Bạn Thiện Phước thân mến!
Thời Đức Phật tại thế, chưa có pháp danh, pháp tự, pháp hiệu. Các Tỳ-kheo ở đời mang tên gì, khi vào đạo vẫn giữ nguyên tên đó như Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp.
Khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, ngài Đạo An (312-385) đề xuất lấy họ của Đức Phật (họ Thích-Sakya) làm họ cho người xuất gia, ngài cũng đổi tên là Thích Đạo An. Từ đây về sau, người xuất gia (Trung Quốc và các nước ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc) bắt đầu mang dòng họ Thích.
Tại Việt Nam, các vị thiền sư thời Lý-Trần (theo Thiền uyển tập anh) thường dùng pháp hiệu. Các Thiền sư Viên Chiếu (thế danh Mai Trực), Thiền sư Không Lộ (thế danh Nguyễn Minh Không), Ni sư Diệu Nhân (thế danh Lý Ngọc Kiều)… đều dùng đạo hiệu-pháp hiệu và không mang họ Thích.
Thời Nguyễn, các vị tổ sư, thiền sư thuộc dòng Lâm Tế, Tào Động tuy có pháp danh, pháp hiệu nhưng sử sách vẫn không ghi họ Thích mà thường ghi Tổ sư Nguyên Thiều, Thiền sư Liễu Quán, Thiền sư Chân Nguyên… Mãi đến đầu thế kỷ XX, họ Thích mới được sử dụng phổ biến. Chư vị Tăng Ni đều gắn họ Thích trước pháp danh, pháp tự, pháp hiệu của mình.
Tại các buổi lễ, khi giới thiệu Hòa thượng Thích A B, để tỏ lòng quy ngưỡng và cung kính nên thường giới thiệu là Hòa thượng thượng A hạ B, kế sau là chức vụ. Trường hợp này, họ Thích được giản lược. Các vị Thượng tọa và Đại đức thường được giới thiệu trân trọng là Thượng tọa (Đại đức) Thích C D. Tên của chư vị tôn túc được giới thiệu hầu hết là pháp hiệu.
Pháp danh (húy) do bổn sư đặt khi thế phát xuất gia. Pháp danh được đặt theo phả hệ truyền thừa của mỗi dòng phái. Người am hiểu về kệ truyền thừa của các dòng phái, khi nghe pháp danh có thể nhận ra nguồn gốc thuộc dòng phái nào, đời thứ mấy. Đến khi thọ giới Sa-di, bổn sư ban cho pháp tự. Có những vị bổn sư xuất kệ, sau đó đặt pháp tự cho từng lớp (lứa) đệ tử theo bài kệ. Nhiều vị bổn sư không xuất kệ, tùy theo lớp đệ tử mà đặt pháp tự (có chữ đầu tiên) khác với lớp sau. Thường thì pháp tự được dùng trong khoảng thời gian từ Sa-di cho đến khi thọ giới Tỳ-kheo (hoặc cho đến khi có pháp hiệu).
Sau khi thọ Cụ túc giới, chính thức trở thành Tỳ-kheo thì bổn sư ban cho pháp hiệu. Trong một vài trường hợp, pháp hiệu có thể do những vị y chỉ sư, giáo thọ sư hay chư Tăng ban tặng, hoặc cũng có thể tự xưng rồi sau đó trình lên các bậc thầy và được xác chứng. Pháp hiệu được bổn sư hoặc chư Tăng ban cho thường dựa vào công hạnh hoặc một đặc điểm nổi bật nào đó của vị Tỳ-kheo.
Từ đây về sau, pháp hiệu được chư Tăng Ni sử dụng trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp vị Tăng Ni không có pháp hiệu, pháp tự hoặc tuy có pháp hiệu, pháp tự nhưng vẫn sử dụng pháp danh. Việc dùng pháp danh, pháp hiệu hay pháp tự là do chủ kiến cá nhân của mỗi vị Tăng Ni hoặc do tập quán của chư Tăng Ni ở từng khu vực, vùng miền. Đa phần thì chư tôn đức Tăng Ni dùng pháp hiệu.
Trong tang lễ hay các lễ tưởng niệm (húy nhật-giỗ) của các vị Hòa thượng, vị chủ lễ xướng: Lâm Tế chánh tông, vị này thuộc tông Lâm Tế (do Thiền sư Lâm Tế-Nghĩa Huyền [? – 866/867] khai sáng tại Trung Quốc). Tứ thập nhị thế nghĩa là đời thứ 42, tính từ Thiền sư Lâm Tế. Húy thượng A hạ B chính là pháp danh, tự C D là pháp tự, hiệu G H là pháp hiệu của Hòa thượng.
Chúc bạn tinh tấn!