Rằm tháng 7 nên làm những việc có ý nghĩa thiết thực

11/08/2013 4:03
để người dân và phật tử thể hiện lòng tri ân báo hiếu với cha mẹ (Vu Lan báo hiếu) và cũng là dịp để họ thắp nén hương cúng các vong hồn lang thang trong cõi nhân gian được siêu thoát (Xá tội vong nhân).

Phong tục truyền thống kết hợp với tín ngưỡng lưu truyền lâu đời này thể hiện tấm lòng nhân ái từ bi của đạo Phật. Tuy nhiên, phong tục này ngày càng xuất hiện những lễ nghi rườm rà, gây tốn kém lãng phí mà trong đó phải nhắc đến việc đốt vàng mã với hàng chục ngàn tấn mỗi năm.

dot vang ma

 

Đủ loại vàng mã cho rằm tháng 7

Từ đầu tháng bảy âm lịch, trong các chợ và một số tuyến phố của Hà Nội bày bán rất nhiều loại vàng mã cũng như những vật dụng làm bằng giấy rất kỳ công nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mùa Vu Lan. Phố Hàng Mã, tuyến phố cổ của Hà Nội ngày thường đã sầm uất kẻ mua người bán, giờ càng nhộn nhịp, nhất là lúc trời về chiều cho đến đêm. Cả một dãy phố người xe tấp nập, muôn thứ "hàng hóa" dành cho "người cõi âm" bày tràn ra cả vỉa hè, hoặc treo lên cao tầng tầng lớp lớp.

Có đủ các thứ phục vụ nhu cầu của người mua. Tiền vàng, tiền đô la, euro in ngân hàng địa phủ, quần áo, đồ trang sức, nhà cao tầng, vila biệt thự, ô tô các loại to nhỏ, điện thoại, xe máy tay ga...; bây giờ xuất hiện cả những "mặt hàng công nghệ cao" như Iphone, Ipad, thẻ ATM (dù những con chữ ghi trên thẻ chẳng ai hiểu là chữ gì, ngân hàng nào!?).

Giá của các loại hàng mã cũng muôn hình vạn trạng, tùy theo sự kỳ công cũng như chất liệu. Trong đó, loại hàng mã "nhà" có giá từ 40.000 đồng đến 120.000 đồng/ngôi nhà làm bằng giấy dán in màu. Đắt nhất là "ngôi nhà" cao gần 1 mét, ba tầng, "lợp" ngói mũi hài, có cửa sổ, hoa trồng ngoài ban công, có cả bộ bàn ghế trên ban công, gara ô tô. "Ngôi nhà" này có giá 250.000 đồng. Lý giải giá cao như thế, một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, vì "nhà" làm bằng bìa các tông dày, lại được gia công cắt ghép các khối rỗng như cửa chính, cửa sổ, bàn ghế, hoa... Nếu muốn "ngôi nhà" nhỏ hơn, nhưng cũng tiện nghi có đầy đủ nội thất gồm bàn ghế, giường tủ thì lấy cái nhỏ hơn, chỉ hai tầng, giá là 70.000 đồng.

Theo một chủ cửa hàng trên phố này, chỉ cần bỏ ra khoảng 300.000 đồng thì có thể "sắm" đầy đủ tất cả mọi thứ từ "quần áo, giày dép, đồ trang sức, thẻ ATM, điện thoại, nhà". Thậm chí, nếu muốn đặt ôsin (người giúp việc cho người cõi âm) thì chỉ cần báo trước vài ngày. "Mặt hàng" này không phải lúc nào cũng có người mua nên quầy hàng của chị không có sẵn, nhưng nếu có nhu cầu sẽ được đáp ứng. Riêng "mặt hàng" xe tay ga, hiện có sẵn xe SH, giá 100.000 đồng, nếu muốn xe Atilla thì phải đặt, nhưng giá sẽ cao hơn, từ 200.000 đến 250.000 đồng/chiếc. Nếu muốn mua trọn bộ gồm "đồng hồ đính đá, Iphone, Ipad kèm cả tai nghe" thì giá là 100.000 đồng. Muốn mua xe ô tô loại nào cũng có, to nhỏ màu sắc khác nhau từ xám, đen, đỏ. Khi chúng tôi thắc mắc "nhưng ông bà ngày xưa không biết lái xe thì làm thế nào?" thì chủ cửa hàng trả lời rất nhanh rằng: "Xe có sẵn người lái rồi". Và quả thật, người ta đã làm một hình nộm người cầm vô lăng nhìn như thật.

Theo các chủ cửa hàng, tất cả các nhu cầu của khách hàng sẽ được đáp ứng. Chỉ có điều giá cho việc đặt hàng bao giờ cũng cao hơn nhiều so với những mặt hàng đại trà có sẵn khác. Và cũng theo họ, xã hội ngày càng phát triển, "có cầu ắt có cung" nên những món hàng họ bán nhằm phục vụ theo xu hướng ngày càng đa dạng của thị trường. Tuy nhiên, quan niệm "trần sao âm vậy" đang khiến không ít người tiêu tốn tiền bạc vào việc mua vàng mã, gây nên sự lãng phí không nhỏ chỉ để mang đi... đốt.

