Đáp: Phù đồ hay Phật đồ là phiên âm của Stupa (Sanscrit), Hán và Việt dịch đồng nghĩa là tháp. Ở Ấn Độ, rất nhiều bảo tháp được dựng lên để tôn thờ xá lợi của Phật và các bậc Thánh A la hán. Ngoài ra còn có tháp được xây dựng để kỷ niệm các Thánh tích trong đạo Phật như Đại Tháp tại Bồ Đề đạo tràng (Bodhgaya), nơi đức Phật thành đạo; tháp tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini), kỷ niệm nơi Phật đản sanh…Ở Việt Nam, ngoài tháp Phật, phần lớn tháp là mộ phần của các cao tăng hoặc trụ trì, thường được xây bằng gạch và có nhiều tầng. Những bảo tháp nổi tiếng nhất ở Việt Nam như tháp chùa Linh Mụ, tháp chùa Phổ Minh… (Thích Minh Châu - Minh Chi, Từ điển Phật học Việt nam, Nxb KHXH, 1991, tr 546 [lược]).
Phù đồ có nghĩa là tháp, con số 9 trong câu vừa nêu là con số cực đại, hoàn mỹ trong quan niệm toán học cổ. Xây tháp 9 tầng là tháp lớn; ở đây còn chỉ cho việc thực hiện một thiện sự viên mãn. Ngoài ra, “xây chín bậc Phù đồ” trong câu tục ngữ trên có ý nghĩa rộng hơn, khái quát là làm các việc phước đức như xây chùa, đúc chuông, tạo tượng…hay cúng dường cho nhà chùa, Tam bảo, làm phước nói chung.
Theo Phật giáo, cúng dường Tam bảo tạo ra phước báo to lớn cho người phát tâm trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, cứu người vượt thoát bệnh tật, hoạn nạn; giúp con người được an lạc, hạnh phúc là việc làm có phước báo lớn nhất. Cứu người hay “vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” là tôn chỉ của Phật giáo. Do vậy, câu “Dẫu xây chín bậc Phù đồ, chẳng bằng làm phúc cứu cho một người” dù chỉ là tục ngữ trong dân gian song chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý Phật giáo.
Vì thế, ngoài những cách giải thích như: “Dẫu xây chín bậc Phù đồ”… xem ra cũng chẳng thiết thực bằng việc “làm phúc cứu cho một người” (Huệ Thiên) hay “Cứu sống một người có ý nghĩa lớn lao hơn làm một việc công ích” (Nguyễn Lân) hơi tối nghĩa, theo chúng tôi, thì câu tục ngữ trên còn có ý nghĩa là “Trong các việc làm để vun bồi phước đức thì cứu người là việc làm có phước đức lớn nhất”.
Quảng Tánh