Đáp: Có người nói với Thầy: “Sau khi chết con không dám thiêu đâu, thiêu nóng lắm!”.
Vậy chôn nha? – “Chôn buồn lắm! Ở ngoài đó có một mình buồn lắm”.
Thưa quý Phật tử, trên thế giới, sau khi chết có những cách: chôn – địa táng, thiêu – hỏa táng, cho chim ăn – điểu táng, có người lâm táng – bỏ trong rừng, có người thủy táng – thả xuống biển luôn….
Quý vị có xem thấy những clip trên mạng, người ta ghi lại cảnh điểu táng, sau khi chết xong, thả xác ra, mấy con kên kên đến ăn, mấy phút sau chỉ còn một đống xương. Đúng như lời Phật dạy: “không bao lâu thân này, sẽ nằm dài trên đất”, như một khúc củi mục, vô thức. Có người thì chôn, có người thì thiêu, có người lâm táng, … Đa phần ở Việt Nam thì chọn 2 cách:
1. Chôn.
2. Thiêu.
Ở các vùng quê đất đai nhiều, thì có trường hợp chôn, còn ở thành phố, đất đai ít nên có một số trường hợp bạc bẽo, chết cũng là một gánh nặng cho những người ở lại.
Mình là người Phật tử thì quý vị nhớ, sau khi chết rồi, chôn hay thiêu không quan trọng, quan trọng là bây giờ sống như thế nào. Sau khi mình chết rồi chôn hay thiêu cũng được, người thân của mình muốn chôn thì chôn, muốn thiêu thì thiêu. Còn nếu được thì mình di chúc lại, mình thích chọn chôn hay thiêu.
Gốc của vấn đề không phải là chôn tốt hay thiêu tốt, vì sau khi nhắm mắt, thần thức không còn ở xác rồi, thì chuyện chôn với thiêu không còn quan trọng nữa. Mình học thì đã biết, sau khi chết, tuy gọi là chết nhưng thật ra không phải là chết. Chết là cách để chấm dứt một kiếp người thôi, nhưng thực ra mình sẽ tiếp tục tái sanh ở một cảnh giới khác. Sau khi nhắm mắt xong, tùy theo nghiệp của mình mà mình thừa tự nó, rồi sẽ đi một trong những cảnh giới: trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nói cho đúng thì mình không chết mà biểu hiện dưới một cái thân khác, mà phước với tội của mình sẽ chiêu cảm để mình ở thân nào. Cho nên quan trọng là mình sống một kiếp người như thế nào, còn chuyện sau khi chết rồi, thiêu hay chôn là người thân của mình, còn nếu cần nữa thì mình viết di chúc, có người sau khi chết xong, thiêu rồi thì gửi trong chùa.
Có người đặt câu hỏi, sau khi thiêu xong cốt để ở đâu, chùa hay nhà?
Trong trường hợp này, Thầy khuyến khích nên để ở chùa, vì để ở nhà, thứ nhất không hợp vệ sinh, thứ hai, một người sau khi mất mà họ không tu là họ chấp. Có một số trường hợp, người chết rồi tuy không còn thân nữa mà vẫn chấp cái mộ của họ, có người chết xong thương cái nhà, thương vợ thương chồng thương con, hoặc chết xong họ yên mến một vật gì đó, ngay cả hũ cốt cũng vậy, sau khi thiêu rồi còn lại nắm tro tàn, nếu thần thức còn chấp, ai đụng đến hủ cốt làm họ giận là họ quở người mà quậy cái cốt của họ. Cho nên nếu thiêu, Thầy khuyến khích gởi trong chùa, có cúng kiến, có thờ tự, có kinh kệ hằng ngày, thì hương linh đó ở chùa hằng ngày nghe được Phật Pháp, thấm nhuần Phật Pháp, rồi họ tu tập để tiếp tục quá trình tái sanh.
Còn người Phật tử, từ bây giờ, mình nên chuẩn bị điều đó, nếu ngày mai tôi chết, tôi sẽ làm gì? Nếu ai muốn bố thí thêm cuối đời, là hiến xác - bố thí thân của mình, thì nhớ quyết định cho kỹ, chứ đừng tới lúc đó thần thức còn chấp vô thân đau, chấp thân tứ đại đó là đất, nước, gió, lửa nữa thì không hay.
Gốc của vấn đề không phải chôn tốt hay thiêu tốt, mà chính biết buông là tốt, đừng chấp vô thân là tốt. Quan trọng là mình sống như thế nào.
Nếu ở quê người ta chôn thì mình chôn, nếu ở trên thành phố người ta thiêu thì mình thiêu. Còn đám tang thì Thầy cũng khuyến khích làm cho nhẹ nhàng thôi, đừng kèn trống inh ỏi quá, cũng đừng tốn nhiều quá, thay vào đó đi làm từ thiện đi cúng dường hồi hướng lại cho hương linh để người đó nhận.
Cho nên đừng kẹt vào chuyện chôn tốt hay thiêu tốt. Ở vùng mình sống mà hợp với cái nào thì mình tùy duyên làm theo cái đó, không có chỗ thì thiêu, đất rộng không có lò thiêu thì chôn, quan trọng là đừng chấp vào thân của mình.
Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp