ta có thể chấp nhận khổ đau là điều không thể nào tránh khỏi và thấy vô thường trong sự thanh thản, việc đó cũng giống như uống một thang thuốc tuyệt hảo nhất. Vì vậy, khi chúng ta điều chỉnh lại những cảm xúc, khuất phục được tính khí giận dữ, và hành động rộng lượng đối với người khác, chúng ta sẽ nhận diện được lối đi qua các vấn nạn của cuộc đời một cách dễ dàng hơn và giảm thiểu cơ hội sanh xôi bệnh tật.
Nếu chúng ta áp dụng những nguyên tắc của y học Phật giáo để nuôi dưỡng tâm linh và phục hồi cơ thể, lòng quảng đại sẽ nẩy sinh từ tánh tham lam, lòng từ bi sẽ nẩy sinh từ cơn giận dữ, một trí tuệ sẽ nẩy sinh ra từ thức vô minh, và sức khỏe sẽ nẩy sinh từ cơn bệnh tật. Khi chúng ta xử lý với các độc hại của tâm linh và hành động bằng sự thanh thản trong mọi tình huống, đó là sự hài hòa của thân và tâm vì thế bệnh tật sẽ bị trấn áp.
Trích bài viết cùng tên - Đại sư Tinh Vân
Các tin tức khác
- Lời Tri Ân ( 6/07/2018 1:20)
- Cười đi em ( 7/07/2018 12:38)
- Học và làm ( 6/07/2018 12:29)
- Sự mâu thuẫn giữa con người với nhau ( 6/07/2018 12:21)
- Bảy bát nước cứu khổ ( 5/07/2018 5:11)
- Chánh đạo ( 5/07/2018 5:10)
- Nói dễ làm khó ( 5/07/2018 1:08)
- Người biết bước vào cõi phước đức ( 4/07/2018 5:21)
- Ông Trưởng Giả có bốn vợ ( 4/07/2018 5:20)
- Trôi qua và còn lại ( 3/07/2018 4:00)