29/10/2018 3:21
Chúng ta bước vào con đường tu học thường với một mong muốn chuyển hóa được những phiền não của mình, và nếu như có thể thay đổi được chút gì cho cuộc sống chung quanh. Nhưng nếu như ta không nhìn thấy được gốc rễ của khổ đau, thì những gì ta làm, cho dù có hay đẹp đến đâu, cũng khó thật sự chuyển hóa được điều gì phải không bạn? Mà nhiều khi còn khiến cho cuộc đời này rắc rối thêm hơn...
Khi đứng trước một cây khô héo với những chiếc lá vàng úa, nếu ta biết chăm sóc cho gốc rễ của nó, thay vì chỉ tưới nước vào những cành lá, thì cây ấy sẽ dễ được xanh tươi hơn. Tôi nghĩ, điều kiện đầu tiên để chuyển hóa những khổ đau của mình, là ta phải thấy được những gì đang thật sự có mặt.
Ngày xưa Phật thường đi vào những nơi rừng vắng để tham thiền. Vào những đêm khuya tối trời, mỗi tiếng động, mỗi cành cây khô gẫy, mỗi tàng lá lung lay, mỗi bóng một con thú đều có thể làm phát sinh lên trong ta một sự tưởng tượng, một nỗi khiếp sợ.
Phật kể, nếu như nỗi sợ ấy phát sinh Ngài sẽ tĩnh lặng quan sát nó cho đến khi nào nỗi sợ ấy qua đi.
"Này Janussoni, lúc ta đang đi, nỗi sợ hãi kinh hoàng lại phát sanh. Biết vậy, ta không dừng bước, không ngồi xuống, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
"Khi ta đang đứng, nỗi lo sợ cũng phát sanh. Biết vậy, ta không đi, không ngồi, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
"Này Janussoni, có nhiều đạo sĩ cho rằng ngày và đêm cũng như nhau, Như Lai lại nói: 'Ngày là ngày và đêm vẫn là đêm' ".
Với một thái độ trọn vẹn và ôn hòa
Trong khi những đạo sĩ khác nói với Phật rằng phương cách của họ là quán tưởng rằng ban đêm cũng giống như ban ngày, tuy trong đêm tối họ vẫn cảm thấy như ban ngày, nên không có một nỗi sợ hãi nào hết.
Nhưng Phật không đồng ý với điều ấy. Đối với Ngài thì ta chỉ cần quay về và đối diện với thực tại để thấy được gốc rễ của vấn đề, “ngày là ngày và đêm vẫn là đêm.” Phật không tránh né, cũng không tưởng tượng thêm gì khác, Ngài chỉ đơn giản thấy được những gì đang xảy ra như đang-là, và có mặt với nó một cách trọn vẹn.
Đức Phật đối diện với những nỗi sợ không phải bằng một sự tìm hiểu, phân tích, hay chịu đựng, mà bằng một thái độ ôn hòa, không ghét bỏ. Ngài chuyển hóa chúng với một thái độ tĩnh lặng, trong sáng và bao dung. Khi ta biết quay về để có mặt trọn vẹn, tuy không làm gì hết, mà những khổ đau lại tự nhiên được chuyển hóa.
Bạn biết không, trên con đường tu học nhiều khi chúng ta vẫn mong tìm một phương pháp mới lạ nào đó để chuyển hóa khổ đau. Nhưng nếu như ta không thấy rõ được sự vận hành và sinh diệt tự nhiên của chúng, thì có lẽ sẽ khó có một phương pháp nào khác lại có thể giúp ta chuyền hóa chúng được. Đôi khi ta cũng giống như các vị đạo sĩ kia, lại vô tình chỉ muốn biến "ngày và đêm cũng như nhau"...
Nguyễn Duy Nhiên
Các tin tức khác
- Tu tập để làm gì? (28/10/2018 1:50)
- Công hạnh Quan Âm (28/10/2018 1:44)
- Bé mới sinh, lại muốn lớn ngay (27/10/2018 12:49)
- Sống với Như Lai (27/10/2018 12:43)
- Bảy thái độ của người biết sống (26/10/2018 12:43)
- Soi lòng (25/10/2018 12:33)
- Ý nghĩa bài kệ ca ngợi kinh Pháp hoa (25/10/2018 12:27)
- Trở về chân tâm (24/10/2018 1:05)
- Giấc mộng Nam Kha (24/10/2018 1:03)
- Còn lo âu, phiền muộn thì chưa phải là hạnh phúc (23/10/2018 3:30)