Niềm vui an lạc bên những người thân yêu (ảnh Thiện Hảo)
Trong kinh An Trú Tầm đức Phật từng dạy cho chúng ta buông bỏ khó khăn bằng cách lấy điều tốt, đẹp thay vào điều xấu, dỡ. Ví dụ như một người thợ mộc dùng con chốt mới, tốt đánh bật con chốt hư xấu, cũ kĩ ra ngoài. Rồi thay vào đó bằng một con chốt mới và tốt hơn.
Trong căn phòng nhỏ, tôi thường đặt chiếc ghế kế bên ô cửa sổ để thỉnh thoảng sau những phút giây mệt mỏi, huyên náo nơi tâm hồn, tôi tìm đến chiếc ghế và tập ngồi thật yên. Có khi tôi ngồi yên chỉ để ngắm nhành me; có khi ngồi yên để phơi mình dưới ánh bình minh; có khi ngồi yên để nghe khúc nhạc; có khi ngồi yên để uống trọn tách trà; có khi ngồi yên để tận hưởng sự bao la của không gian và làn gió mát lướt qua dễ chịu. Những khoảng lặng đó tôi tự hỏi: hạnh phúc thế nầy, ta còn mong muốn gì nữa đây, Sao lắm lúc ta lại thấy buồn? thật lạ! Tôi hiểu cho tâm trạng buồn của mình. Tôi buồn bởi tôi còn muốn đi tìm. Bạn sẽ hỏi tôi tìm gì? Tất nhiên cái tìm của tôi khác với cái tìm của bạn. Sự ưu tư của tôi khác với sự ưu tư của bạn. Tôi không chấp nhận sự an bài mà chúng ta hay nói “đây là hạnh phúc”.
Nhìn thực tế thì hạnh phúc thật, nhưng hạnh phúc đó có tháo gỡ được những khó khăn trong lòng mình không hay hạnh phúc đó chỉ là hạnh phúc mông lung do bên ngoài đem lại rồi ta tưởng chừng như sự sống của cuộc đời. Hạnh phúc chợt đến, chợt đi, con người chúng ta không dễ gì tìm được hạnh phúc trọn vẹn và tồn hằng. Có chăng là những hạnh phúc do hương vị quán chiếu thiền tập chuyển hóa, tháo gỡ khó khăn trong nội tâm mang lại. Nếu đã dùng từ “tháo gỡ” ắt hẳn buồn vui lẫn lộn có mặt trong đời này.
Cuộc sống vốn đa chiều. Tâm tính con người cũng đa chiều. Và tôi ngồi hoạch định cho sự suy nghĩ của mình. Một con người muốn đứng vững, kiên định lập trường thì cuộc sống đôi lúc dẫu có bội bạc, khổ đau, sầu muộn đến đâu đều có lợi. Vì nó là những nếm trải trắc nghiệm cho ý chí và nghị lực vươn lên giữa đời. Bạn đã từng nghe bài thơ.
“Không đau khổ lấy chi làm chất liệu
Không buồn thương sao biết chuyện con người
Không nghèo đói làm sao thi vị hóa
Không lang thang sao biết nắng mưa nhiều”.
Nhờ dòng trầm tư, chiêm nghiệm, tôi tiếp nhận nốt giây rung động giao cảm tâm hồn. Tôi không muốn phô diễn, luận bàn bài thơ - và chúng ta hãy cảm nhận bài thơ theo ý nghĩ riêng mình. Mọi triết lý nhìn nhận sâu sắc nhất trong đời sống sẽ bắt đầu từ điểm nhận thức rõ thực tại, lắng dịu bình an nơi thân lẫn tâm. Chính yếu tố “bình an cơ thể, "bình an tâm hôn" đưa tôi vỡ lẽ: tại sao "niềm vui qua mau, buồn đau nhớ dài". Những hoài niệm trong trẻo về dĩ vãng một thời luôn là động lực cho tôi hướng về phía trước. Tôi không thể níu kéo thời gian. Thân tôi một ngày mỗi cằn cỗi già nua.
Thời gian nuôi tôi lớn khôn, chín chắn, chững chạc như sự hoán đổi hợp lệ quy luật lẽ sống.
