Sinh viên y khoa Bristol cần thiền chánh niệm để giảm thiểu áp lực trong học tập
Từ đó, Trường Đại học Bristol đã tiến hành đợt nghiên cứu với mục tiêu rằng nếu áp dụng thiền chánh niệm vào cuộc sống liệu có thể giúp sinh viên cải thiện được sức khỏe tinh thần và trở nên phấn chấn, vui tươi hơn hay không. Khảo sát được tiến hành đối với sinh viên ngành y của trường, đây là đối tượng được đánh giá có nhiều thách thức, khủng hoảng, dễ có nguy cơ phát sinh các loại bệnh do căng thẳng, bất an.
Có 57 sinh viên thuộc diện này tham gia đợt khảo sát. Các sinh viên được giới thiệu đến các nhóm đang thực tập thiền chánh niệm dưới sự hướng dẫn bởi các bác sĩ gia đình hoặc các vị giáo sư cố vấn học tập để tham gia một chương trình thực tập kéo dài 8 tuần.
Theo đó, mỗi tuần, các sinh viên được yêu cầu phải đến với nhóm thực tập trong 2 giờ. Ngoài ra, lúc ở nhà, chương trình cũng đề nghị sinh viên phải tự thực tập thiền chánh niệm khoảng 30 phút mỗi ngày. Xuyên suốt khóa thực tập, người tham dự được hướng dẫn và chia sẻ về cách thực hiện các công việc tinh thần, sự ảnh hưởng của trạng thái căng thẳng đối với cuộc sống, việc nhận thức về các yếu tố tạo nên trạng thái căng thẳng và các dấu hiệu cho biết triệu chứng căng thẳng, các phương pháp và kỹ thuật đối phó căng thẳng, thực hành thiền định và tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân.
Vào mỗi cuối chương trình thực tập 8 tuần, các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát các sinh viên, trong đó phần trả lời là dạng câu hỏi mở. Các nhà nghiên cứu cũng thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu mang tính lượng định đối với mỗi người tham dự kéo dài 60 phút đến 90 phút.
Các kết quả của phần khảo sát và phỏng vấn sâu cho thấy hầu hết sinh viên đều khẳng định, chương trình thực tập thiền chánh niệm chỉ diễn ra 8 tuần nhưng đã mang đến một kết quả tốt hơn nhiều so với việc áp dụng hàng loạt các công cụ đối phó với những khó khăn về cảm xúc. Các sinh viên y khoa cho biết sự đồng cảm và kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân được cải thiện thông qua những kỹ năng mới được học để có thể nhận thấy khá toàn diện những suy nghĩ và cảm xúc của bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng, nhóm sinh viên tham gia khảo sát dần cải thiện khả năng quản lý việc học tập và các công việc liên quan đến thực tập ngày một tốt hơn, loại bỏ được tâm lý và tư duy phán đoán không đồng nhất với những suy nghĩ xuất hiện trong não bộ. Ngoài ra, thiền chánh niệm đã giúp sinh viên tăng cường sự quan tâm vào nhiệm vụ học tập bằng cách khuyến khích họ phải luôn áp dụng phương pháp làm mới chính mình. Và cũng sau chương trình thực tập, các sinh viên đã lấy lại sự tập trung để tiếp tục những ngày dài học tập mệt nhọc cũng như ổn định bản thân để đối phó với các tình huống căng thẳng trong phòng khám hoặc trong các kỳ thi.
Tất nhiên, theo các nhà nghiên cứu, sẽ tiếp tục triển khai các đợt khảo sát mới nhưng các kết quả cơ bản và những phát hiện trọng tâm đã chỉ ra rằng thiền chánh niệm đã giúp cho hàng loạt sinh viên tại Trường Đại học Bristol xả bỏ được sự giận dữ, cảm giác lo lắng, những suy nghĩ tiêu cực, cải thiện khả năng ứng phó với căng thẳng, xây dựng các cảm xúc tích cực và tập trung vào phát triển sự nghiệp cho bản thân.
Tiến sĩ Alice Palpass, một thành viên của nhóm nghiên cứu và cũng là đồng tác giả của công trình nghiên cứu, cho hay: “Tại Đại học Bristol, chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình và luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tốt nhất để cải thiện sức khỏe tinh thần của các thế hệ sinh viên. Mục tiêu lớn nhất vẫn là tạo ra các phương pháp thực tập mới hiệu quả nhất để giúp cho sinh viên - thành phần dễ bị tổn thương, trước các thực tế căng thẳng và nhiều điều không như ý”.
“Công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiền chánh niệm có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên y khoa, tìm kiếm phương pháp hóa giải những khó khăn ngày căng tăng trong môi trường công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội”, Tiến sĩ Alice Palpass khẳng định. “Từ kết quả của nghiên cứu, chúng tôi đã phát triển một mô hình lý thuyết để sinh viên y khoa đủ lý luận cho việc thực tập thiền chánh niệm. Đồng thời cũng lập nên biểu đồ hướng dẫn cách thực tập để phá vỡ các chu kỳ tổn thương cụ thể trong đời sống của sinh viên”.
Tại Úc, New Zealand, Canada và Mỹ, chương trình thực tập thiền chánh niệm là một phần trong thời gian biểu học tập của sinh viên y khoa, nhưng tại Anh hiện vẫn chưa được áp dụng. Chính vì lẽ đó mà Hội đồng Y khoa Tổng quát (GMC), cơ quan chịu trách nhiệm đối với việc cải thiện chương trình giáo dục y khoa tại Anh đề nghị cần đưa thiền chánh niệm vào học trình nhằm xây dựng những nhận thức nhân văn và giảm thiểu các căng thẳng.
Song song đó, các nhà nghiên cứu cũng đề nghị cần có một cuộc nghiên cứu tổng quát, mở rộng ra nhiều trường ở Anh liên quan đến áp dụng thiền chánh niệm để có thể so sánh hiệu quả giữa sinh viên trường y khoa với các trường khác cũng như so sánh giữa Anh với các nước Úc, New Zealand, Canada và Mỹ.
Sơn Thoại
(theo Bristol)
Các tin tức khác
- Bài học từ câu chuyện Đức Phật và hồ nước (16/04/2019 8:10)
- Tu chuyển ba nghiệp là căn bản Phật pháp (15/04/2019 8:37)
- Sợi dây cột mở trói (14/04/2019 6:09)
- Bệnh chấp không, khinh thường nhân quả (14/04/2019 6:05)
- Hạnh phúc của người khác và của chính mình (13/04/2019 8:24)
- Từ nghệ sĩ nhạc jazz đến tu sĩ Phật giáo (13/04/2019 8:06)
- Tìm lại mình, biết được mình là trên hết (12/04/2019 6:31)
- Cõi Trăm Năm (11/04/2019 6:22)
- Tha thứ để hóa giải oán thù (11/04/2019 6:20)
- Giữ cho mình một lý do để cười (10/04/2019 8:15)