Bố thí đúng pháp

28/03/2019 8:05
Bố thí không đúng pháp chẳng những không có giá trị mà còn dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.

Từ xưa đến nay và nhất là từ khi các phương tiện truyền thông phát triển thì không ít hoạt động từ thiện (thuộc pháp bố thí) bị lợi dụng để tạo danh tiếng và phô trương thanh thế, nó như là một phương thức để đánh bóng tên tuổi. Còn tệ hại hơn nữa là người ta mượn việc từ thiện để kiếm lợi, bỏ túi riêng hoặc lừa đảo. Những hành vi phi pháp này của các cá nhân hay tổ chức không được xem là từ thiện.

Ngay cả việc từ thiện chân chính cũng cần phải thực hiện đúng pháp, hay nói dễ hiểu là thực hiện có phương thức, có trí tuệ. Trong Phật giáo, hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt đã nói lên ý nghĩa rất thâm sâu: từ bi phải đi cùng trí tuệ. Nghìn cánh tay tượng trưng cho năng lực độ sinh, phương tiện thiện xảo; nghìn con mắt tượng trưng cho trí tuệ. Nếu không có trí tuệ và phương tiện thiện xảo thì lòng từ bi không thể phát huy ý nghĩa, giá trị.


Chia sẻ - Ảnh minh họa

Về phương diện người tiếp nhận từ thiện, người được bố thí, giúp đỡ cũng xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực: sự giả dối, lợi dụng lòng tốt, lợi dụng tình thương, lòng từ bi của người khác. Những kẻ tham lam, cơ hội, những kẻ lười biếng, ỷ lại, không có ý chí phấn đấu vượt khó sẽ là gánh nặng cho xã hội một khi họ được những tấm lòng từ thiện tiếp tay do vô tình, chiếm mất cơ hội dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn thật sự. 

Trong hầu hết các kinh điển, Đức Phật dạy pháp tu bố thí đều có chỉ rõ thế nào là bố thí đúng pháp và thế nào là bố thí phi pháp. Kinh Tăng chi bộ I (chương IV, phẩm Không hý luận, phần Thanh tịnh thí vật), Đức Phật nêu ra các trường hợp bố thí, từ thiện thường gặp: “Này các Tỳ-kheo, có bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận; Có bố thí thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho; Có bố thí không thanh tịnh từ người cho cũng không thanh tịnh từ người nhận; Có bố thí thanh tịnh từ người cho cũng thanh tịnh từ người nhận. 

Ở đây, này các Tỳ-kheo, người cho có giới, theo thiện pháp, còn người nhận là ác giới, theo ác pháp. Như vậy là bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận. 

Này các Tỳ-kheo, ở đây, người bố thí ác giới, theo ác pháp, còn người nhận có giới, theo thiện pháp. Như vậy là bố thí người nhận thanh tịnh, người cho không thanh tịnh.

Ở đây, này các Tỳ-kheo, người cho là ác giới, theo ác pháp và người nhận cũng là ác giới, theo ác pháp. Như vậy là người cho không thanh tịnh và người nhận cũng không thanh tịnh. 

Này các Tỳ-kheo, ở đây, người bố thí có giới, theo thiện pháp và người nhận cũng có giới, theo thiện pháp. Như vậy là người cho thanh tịnh và người nhận cũng thanh tịnh” (HT.Thích Minh Châu dịch).

Từ lời dạy của Đức Phật cho thấy, có nhiều đối tượng bố thí, từ thiện cũng như nhiều đối tượng thọ nhận bố thí. Chỉ có sự bố thí và nhận thí thanh tịnh mới được xem là thiện sự tối ưu, hoàn hảo đem lại lợi lạc chung cho nhiều người. 

