Bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về cách nuôi dưỡng hạnh phúc, trích từ cuốn "No Mud, No Lotus: The Art of Transforming Suffering" (Không bùn, không sen, nghệ thuật chuyển hóa khổ đau) giúp bạn hiểu bản chất của cảm giác đau khổ và cách thoát khỏi nó.
Con người từ lúc nhỏ tuổi đã có thể chất chứa nhiều nỗi đau mà mình không dám đối diện. "Tại sao trường học không dạy các em nhỏ cách quản lý cảm xúc và những nỗi đau?", Thiền sư đặt câu hỏi. Nếu trẻ nhỏ bị tổn thương, không hạnh phúc, làm sao mong các em có thể tập trung và học hành. Tổn thương của người này tác động đến người khác.
Thiền sư nhận ra hạnh phúc cũng như mọi thứ xung quanh, đều vô thường. Muốn hạnh phúc dài lâu và vững bền, ta cần dưỡng nuôi. Không một thứ gì có thể tồn tại nếu ta không dưỡng nuôi. Hạnh phúc không được chăm sóc một ngày sẽ sớm phai tàn.
"Để tiếp tục dưỡng nuôi hạnh phúc, chúng ta hãy để cơ thể và tâm trí thực hành 5 thói quen: buông xả, thu nhận những hạt giống tích cực, chánh niệm, tập trung và thấu hiểu".
Buông xả
Yếu tố đầu tiên để tận hưởng niềm vui và hạnh phúc là biết buông bỏ. Chúng ta mang vác nặng gánh những chuyện buồn, giận hờn, nghi ngại, lo lắng... suốt hành trình sống. Nỗi lo sợ đánh mất tài sản, danh tiếng, vị trí ổn định và những điều quý báu thường khiến bạn lúc nào cũng nơm nớp không dám sống trọn vẹn giây phút hiện tại.
"Chúng ta nỗ lực làm việc, hy sinh thời gian với những người ta thương quý để đem về của cải tiền bạc mong vun đắp hạnh phúc nhưng chúng ta mệt nhoài trên hành trình đi tìm hạnh phúc và đánh rơi niềm vui sống".
Con người hiện đại khổ sở bởi có nhiều tiêu chí để so sánh với người khác. Bạn phải tích đủ những "gạch đầu dòng" như công việc ổn định, bằng cấp, vị trí, một người bạn đời... thì mới mong hạnh phúc. Nếu sở hữu tất cả những yếu tố trên mà bạn vẫn không thấy hạnh phúc? Chúng ta cần ít thứ vật chất để sống nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn chúng ta tưởng.
Nuôi dưỡng hạt giống tích cực
Những suy nghĩ mỗi ngày như hạt giống gieo sâu vào tiềm thức. Những hạt giống tích cực sẽ nảy chồi thành cảm giác dễ chịu, phấn khởi và tươi vui, còn chìm đắm vào những mặt tiêu cực của vấn đề sẽ khiến bạn âu sầu.
Suy nghĩ của bạn có thể dẫn lối vào thiên đường và đồng thời cũng là địa ngục, tùy vào cách bạn khởi phát những ý nghĩ và dẫn dắt chúng. Chúng ta nuôi ý nghĩ tích cực, tưới nước để hạt mầm ấy lớn dần trong ta bằng cách trò chuyện với tâm trí, dẫn dắt tâm trí nhìn vào những góc tích cực của vấn đề. Chú ý vào mặt tích cực không có nghĩa ta phớt lờ nỗi đau. Ta quan sát nỗi đau đồng thời lắng nghe và nuôi dưỡng hạt mầm tích cực.
Chánh niệm
Hơi thở là ngọn nguồn của sự sống. Hít vào ta cảm nhận giây phút hiện tại. Thở ra ta biết nâng niu giây phút thực tại bởi nó là duy nhất.
Thiền sư chia sẻ cách đây ít năm ông phát hiện bị nhiễm virus dẫn đến viêm phổi nặng, hít thở khó khăn bởi những hơi thở nặng nhọc. Sau khi được chữa khỏi và hít thở trở lại bình thường, ông càng thấy niềm hạnh phúc trong từng hơi thở tưởng giản đơn.
"Khi hít vào tôi nhớ lại cảm giác phổi mình đã thương tổn và một hơi thở đã khó khăn thế nào. Khi thở ra, tôi biết hơi thở đã được chữa lành để dễ chịu trở lại. Tôi biết ơn hơi thở quý giá".
Tập luyện chánh niệm giúp bạn có năng lượng cho cả một ngày dài. Không cần ngồi tư thế hoa sen bạn mới có thể thực hành chánh niệm. Bạn có thể chánh niệm lúc rửa bát, lúc đi đứng, nếm một quả cam hay ngắm nhìn một mầm cây mới nhú ngoài ban công.
Chánh niệm giúp chúng ta kết nối với khổ đau để ôm ấp và chuyển hoá khổ đau, giúp chúng ta chạm vào những điều kì diệu của cuộc sống. Khi thực hành chánh niệm, bạn có thể chuyển hoá từng hơi thở thành hạnh phúc. Khi nhận biết thực tại, hạnh phúc sẽ đến sớm. Năng lượng tốt lành của chánh niệm khiến mọi hoạt động trong ngày của bạn đều là hạnh phúc.
Tập trung
Sự tập trung giữ bạn lại ở giây phút hiện tại, giúp bạn chánh niệm. Lo âu về tương lai chưa đến hay quá khứ đã không thể thay đổi khiến bạn lẩn quẩn trong sự lo lắng, bất an và nuối tiếc.
Sự bất an sẽ đến mọi lúc trong cuộc sống. Bạn hãy quan sát nó, không phán xét và dùng sự tập trung để đưa mình trở lại giây phút hiện tại. Khi bạn tập trung, cơ thể tràn đầy năng lượng và mạnh mẽ. Bạn hãy rèn sự tập trung bằng việc chú ý quan sát hơi hít vào, thở ra. Hít vào, ta giữ cơ thể và tâm trí lắng xuống. Thở ra, ta mỉm cười. An trú trong giây phút hiện tại vì ta biết giây phút này là thứ duy nhất hiện hữu.
Thấu hiểu
Với sự chánh niệm, bạn nhận ra nỗi đau của cơ thể và mong muốn cơ thể bớt đau đớn nhưng đôi khi không thể.
Thiền sư cho rằng lúc này bạn cần đến sự thấu hiểu. Sự thấu hiểu cho phép bạn nhìn ra nguồn cội vấn đề, nguyên nhân của sự đau khổ vốn thường bị che lấp bởi những ghen tuông, so sánh. Với sự thấu hiểu, bạn thử "đặt mình vào vị trí của người khác" để tập nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của họ và cảm thông hơn.
Thanh Tâm
Các tin tức khác
- Thực hành Chánh niệm (24/05/2019 3:34)
- Như bạn vốn là (24/05/2019 3:33)
- Phật độ chó dữ (22/05/2019 8:49)
- Ông Trưởng Giả mê tín (22/05/2019 8:48)
- Trong cuộc chơi này (20/05/2019 8:25)
- Thầy Tỳ-Kheo bỏ đạo (20/05/2019 8:23)
- Thấy mọi thứ đang vận động để lặng yên (19/05/2019 4:38)
- Nam diễn viên chính phim Cuộc đời Đức Phật: Tôi luôn nhớ tới trái tim độ lượng của người Việt Nam (19/05/2019 4:35)
- Cứ để mây bay (18/05/2019 8:26)
- Trường phạt học sinh bằng cách “thiền” (18/05/2019 8:04)