Quan trọng là phải thành tâm

Theo Đại đức Thích Đức Thiện, Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phật Tích, việc đốt vàng mã, đặc biệt là đốt vàng mã trong Lễ Vu Lan xuất phát bởi sự kết hợp tín ngưỡng, niềm tin của người Việt cổ với quan niệm về âm dương và tín ngưỡng truyền thống thờ cúng tổ tiên; thể hiện lòng báo hiếu, tình thương với người đã mất. Mọi người cũng nghĩ trên trần thế, cõi dương này thế nào thì cũng mong muốn người thân của mình ở cõi âm cũng có được cuộc sống như vậy. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã không đúng với tinh thần của Phật giáo. Phật giáo là tôn giáo nhấn mạnh đến việc tu tập của chính bản thân mình, tu tập thân khẩu ý làm sao đạt đến lòng từ bi và trí tuệ chứ không chú trọng về mặt lễ nghi rườm rà.

Cũng theo Đại đức Thích Đức Thiện, trong quan niệm của đạo Phật, cha mẹ sinh ra ta cũng là một vị Phật. Rằm tháng bảy là Tết Trung nguyên, một ngày lễ hội lớn trong năm của người Việt và Vu Lan báo hiếu rằm tháng bảy là truyền thống của Phật giáo kết hợp với tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên của người Việt mà nội dung chính là tri ân báo hiếu người thân trong gia đình, báo hiếu ông bà tổ tiên; tri ân những người có công với đất nước; tri ân với những người đã hy sinh để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay. Để thể hiện tri ân tốt đối với những người đã mất thì chúng ta có thắp nén hương thành kính, dâng hoa tưởng niệm ở nhà thờ tổ tiên, thắp nén hương ở đài liệt sĩ. Trong Phật giáo, ngày Vu Lan chỉ có tụng kinh Vu Lan và thực hiện nghi lễ bông hồng cài áo. Tại gia đình thì có thể làm mâm cơm, anh em sum họp nhớ tới công đức đối với cha mẹ. Dù đi đâu, làm việc ở đâu, những ngày này cũng nên sắp xếp thời gian về thăm cha mẹ. Nhưng điều quan trọng của Vu Lan báo hiếu không chỉ có ý nghĩa với người đã mất mà thể hiện bằng những việc cụ thể như chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống. Thời gian báo hiếu cũng không chỉ trong dịp rằm tháng bảy mà cần làm trong suốt cuộc đời mình, từ việc giữ gìn gia phong, noi theo đời sống thanh cao của dòng họ, giáo dục tinh thần hiếu hạnh, từ bi hỉ xả, biết sống vì nhau cho con cháu...

Còn Xá tội vong nhân (quan niệm là cúng cô hồn lang thang) thì nên làm việc gì đó thiết thực và có ý nghĩa. Nhưng tốt nhất là giáo dục cho con cháu làm những điều thiện như thăm một cơ sở từ thiện hoặc trại trẻ mồ côi, quyên góp sách vở quần áo cho trẻ nghèo. Hiện nay, trong dân vẫn hay nấu cháo trắng bỏ vào lá đa, bỏng ngô,... cúng các cô hồn để những vong hồn lang thang "hưởng". Theo Đại đức Thích Đức Thiện, lễ nghi này "trong Phật giáo gọi là "thức thực" - nhưng cái "hưởng" đó là cái "thức" thôi, tưởng người ta đến thôi chứ không có chuyện trao nhận thực sự hay người ta đến ăn bát cháo đó. Vì thế hãy làm sao để không quá lãng phí"

Cách đây hai năm, Chính phủ đã có Nghị định 75/2010/NĐ-CP (ngày 12/7/2010) về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với các hành vi đốt vàng mã nơi công cộng, các di tích lịch sử - văn hóa. Với Nghị định này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên truyền, giảng giải cho các phật tử tránh đốt vàng mã nhiều gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Tại chùa Quán Sứ cũng như Phật tích, nhà chùa đã tuyên truyền tới các phật tử không nên đốt vàng mã từ rất lâu rồi chứ không phải đợi đến khi có nghị định. Tại chùa Quán Sứ, trong ba ngày hành đạo, từ ngày 11 đến 13/7 âm lịch, trước khi tụng kinh đều có phát trên loa tới các Phật tử và người dân tuyên truyền về việc không đốt vàng mã. Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Đức Thiện, việc đốt vàng mã là thói quen từ lâu đời, vì thế, việc tuyên truyền cũng phải cần thời gian chứ không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Xuân Phong

Các tin tức khác

Back to top