Về phương diện người làm việc bố thí, từ thiện, giáo lý Nam truyền và Bắc truyền đều thống nhất bố thí trên tinh thần vô ngã được xem là bố thí chân chính, đúng pháp, có ý nghĩa cao thượng. Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy người làm việc từ thiện, bố thí phải theo các nguyên tắc:

- Bình đẳng bố thí, giúp đỡ mọi người không có tâm phân biệt, thành kiến, kỳ thị. Đối với người có đức sinh tâm kính mến; đối với người không có đức thì đem lòng thương xót, không nên phân biệt chọn lựa người có đức hay không có đức, người tốt hay kẻ xấu để bố thí. Tùy theo nhu cầu, nguyện vọng, ước muốn của mỗi người mà làm cho họ được lợi ích với tâm từ bi bình đẳng. Điều này cũng tương tự như kinh Bát đại nhân giác nói: “Bồ-tát bố thí với tâm bình đẳng, không phân biệt kẻ thân người thù, chẳng nhớ nghĩ đến điều ác cũ mà người đã làm, chẳng ghét người xấu ác”. 

- Không phân biệt người được bố thí, được giúp đỡ là ai, thuộc giai cấp, thành phần nào trong xã hội, là người thân, họ hàng quyến thuộc hay không phải họ hàng quyến thuộc. 

- Không có tâm xem thường người được bố thí, giúp đỡ; không có ý niệm mình là người ban ơn, người kia là kẻ thọ ơn. 

- Không có lời nói, thái độ, cử chỉ hay hành động xúc phạm, gây tổn thương người được bố thí, giúp đỡ. 

Trong kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật, Đức Phật dạy Bồ-tát nên bố thí với tâm không trụ chấp (vô trụ) sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; không trụ chấp nơi nhơn tướng, ngã tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng: “Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát có các tướng ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả thì chẳng phải là Bồ-tát”; “Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà bố thí”; “Tu-bồ-đề, Bồ-tát bố thí với tâm không trụ chấp thì phước đức chẳng thể suy lường”.

Khi bố thí, làm từ thiện với tâm vô trụ chấp là đạt đến tâm vô ngã, đạt đến vô duyên từ, đồng thể đại bi tâm của chư Phật. Khi làm lợi ích chúng sinh với tinh thần vô trụ, với trí tuệ Bát-nhã không còn ngã chấp, pháp chấp, không thấy bốn tướng nhơn, ngã, chúng sinh, thọ giả thì mới thật sự là bố thí đúng pháp với tâm thanh tịnh. 

Nếu Bồ-tát bố thí, từ thiện với tâm chấp trước, còn thấy có người bố thí và người nhận bố thí, có vật bố thí, pháp bố thí (chưa đạt Tam luân không tịch), còn thấy có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng thì phiền não sinh khởi dẫn đến khổ đau cho mình và cho người. Điều này rất dễ thấy, nếu có tâm phân biệt kẻ xấu người tốt, kẻ ghét người thương, kẻ thân người thù thì sẽ dẫn đến hành động bố thí, giúp đỡ không công bằng, thiên vị, xảy ra nhiều bất bình đẳng, bất công, khiến cho lòng người ta thán, oán hờn và không còn niềm tin vào điều thiện, lẽ phải, xã hội mất ổn định. 

Kinh Tăng chi bộ III (chương VII, phẩm Tế đàn, phần Bố thí), Đức Phật cho biết, cũng đồng một hành động bố thí, cùng một việc làm từ thiện, nhưng công đức phước báo của mọi người không giống nhau, nó tùy thuộc vào sự dụng tâm của mỗi người. Người làm việc bố thí, từ thiện với tâm xả ly không chấp thủ, với tâm từ bi, vô ngã, vị tha sẽ được nhiều công đức, phước báo hơn người làm với tâm trụ chấp, mong cầu, vị kỷ. 

Tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta) bạch hỏi Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Và do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy lại được quả lớn, được lợi ích lớn?”. Đức Phật trả lời rằng: “Ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc, bố thí với ý nghĩ “Tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung được cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận thì trở lui trạng thái này. Nhưng ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ ‘Ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau’, chỉ bố thí với ý nghĩ ‘Lành thay sự bố thí’. Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm Chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này”. (HT.Thích Minh Châu dịch)

Phan Minh Đức

Các tin tức khác

Back to top