Phật, Tổ sẵn sàng chỉ hết nhưng do mắt tâm mình chưa mở nên mới bị chữ nghĩa che mờ thành ra mê không thấy. Bây giờ đây mình khéo thường soi trở lại để mở sáng mắt tâm thì sẽ thấy rõ là ánh sáng của pháp luôn luôn hiện tiền khắp nơi. Được như vậy thì mình học Phật mới thấy có niềm vui, thật sự bớt được những phiền não, những chấp trước. Rõ Pháp hiện tiền khắp nơi thì đi đâu cũng thấy pháp chứ không thấy phiền não, còn ngược lại mình cứ thấy phiền não thì tức là không thấy pháp. Ngài Bàn Sơn tức Thiền sư Bảo Tịch, khi còn tham học tâm lúc nào cũng chuyên tâm tham thiền không có nghĩ lung tung, tức lúc nào cũng nghĩ đến pháp. Cho nên, một hôm đi ngang qua chợ gặp một người mua thịt nói với người bán thịt:
- Ông cắt cho tôi một miếng thịt thật ngon.
Người bán thịt nghe vậy hơi không vừa ý nên buông dao đứng khoanh tay bảo:
- Này trưởng sử, ở đây miếng nào chẳng ngon?
Ngay câu đó, Ngài Bảo Tịch liền có tỉnh! Quý vị thấy, đơn giản đó chỉ là câu chuyện thông thường ở ngoài đời: ông này đi mua thịt thì ông kia nói ở đây miếng nào cũng ngon; nhưng với Ngài Bảo Tịch thì khác: Ngài không phải thấy thịt mà là thấy pháp. Với người đời, tâm lúc nào cũng nghĩ theo chuyện thế gian nên nghe nói thịt thì chỉ nghĩ đến thịt, còn Ngài Bảo Tịch bởi vì đang tham thiền, lúc nào cũng nghĩ cũng nhớ pháp, làm sao sáng được pháp nên khi nghe tới đó là tỉnh được pháp, thấy được pháp. Đó bởi vì pháp hiện bày khắp nơi, chỗ nào cũng có pháp hết nên ngay đó thì Ngài liền tỉnh ngộ. Cho nên, học Phật thì phải khéo chuyên tâm, còn mình thì ngược lại, cứ tán tâm nghĩ chuyện thế gian! Ở đây, ngay nơi pháp thế gian mà các Ngài còn thấy đó là Phật pháp, còn mình thì nhiều khi Phật pháp mà lại thấy thành thế gian pháp. Đang tụng kinh mà nghĩ chuyện thế gian thì lúc đó là thấy pháp thế gian, không thấy được kinh nữa rồi! Cũng có khi tâm mình nghĩ lung tung nên đối với Phật pháp mình lý luận một hồi thành ra thế gian pháp nữa, nên phải khéo cẩn thận!
Thời còn tại thế, một lần Đức Thế Tôn đến vùng Alavi, Ngài thuyết một thời pháp về quán niệm sự chết. Tức là ai ai cũng sẽ chết, cái chết sẽ đến không ai tránh khỏi, làm sao phải thường nhớ thường quán như vậy để chuẩn bị thì khi cái chết đến, mình sẽ bình tĩnh có cách đối phó chứ không sẽ hoảng hốt. Khi đó, có cô gái con của người thợ dệt tuy mới mười sáu tuổi nhưng nghe xong thì cô cảm kích: "Những lời Đức Thế Tôn dạy thật kì diệu!". Khi về nhà, cô bắt đầu thực hành, cô quán niệm liên tục suốt cả ngày đêm. Ba năm sau, một buổi sáng Đức Thế Tôn quán sát nhân duyên thì thấy cô gái này sẽ được độ vào dòng Thánh, cho nên Ngài mới cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo đi đến vùng Alavi để độ. Nghe tin Đức Phật đến, dân chúng ở đây rất vui mừng nên cùng nhau đến thỉnh Phật cúng dường rồi nghe pháp. Cô gái này nghe tin đó cũng rất vui mừng muốn đến gặp Phật, nhưng hôm ấy bất ngờ cha cô trước khi đi đến xưởng dệt lại dặn: "Này con, trên khung cửi của cha còn một khổ vải chưa dệt xong, nhưng cha phải dệt xong ngày hôm nay để giao cho người ta. Con quấn chỉ vào thoi cho đầy rồi mang gấp đến cho cha". Nghe như vậy, cô đành hoãn lại chuyện đi nghe pháp và ngồi vào ghế để quấn sợi mang đến cho cha. Hôm ấy là một hôm đặc biệt, theo pháp thường của chư Phật, sau khi thọ trai xong, Ngài sẽ thuyết một thời pháp cho các thí chủ nghe; nhưng hôm nay sau khi Đức Phật thọ trai xong, mọi người chờ nghe pháp nhưng Ngài ngồi im lặng. Tuy vậy, khi Đức Phật ngồi im lặng thì dù cho chư Thiên cũng không dám hỏi nữa. Đó bởi vì Đức Phật chờ cô gái này, Ngài từ xa đến đây để độ cô vì Ngài biết rằng trong ngày hôm nay cô gái này sẽ chết, nếu độ được thì trong ngày hôm nay cô gái này sẽ được vào dòng Thánh với quả Tu-đà-hoàn. Sau khi đánh xong chỉ vào thoi, cô bèn bỏ vào giỏ đem đến xưởng dệt cho cha. Đường đi thì ngang qua Tinh xá nên cô đứng ở lại vòng ngoài của thính chúng và chăm chú nhìn Đức Phật. Ngay đó, Đức Thế Tôn cũng thấy cô, trong cái nhìn của Đức Phật cô hiểu ý Phật muốn nói gì đó cho nên cô đến gần cung kính đảnh lễ Đức Phật và ngồi vào trong hàng thính chúng. Đức Thế Tôn bèn hỏi cô:
- Con từ đâu đến?
