Bạn Hương Nam thân mến!
Tùy duyên có nghĩa là các pháp tùy thuộc vào nhân duyên mà sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Khi đủ nhân (nguyên nhân chính), đầy duyên (các nhân phụ) thì sự việc (vật) thành; thiếu nhân, kém duyên thì sự việc (vật) chưa thành. Sự thành, trụ, hoại, không của thế giới, sự vật, hiện tượng; sự thịnh, suy, được, mất hay sinh, lão, bệnh, tử của đời người hoàn toàn tùy thuộc vào nhân duyên.
Bởi có quá nhiều nhân duyên cho một sự thành công nên không ai có thể nói trước bất cứ điều gì. Người biết sống tùy duyên thì những nhân duyên nào trong khả năng của mình hãy cố gắng làm cho thật tốt, còn những nhân duyên khác có tính khách quan thì hy vọng, mong cầu thuận lợi. Người xưa đã khái quát về sự thành công cần phải hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Khi biết các pháp đều tùy thuộc nhân duyên mà tốt hay xấu, thành công hay thất bại nên chúng ta chủ động nỗ lực tạo ra các nhân duyên tốt, tích cực để mong nhận được quả báo tốt đẹp. Về sau nếu thành công thì chúng ta cũng không quá tự hào, vì biết duyên lành đã tròn đủ. Hoặc sau khi đã hết sức cố gắng mà sự việc vẫn không như ý thì mình cũng an nhiên, hoan hỷ với thực tại vì chưa đủ duyên.
Cho nên quan niệm sống tùy duyên trong Phật giáo không hề “thụ động, tiêu cực vì tợ như buông xuôi, phó mặc cho chuyện gì đến sẽ đến” như bạn nghĩ. Ngược lại, biết tùy duyên là tâm thái sống minh triết, chủ động và tích cực chuyển hóa để đi đến thành công, đặc biệt là khả năng chấp nhận thực tại, an nhiên trước mọi biến động thuận nghịch, thăng trầm vốn dĩ của cuộc đời.
Chúc bạn tinh tấn!