Hổ dữ trong trang trại

5/01/2022 12:22
Trong quyển sách “Những mẫu chuyện hài hước trong ứng xử của người Do Thái” có câu chuyện.

Có một người nông dân sau thời gian dài làm việc cật lực ông đã có được một gia tài, đó là một trang trại. Trong trang trại, ông trồng rất nhiều loại ngũ cốc và có một chuồng nuôi ngựa. Hôm kia có con hổ, trông rất dữ tợn đang phóng nhanh về hướng trang trại của ông. Nhìn thấy con hổ người nông dân thầm nghĩ rằng: “Con hổ này có bộ lông thật đẹp, nếu ta bắt nó, lấy được bộ lông của nó đem đi bán thì chắc chắn sẽ được rất nhiều tiền”. Nghĩ như vậy ông mở cửa trang trại và dụ con hổ vào trong. Khi con hổ đã bị dụ vào, ông đóng cửa lại và nhốt nó ở trong trang trại, dự định sẽ tìm thời cơ bắt nó. Thế nhưng khi nhận ra mình đang bị giam cầm, đối diện với nguy hiểm nên con hổ lại càng trở nên hung hăng hơn, nó lồng lộn lên chạy quanh khắp trang trại, đầu tiên nó phá nát hết những hoa màu, ngũ cốc mà người nông dân đã trồng, rồi nó lao vào chuồng ngựa và ăn thịt hết đàn ngựa của người nông dân. Câu chuyện được dừng lại ở đây. Chúng ta không biết liệu người nông dân có bắt được con hổ hay không nhưng những thiệt hại mà người đó phải gánh lấy lớn hơn rất nhiều lần giá trị của một tấm da hổ. Câu chuyện này xét theo quan điểm của người thế gian đã đem lại cho ta rất nhiều bài học. Nhưng nếu lấy nhãn quan của đạo Phật soi chiếu vào, câu chuyện cũng mang đến nhiều kinh nghiệm cho chúng ta trên bước đường tu học.

  1. Cái nhìn trên quan điểm của người thế gian:

Xét về mặt thế gian câu chuyện cho ta bài học: đừng vì những lợi ích trước mắt mà quên đi những hậu quả sau này. Hay đừng vì những lợi ích nhỏ mà sẽ gây ra những hậu quả lớn. Không giống như người nông dân trong câu chuyện trên, thông thường một người khi thấy hổ dữ đang lao vào nhà mình, thì người đó phải khóa cửa thật chặt, không để cho con hổ vào được nhà mình. Có như vậy mới bảo vệ được bản thân và bảo vệ được tài sản của mình. Ngược lại người nông dân trên lại mở rộng cửa đón hỗ dữ vào như vậy là việc làm của người không có trí tuệ.

Có những người vì lợi ích cho bản thân mình mà sẵn sàng làm mọi việc, không từ bất kỳ thủ đoạn nào, làm cả những việc xấu ác, không cần biết phải hãm hại bao nhiêu người, miễn có lợi cho mình là được. Ví dụ như những người buôn bán ma túy, vì thấy được lợi nhuận khổng lồ mà ma túy đem lại nên họ đã sản xuất, tàng trữ và buôn bán cái thứ độc chết người này. Lúc này con người bị đồng tiền làm lóa mắt, che mờ hết lý trí, đâu hề nhìn thấy hậu quả phía sau là bản thân bị tù tội, tử hình và còn gieo biết bao nhiêu đau khổ cho con người, cho nhiều gia đình phải ly tan, làm cho cộng đồng xã hội trở nên bất an. Hay những người phá rừng chỉ nhìn thấy lợi ích từ việc khai thác tài nguyên rừng sẽ đem đến nhiều lợi nhuận. Họ đâu có quan tâm đến việc phá quá nhiều rừng lại không trồng rừng mới sẽ gây ra nhiều mối nguy hại đến môi trường. Những loài động vật bị mất nhà ở. Không có rừng che chắn thì những thiên tai như bão, lũ lụt sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn. Phá rừng quá nhiều còn là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất nóng lên làm tan băng ở hai cực sẽ gây ra ngập lụt. Đây là những ví dụ cho thấy có những con người chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà không cần quan tâm đến hậu quả về sau. Ngược lại nếu như là người nông dân có trí tuệ biết khóa chặt cửa để bảo vệ bản thân và bảo vệ tài sản thì cũng như những người tuy thấy được những lợi ích trước mắt nhưng đồng thời cũng thấy rõ ràng hậu quả sẽ phát sinh về sau. Những người đó sẽ không bao giờ làm những việc gây nguy hại này. Trên đây là cái nhìn của câu chuyện về mặt thế gian.