Và tôi muốn đem những yếu kém, vụng dại nơi bản thân phơi trước mặt để dễ dàng tiếp nhận mọi ý kiến xung quanh mà sửa chữa, là cơ hội hoàn thiện bản thân mình. Một em bé sở dĩ thường vụng dại bởi em chưa sống nhiều với thời gian. Cũng như tôi lúc nhỏ hễ ai chê bai, soi chiếu khuyết điểm trúng “tim đen” thì tập khí liền phản ứng. Sau này tôi mới vỡ, có phản ứng tức có khuyết điểm. Giống như người say rượu hay chối bỏ: không, tôi không say. Nhưng thực tế thì đang say.
Mỗi ngày dành ít thời gian trầm tư về đời sống là mỗi ngày tôi đang tập làm mới bản thân. Sống hai bốn giờ trong ngày tôi tiếp thu vào khối óc biết bao buồn vui, giận hờn, tham đắm, quyến luyến… cho nên tôi phải dành thời gian ngồi yên để gạn lọc các thứ mình đưa vào cơ thể; khéo léo chuyển hóa chúng như người nông phu thuần thục chuyển rác thành hoa. Tôi không còn mong, mơ ước, viễn tưởng những thứ cao xa mà mỗi người đều có quyền…Tôi chỉ muốn sống đời sống đơn giản, đạm bạc trong đó còn thấy mặt của những người mình thương, mình quý.
Gần đây, thỉnh thoảng tôi mở CD nhạc, một bài hát nhan đề tôi rất thích “Buồn ơi ta xin chào mi”, gợi tôi hình ảnh “xin gọi đúng tên tôi”. Tôi thầm cười trong lúc nghe nhạc và đưa tay lên biểu thị động tác vẫy chào. Nếu ai có những buồn đau, khúc mắc tâm hồn không nơi giải bày, cách thực tập hay nhất là gợi lên hình ảnh đã trực tiếp hay gián tiếp làm mình buồn rồi nghĩ đến nó trong khi mỉm cười và nói: “buồn ơi, tạm biệt mày”. Nghe ra có vẻ ngộ nghĩnh thật, nhưng thực tế rất hiệu quả. Đây là phương pháp trị liệu tâm lý tuyệt vời nhất tôi đã được học từ một Thiền sư am hiểu nghệ thuật sống.
Thiền sư chia sẻ , khẳng định dứt khoát rõ ràng “những gì tôi nói được thì tôi làm được”. Trong kinh An Trú Tầm đức Phật từng dạy cho chúng ta buông bỏ khó khăn bằng cách lấy điều tốt, đẹp thay vào điều xấu, dỡ. Ví dụ như một người thợ mộc dùng con chốt mới, tốt đánh bật con chốt hư xấu, cũ kĩ ra ngoài. Rồi thay vào đó bằng một con chốt mới và tốt hơn. Cũng vậy, ta buông bỏ một niềm đau bằng cách thay vào đó một niềm vui. Cơ thể ta thường có bản tánh lăng xăng ta hãy tập ngồi yên. Thương đối tượng nào đó bằng tình thương chiếm hữu khiến ta vướng mắc, ta hãy tấp sống với tình thương không vướng mắc, không vị kỷ.
Mỗi người nếu biết chế tác niềm vui trong đời sống thì nỗi buồn, niềm đau như nước chảy lá môn, nó không tồn đọng lâu nơi ý nghĩ mình. Tôi đang đi, hít thở thứ không khí tự do đất trời. Thời gian sẽ chữa lành mọi buồn đau nơi tâm hồn tôi. Thời gian là gì? Là một đóa hoa hồng đẹp nhưng thân đầy gai. Tự nhủ lòng hãy bước đi vững chãi, sống với điều đáng sống cho hôm nay và mai sau, dẫu đời khốn khó.
Hồng Bối
Các tin tức khác
- Mục tiêu của sự sống? (13/12/2013 10:10)
- Những dấu lặng (13/12/2013 5:55)
- Câu chuyện về chú ếch bị điếc (13/12/2013 1:51)
- Công đức và phước đức khác nhau như thế nào? (11/12/2013 6:06)
- Câu chuyện về cây chuối (11/12/2013 5:11)
- Giữ gìn tâm ý như thế nào? (10/12/2013 12:35)
- Hãy học cách cho trước khi muốn nhận ( 9/12/2013 3:39)
- Tác hại của niềm tin mê lầm ( 9/12/2013 2:09)
- Một cái cây ( 8/12/2013 3:13)
- Trồng cây “ăn thịt” có phạm giới sát sanh? ( 7/12/2013 2:10)