Cô thưa:
- Bạch Thế Tôn, con không biết.
Đức Phật hỏi tiếp:
- Vậy con sẽ đi về đâu?
Cô đáp:
- Bạch Thế Tôn, con không biết nữa.
Phật hỏi:
- Con không biết hay sao?
Cô thưa:
- Bạch Thế Tôn, con biết.
Phật hỏi thêm:
- Con biết thật không?
Cô đáp:
- Bạch Thế Tôn, con không biết.
Khi ấy, thính chúng nghe như vậy thì tỏ vẻ bực bội khó chịu: "Tại sao cô gái này dám trả lời với Đức Thế Tôn có vẻ đùa như vậy?!". Đức Phật bèn bảo tất cả im lặng rồi Ngài hỏi lại cô cũng như để cho tất cả đại chúng hiểu được:
- Này con, khi Như Lai hỏi: "Con từ đâu đến" thì tại sao con lại đáp là con không biết?
Cô thưa:
- Bạch Thế Tôn, Ngài hẳn biết rằng con từ nhà đến đây, nhưng Ngài hỏi như thế thì con hiểu ý ngài muốn hỏi con là từ đâu mà sanh đến đây, điều đó con không biết cho nên con đáp là con không biết.
Phật khen ngợi:
- Lành thay!
Đức Phật hỏi tiếp:
- Này con, còn khi Như Lai hỏi: "Con sẽ đi đến đâu" thì tại sao con lại đáp là con không biết?
Cô đáp:
- Bạch Thế Tôn, Ngài cũng biết là con đi đến xưởng dệt vì ở trên tay con đang cầm cái giỏ thoi, nhưng Ngài hỏi như thế thì con hiểu ý ngài muốn hỏi con là sau khi rời khỏi nơi này (tức thân này) con sẽ sanh về đâu, điều đó con không biết nên con đáp là con không biết.
Phật lại tán thán lần nữa rồi hỏi tiếp:
- Này con, còn khi Như Lai hỏi: "Con không biết sao" thì tại sao con lại đáp là con biết?
Cô thưa:
- Bạch Thế Tôn, con đáp như thế vì con biết chắc chắn là con sẽ chết, đó là điều phải đi đến.
Đức Phật lại khen ngợi lần nữa rồi hỏi tiếp:
- Này con, còn khi Như Lai hỏi: "Con biết thật không" thì tại sao con lại đáp là con không biết?
Cô đáp:
- Bạch Thế Tôn, con đáp như thế vì điều con biết chắc chắn là con sẽ chết nhưng chết như thế nào, chết vào lúc nào: vào ban đêm hay ban ngày, buổi sáng hay buổi chiều v.v… thì con không biết được, cho nên con đáp là con không biết.
Đức Thế Tôn lại khen ngợi cô lần nữa rồi bảo thính chúng:
- Các người không hiểu ý của cô bé nên mới nổi giận. Với người nào không có tuệ nhãn thì họ đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn thì mới thấy được điều này.
Phật bèn nói mấy câu pháp cú. Kết thúc thời pháp, cô gái chứng quả Tu-đà-hoàn. Sau đó thì cô đi đến xưởng dệt, lúc đó cha cô đang ngủ. Cô bèn đưa cái giỏ thoi vào, ông giật mình bèn choàng dậy kéo cửi trở lại. Đầu khung cửi đột ngột văng vào ngực của cô, cô ngã ra chết liền sanh lên cõi trời Đâu-suất. Cha cô rất buồn, bèn đến thưa hỏi Phật, nghe pháp, sau đó ông xin đi xuất gia và cũng chứng quả A-la-hán.
