Đây là một đề tài khá phức tạp và dễ bị hiểu lầm. Có câu nói: “Hành trình ngàn dặm khởi đầu bằng một bước đi”. Vì vậy, vấn đề cần phải nêu ra là khi nào và từ đâu chúng ta bắt đầu cất bước trên con đường tâm linh? Đa phần chúng ta đi tìm con đường tâm linh cho mình khá trễ. Trễ là do mình không cảm thấy nhu cầu cần thiết cho tâm linh lúc trẻ vì quan niệm rằng chùa chiền không thể nào giải quyết được những ưu phiền, đau khổ trong cuộc sống của tuổi trẻ. Chùa là dành cho những người lớn tuổi, xế chiều. Họ cần đến chùa là để vun bồi phước đức như làm việc thiện, bố thí, công quả v.v… để ‘sau này’ được hưởng phước tốt lành.
Chùa, tu viện, đạo tràng là chỗ mà những người bắt đầu cảm thấy cần để tu tâm, dưỡng tánh tìm đến. Những ngỡ ngàng ban đầu khi bước vào một nơi trang nghiêm, thanh tịnh như vậy, lòng thành kính của chúng ta thật là thiết tha. Mình cảm nhận được sự thanh thản, an lạc thực sự sau mỗi lần viếng thăm. Thế là mình quyết định ‘đi chùa’ thường xuyên hơn. Nhưng, muốn tu tâm, dưỡng tánh thì bắt đầu từ đâu? Thường thì chúng ta tham dự những buổi tụng kinh, hay làm công quả, tùy theo những sinh hoạt đã sẵn có ở ngôi chùa đó. Thỉnh thoảng, có gặp quý thầy, quý cô nhưng còn ngại ngùng chưa dám hỏi gì nhiều, chỉ hỏi chung chung giờ giấc sinh hoạt của chùa. Khi đã bắt đầu quen thuộc với những sinh hoạt thường kỳ, mình mới bắt đầu tiếp cận nhiều với quý thầy, cô trong một phong thái tương đối bớt hình thức hơn.
Từ việc tham gia những sinh hoạt thường kỳ đến việc làm công quả cho chùa trong những ngày lễ lạt là một chuyển tiếp rất bình thường. Nhưng việc này có dính dáng gì đến hành trình tu tập tâm linh? Dạ thưa, có liên hệ rất gần! Bằng chứng là sau nhiều lần công quả, chúng ta thường được nhiều người khen là làm giúp chùa nhiều vậy thì phước đức sẽ nhiều lắm! Thế là ta hăng hái hơn lên để tích lũy thêm phước đức dù không hiểu rõ là làm vậy có đúng là mình đang ‘tu’ hay không? Nhưng tin rằng có nhiều phước đức là tốt lắm rồi!
Khi bước chân vào một nơi trang nghiêm thanh tịnh như chùa, tu viện, hay đạo tràng mình có một khái niệm rằng tất cả mọi người ở đó chắc đều hiền lành, dễ thương. Thoạt đầu, ai cũng đối xử với mình rất tốt và lịch sự. Do vậy, mình có cảm tưởng rằng: “Trong đây ai cũng đều tu hành nên họ tốt vậy đó!”. Cho đến khi sau vài tháng hay hơn một năm đi chùa, chúng ta bỗng nhiên phát hiện một khía cạnh khác của chùa. Trong khi làm công quả có những lúc ‘va chạm’ với những người mà mình cho là tốt, nên sự suy nghĩ lúc ban sơ đã bắt đầu lung lay khiến cho sự hăng hái thuở trước cũng dần dần giảm nhiệt! Không phải mình làm biếng hay chán mà vì lòng mình đã bắt đầu có sự bối rối, phân vân: không biết mình có hiểu sai, làm sai, hay thấy sai về việc đến chùa tu tập hay không? Tại sao chùa mà vẫn còn những sự hục hặc, tranh cạnh bên trong như vậy?
Câu hỏi được đặt ra là: Nếu phức tạp như thế, vậy mình có cần phải đến chùa để tu tập cho tâm linh không? Nếu trả lời là không cần, vậy thì ông bà, cha mẹ mình và các Phật tử của thế hệ trước đâu cần đổ công sức để lập chùa. Ai cũng có thể ở nhà tu tập là đủ rồi! Cũng vậy, nếu ai cũng biết cách tự học ở nhà thế thì cần gì phải xây trường học mới học được. Lập luận này không đứng vững chút nào! Chùa hay tự viện là nơi huấn luyện cho chúng ta hiểu thấu giáo nghĩa vô thượng của Phật dạy và đem những giáo pháp này ứng dụng cho tâm linh của mình để tìm thấy hạnh phúc và an lạc trong đời sống.
