Vượt qua lạc thú trần tục

30/09/2018 3:03
Các tôn giáo trên thế giới luôn luôn khẳng định hạnh phúc của con người không chỉ tùy thuộc vào việc thỏa mãn ham muốn và đam mê vật chất hoặc đạt được của cải vật chất và quyền thế. Cả đến khi chúng ta có được tất cả lạc thú trần gian, chúng ta vẫn không hạnh phúc và an lạc nếu tâm chúng ta luôn luôn bị ám ảnh bởi lo âu và sân hận phát sinh do ngu muội không nhìn thấy bản chất thực sự của cuộc sống.

 
 
 
 

Hạnh phúc đích thực không thể xác định đơn phương về phương diện của cải, uy quyền, con cái, danh tiếng hay sáng tạo. Những thứ này chắc chắn có mang lại một vài tiện nghi vật chất và tinh thần tạm bợ nhưng chúng không tạo được hạnh phúc lâu dài theo nghĩa rốt ráo. Điều này rất đúng khi của cải tạo dành được bằng phi nghĩa hoặc có được do tham nhũng. Chúng trở thành nguồn gốc của khổ đau, tội lỗi và phiền não hơn là đem hạnh phúc cho chủ sở hữu.

Rất thông thường chúng ta cứ tưởng rằng thỏa mãn năm giác quan là có thể bảo đảm hạnh phúc. Cảnh say mê quyến rũ, âm nhạc du dương, mùi thơm ngào ngạt, vị giác ngon ngọt, và sự tiếp xúc với thân hình cám dỗ khiến chúng ta đi lầm đường và lừa dối chúng ta làm chúng ta lệ thuộc vào những lạc thú thế gian. Trong khi không ai là không công nhận đúng là có những niềm hạnh phúc ngắn ngủi khi mong chờ lạc thú cũng như trong khi hưởng lạc thú thì lạc thú ấy rất phù du. Khi một người nhìn những lạc thú một cách khách quan, người đó thực sự hiểu được cái phù du và bản chất bất toại nguyện của những lạc thú ấy. Người đó sẽ thông suốt được sự thật: Cuộc sống này thực sự có ý nghĩa gì và làm sao đạt được chân hạnh phúc. 
 
Chúng ta có thể phát triển và duy trì an lạc nội tâm bằng cách hướng các tư tưởng của chúng ta vào tuệ giác bên trong thay vì bên ngoài. Chúng ta phải nhận thức những nguy hiểm và những cạm bẫy của sức mạnh phá hoại do tham, sân si. Chúng ta phải học hỏi, trau dồi và giữ vững sức mạnh nhân từ của lòng hảo tâm, tình thương và hòa hợp. Chiến địa ở trong tâm ta, chiến đấu không phải bằng vũ khí hay bất cứ nguồn nào khác mà chính bằng sự tỉnh thức về tất cả sức mạnh tiêu cực và tích cực trong tâm của chúng ta.

Luôn luôn tỉnh thức làm con người hoàn thiện. Người hoàn thiện ứng xử với tâm vô ngại. Tựa như cái dù, tâm hành hoạt tốt dù hoàn toàn mở hết. Sự tỉnh thức này là bí quyết để thoát khỏi mâu thuẫn và xung đột cũng như để cho tư tưởng thiện xuất hiện.

Tâm là cội nguồn của tất cả hạnh phúc và đau khổ. Muốn hạnh phúc trên thế giới này, tâm của một cá nhân trước nhất phải an lạc và hạnh phúc. Hạnh phúc của một cá nhân dẫn đến hạnh phúc xã hội, hạnh phúc xã hội có nghĩa là hạnh phúc của quốc gia. Chính trên hạnh phúc của các quốc gia mà hạnh phúc của thế giới được tạo dựng. Nơi đây chúng ta phải dùng hình ảnh của một tấm lưới. Hãy tưởng tượng, toàn thể vũ trụ là một mạng lưới mênh mông và mỗi chúng sinh là một mắt lưới trên tấm lưới ấy. Nếu chúng ta làm hư một mắt lưới, cả tấm lưới sẽ bị lung lay. Cho nên mỗi cá nhân phải hạnh phúc để giữ toàn thế giới hạnh phúc.

Từ những bài học của cuộc đời, rõ ràng ta thấy chiến thắng thực sự không bao giờ đạt được do xung đột. Thành quả không bao giờ đạt được do mâu thuẫn. Hạnh phúc không bao giờ có được qua hận thù. Hòa bình chẳng bao giờ đạt được bằng tích lũy nhiều của cải hơn hay đạt được do sức mạnh vật chất. Hòa bình chỉ có thể có được khi chúng ta không vị kỷ và giúp đỡ thế giới bằng hành động của tình thương. Hòa bình trong tâm chiến thắng tất cả lực lượng chống đối và cũng giúp chúng ta duy trì tâm lành mạnh, sống một cuộc sống sung túc, đầy đủ hạnh phúc và toại nguyện. 'Vì từ nơi tâm con người, chiến tranh phát khởi, thì cũng từ nơi tâm con người, thành trì hòa bình có thể kiến tạo được'.

Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch
Trích cuốn sách "Các vấn đề của xã hội hôm nay"

Các tin tức khác

Back to top