Như vậy, đó cũng để nói lên cô gái này mới có mười mấy tuổi nhưng có chủng tử Bồ-đề sâu nên tuy nghe Phật thuyết một thời pháp ngắn nhưng cô thấm sâu và ứng dụng liền, quán niệm liên tục suốt ngày đêm. Nó thấm sâu vào tâm trí cô nên cô lúc nào cũng thấy pháp, nên khi đến gặp Phật, Phật hỏi những câu đó thì với mọi người chỉ là thấy theo bình thường ở thế gian (hỏi ở đâu đến thì nói là ở nhà, hỏi đến đâu thì đáp đến kia v.v…); nhưng cô vì thấy được pháp nên biết Phật hỏi như vậy không phải là hỏi theo kiểu thường tình thế gian mà muốn hỏi cô từ đâu sanh đến đây, rồi hỏi đi đến đâu tức sẽ tái sanh đi về đâu. Mà đúng là vậy, trong lòng cô lúc nào cũng quán niệm về sự chết, lúc nào cũng là thấy pháp thôi nên nói ra thì chỉ nghĩ đến nó. Bởi vậy, quý vị khéo ứng dụng thực hành như vậy thì bảo đảm, cái chết có đến thì cũng vẫn thấy pháp.
Đó là những điểm muốn nhắc cho tất cả người học đạo, làm sao mình học để ứng dụng, để sống luôn luôn thấy pháp, thấy được chân giáo pháp chứ không phải là thấy pháp trên văn tự chữ nghĩa hoặc là trên những lời lẽ mà thôi. Được như vậy thì mới xứng đáng với tinh thần học đạo, học pháp. Mà như vậy thì mới bảo đảm cuộc sống của mình sẽ có nhiều an vui, là sống có pháp, thì cuộc đời mới thật có ý nghĩa. Kiểm lại xem, nếu cuộc đời này mà quý vị sống không có pháp thì có ý nghĩa gì? Sinh ra, lớn lên, rồi lập gia đình tạo sự nghiệp, vui chơi thế này thế kia v.v… rồi chết! Hoặc là sáng dậy mở mắt ra, đánh răng, rửa mặt, súc miệng, lo ăn rồi đi làm, chiều về rồi ăn, rồi ngủ, ngủ rồi thức dậy, thức dậy rồi ăn, ăn rồi đi làm, đi làm rồi ăn, rồi đi chơi, đi ngủ v.v… rồi chết! Sống như vậy thì quý vị thấy ý nghĩa gì?! Xét kỹ, mình có duyên gặp Phật pháp, rồi học để mà sống thì đó mới đúng là, sự sống có những ý nghĩa sâu xa, cao quý hơn. Được như vậy thì mình mới thấy rằng: "Vua Trần Nhân Tông đi tu là có lý!". Đúng là dù cho ngai vàng, điện ngọc v.v… gì đi nữa thì cũng còn chưa phải quý, trong Phật pháp quảù còn có cái gì đó cao quý vượt hơn nữa nên Ngài mới sẵn sàng từ bỏ để đi tu. Thấy như vậy thì mình mới quý trọng pháp, mới thấy đúng là Pháp bảo.
Mong sao tất cả học pháp, thấy được pháp để thấy rằng Đức Như Lai vẫn luôn luôn dạy chúng ta đây chứ chưa có mất. Được như vậy thì bảo đảm trên đường học Phật mình luôn có chỗ nưông tựa chắc chắn, chánh pháp vẫn luôn soi sáng thế gian chưa từng gián đoạn.
TT. Thích Thông Phương - Thiền Viện Thường Chiếu
Các tin tức khác
- Màu hạnh phúc (13/08/2018 12:50)
- Hướng dẫn căn bản cho thực hành thiền hơi thở (12/08/2018 1:05)
- Thiền sư Đạo Ngộ (12/08/2018 1:02)
- Giận 69 giây hay một đời (10/08/2018 11:54)
- Thấy nghe mà không dính mắc (10/08/2018 12:05)
- Thực hành lòng biết ơn như thế nào? (10/08/2018 12:01)
- Đức Phật dạy về 5 tiêu chí khắc phục lòng sân hận ( 9/08/2018 2:48)
- 10 bài học cuộc sống nhận ra trước khi quá muộn ( 9/08/2018 2:47)
- Lục Tổ ( 9/08/2018 2:44)
- Sống trong thế gian với Phật pháp ( 8/08/2018 12:27)