  1. Cái nhìn trên quan điểm của đạo Phật:

Về cái nhìn của đạo Phật, một người mà nhốt hổ dữ trong nhà cũng giống như người đang chất chứa thuốc độc ở trong tâm. Thuốc độc được nói ở đây chính là lòng tham lam, sân hận, ngã mạn, kiêu căng, tự cao,…. Đây là những loại thuốc độc, độc hơn tất cả những loại độc ở thế gian. Thuốc độc ở đời thường sau khi uống phải nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong, nhưng chỉ chết một đời này và nếu có thuốc giải thì có thể được lành bệnh. Ngược lại những loại độc nói trên nếu chúng ta không may vướng vào thì không có thuốc nào chữa trị được, người mắc phải loại độc này thì trầm luân sanh tử, trôi lăn sáu đường không biết bao giờ ra khỏi. Giống như việc nhốt hổ dữ trong nhà thì tài sản bị tiêu tán mà tính mạng cũng khó bảo toàn. Người nông dân muốn bảo vệ bản thân và những tài sản còn xót lại thì chỉ có cách là phải đuổi hổ ra khỏi nhà. Cũng vậy người tu theo đạo Phật muốn loại bỏ những thứ độc dược này cũng không có cách nào khác ngoài việc nương theo giáo pháp đức Phật, nương theo những lời Phật được để lại trong kinh điển, tinh tấn hành trì. Đó là liều thuốc giải duy nhất, chuyển hóa hết thảy các loại độc dược.

Như người tham lam tài sản vật chất thì được Phật dạy phương pháp bố thí. Đem những tài sản của mình san sẻ, giúp đỡ cho người khác. Nhờ bố thí mà con người ta dần mở lòng mình ra, không còn nghĩ gì riêng cho bản thân mình mà biết quan tâm đến người khác. Nhờ đó mà tính tham lam, hay muốn tích chứa tài sản cũng dần dần được tiêu trừ. Trong thời điểm hiện tại khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp nơi, chúng ta cảm thấy rất ấm áp khi có những con người có tấm lòng bao la rộng lớn khi thấy cảnh khổ của người khác, những người bị mất việc làm, không có gì để sinh sống qua ngày đã trích một phần tài sản của mình mua lương thực, thực phẩm đem đến cho những người thiếu thốn, giúp đỡ cho họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Việc làm đó chính là thể hiện tinh thần bố thí, tương thân tương ái của đạo Phật.

Người nào có lòng sân hận, hay nóng giận thì Phật dạy quán từ bi, yêu thương hết những người xung quanh. Yêu thương từ người thân của mình cho đến yêu luôn những người sống xung quanh mình. Người thương mình thì mình thương lại, người ganh ghét mình, hãm hại mình thì có thể mình chưa thương yêu họ được nhưng không bao giờ chúng ta khởi lên ý niệm ganh ghét, hãm hại họ. Nhờ thực tập phương pháp quán từ bi, tình thương của ta càng rộng lớn thì sân hận, nóng giận càng bị tiêu mòn. Lòng sân là lửa dữ, từ bi thương yêu chính là suối nguồn thanh lương. Chỉ có nước mới dập tắt được lửa, cũng vậy chỉ có từ bi mới chuyển hóa được sân hận.

Đối với người kiêu ngạo, tự cao , không coi ai ra gì, “Mục hạ vô nhân” dưới mắt mình không còn ai, hay coi mình là người giỏi nhất, là trung tâm của vũ trụ. Đối với những người như vậy thì Phật dạy phải sống biết khiêm hạ, phải thường xuyên quán sát nhìn thấy những cái tốt của người và những cái chưa tốt của mình. Nhìn thấy những gì người đã làm được mà mình chưa làm được. Nhờ thấy được như thế thì hiểu rằng còn có rất nhiều người hơn mình, mình không có gì giỏi giang hơn ai cả. Được như vậy thì tâm tự cao, tự đại dần được giảm bớt. Qua đây chúng ta thấy nhờ nương lời Phật dạy giúp ta chuyển hóa thuốc độc thành lương dược, giúp giải thoát mình khỏi những khổ đau, đến được bến bờ an lạc, hạnh phúc.

Câu chuyện “Hổ dữ trong trang trại” đã mang đến cho ta nhiều bài học. Câu chuyện tuy không phải là một bài kinh trong hệ thống kinh điển đạo Phật, cũng không phải là lời Phật dạy nhưng tư tưởng của câu chuyện lại không khác gì so với tư tưởng của đạo Phật.

Tâm Thiện


Các tin tức khác

Back to top