‘Nhất nhật Phật tại tiền, tam niên Phật thăng thiên’. Nghĩa là ngày đầu đến chùa thấy tu theo Phật sao dễ quá, nhưng sau ba năm thì thấy Phật cũng mất luôn, chứ chưa nói là tu theo Phật! Do vậy mà cái sơ tâm - tâm tốt ban đầu, cần phải được giữ gìn cẩn thận vì nó chính là vốn liếng, là nền móng căn bản để mình tăng trưởng tâm linh. Nếu không, khi sơ tâm bị sứt mẻ trầm trọng sẽ khiến mình quay lưng lại với con đường tu tập, hoặc có khi trở thành kẻ Nhất-xiển-đề, không còn biết sợ tội phước, nhân quả là gì! Đây không phải là một hình thức hù dọa khiến chúng ta sợ cảnh ‘đi chùa’. Nhưng vì giá trị vô giá của tâm linh chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, thận trọng đừng để đánh mất viên ngọc quý đó! Chính vì vậy mà trong kinh Pháp hoa có dạy rằng: ‘Hành giả khi tu tập nên (để tâm) ở trong nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, và ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai là tâm từ bi, áo là hạnh nhẫn nhục, tòa là tâm xả bỏ’. Một hình thức mặc áo giáp để phòng hộ những chướng ngại, phiền não trên hành trình tu tập cho tâm linh.
Tất nhiên nếu mình chưa có đủ ‘nội lực’ để khoác áo nhẫn nhục, xả bỏ thì mình nên học pháp xa lìa (viễn ly) mà Phật đã dạy khi gặp những ác hành, phiền não. Tức là, không nên thân cận những nơi mình cảm thấy dễ sinh bất thiện pháp, hay sân hận như nhà bếp, phòng ăn… và tìm đến những chỗ nào khiến an lạc, hạnh phúc dễ phát sinh như chánh điện, thiền đường, lớp học giáo lý v.v... Không phải chúng tôi muốn ám chỉ nhà bếp, phòng ăn là những chỗ xấu. Nhưng vì đó là nơi để tu ‘phước’ nhiều hơn tu ‘huệ’ và cũng là nơi điều kiện ‘đời’ dễ phát sinh nên khiến dễ dàng lây lan những pháp xấu. Trong các thiền viện hay đạo tràng lớn, các thầy, cô được chia nhóm phụ trách hành đường, nghĩa là lo nấu dọn ăn và dọn dẹp cho tất cả các Tăng, Ni trong chùa, không để cho người cư sĩ phụ trách. Theo nội quy của thiền môn, sau giờ ăn tất cả mọi người đều phải tập họp lên thiền đường, hay chính điện để hành trì tu tập, không ai được phép bén mảng ở lại nhà bếp hay phòng ăn.
Như chúng ta đã biết, chùa chiền là nơi để trấn áp, trừ diệt ma quân, không phải là nơi để chúng ma sinh trưởng. Thế nên, có điều luật như vậy không phải để ngăn cản người cư sĩ làm phước mà vì muốn giúp họ phải ‘phước huệ song tu’, phòng ngừa những ma pháp phát sinh trên bước đường tu học, đặc biệt là bên trong nhà chùa. Trong kinh Ưu-bà-tắc giới giải thích rõ là người phụ nữ nào đã quy y Tam bảo và thọ nhận 5 giới gọi là Ưu-bà-di (Upasika), còn người nam gọi là Ưu-bà-tắc (Upasaka), nghĩa là Cận sự nữ và Cận sự nam. Cận sự là gần gũi để hộ trì và thực hành giáo pháp Phật dạy. Như vậy, việc thân cận người hiền hay bậc thiện tri thức và xa lìa những ma pháp, và ác hữu là đúng theo Chánh pháp.
Những ‘va chạm’ ở chùa chỉ là thử thách xem mình đã học và làm được gì sau vài tháng đi chùa. Đa phần có sự va chạm này là vì khi vào chùa chúng ta cũng mang theo những hệ lụy, phiền não, kinh nghiệm ‘ngoài đời’ của mình theo. Nên mặc dù thân ở chùa nhưng tâm vẫn còn rất ‘đời’. Chúng ta chưa xóa kịp những cạnh tranh, hơn thua, danh lợi vốn dĩ đã theo chúng ta suốt những năm qua! Sự va chạm này là một cơ hội lớn cho chúng ta thử nghiệm với chính mình. Khi chúng ta hiểu được điều này và vẫn tiếp tục giữ ‘Bồ-đề tâm kiên cố, chí tu học vững bền’ thì đây mới chính là lúc mình bắt đầu cất bước trên con đường tu tập tâm linh vậy!
Thiện Ý
San Jose, tháng 9 Mùa Trung thu, 2013
Các tin tức khác
- Con mắt của Mẹ ( 1/10/2013 10:00)
- Tôi chọn bạn (30/09/2013 5:58)
- Không có gì vẫn có thể bố thí (27/09/2013 6:04)
- Bà cụ và chiếc giỏ (26/09/2013 11:24)
- Cuộc đời đó có bao lâu mà không chịu Tu hành (26/09/2013 1:08)
- Phật giáo với tuổi trẻ ngày nay (26/09/2013 1:04)
- Niềm tin và nghị lực (26/09/2013 1:02)
- Bình an giữa cuộc đời (26/09/2013 12:57)
- Bạn trẻ & lối hành xử “ném đá” (26/09/2013 12:53)
- Mạng sống vô thường (25/09/2013 4:42)