Làm thế nào để bảo vệ môi trường?

27/11/2022 7:36
Câu hỏi: Con đang công tác ở mảng giáo dục môi trường thuộc khu vực vườn quốc gia Cát Tiên. Làm thế nào để đem tuệ giác của đạo Bụt, lời dạy của Sư Ông để chia sẻ và phổ biến sự thực tập bảo vệ môi trường vào các trường học cấp hai, cấp ba và cộng đồng dân cư xung quanh nơi con đang sinh sống và làm việc?

Sư Ông trả lời:

Có sự liên hệ mật thiết giữa con người và các loài động vật, thực vật và khoáng vật. Theo lịch sử phát triển của sự sống thì con người xuất hiện trên trái đất rất là trễ. Đầu tiên là loài thảo mộc, sau đó là động vật và cuối cùng là con người. Vì vậy cái gốc của con người là từ các loài thực vật, động vật và khoáng chất. Nếu mình không bảo hộ môi trường. Nếu mình không bảo hộ các loài động vật, các loài thực vật, tàn phá sự sống các loài động vật, làm cho chúng diệt chủng, tàn phá rừng, tàn phá cây cối. Sử dụng toàn xi măng cốt thép, làm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và đất đai. Đó là mình đang làm hư nền tảng của chính mình. Nền tảng của con người là ở động vật, thực vật và khoáng vật. Nếu mình làm hư hoại nền tảng của mình thì tương lai của mình cũng bị tiêu diệt luôn. Cho nên mình phải bảo hộ môi trường. Bảo vệ sinh môi là bảo vệ con người. Đó là cái thấy sâu sắc.

Trong kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, đức Thế Tôn nói rằng có bốn ý niệm mà mình phải chuyển hóa, đó là ý niệm về ngã, chúng sanh, thọ mạng và con người. Ý niệm về ngã là ý niệm rất nguy hiểm, nó chia cách giữa mình và người khác. Ví dụ giữa mình và cha mình. Mình và cha mình không phải là hai người khác nhau. Mình là sự tiếp nối của cha mình, trong mình có cha mình. Mình nghĩ mình là người khác và cha là một người khác, hai người hoàn toàn khác nhau là không đúng. Đó không phải là hai, đó là sự tiếp nối lẫn nhau. Cây bắp là tiếp nối của hạt bắp. Mình tách rời hạt bắp, cho hạt bắp là một cái khác và cây bắp non là một cái khác là không đúng. Vì vậy ý niệm ngã là sai, phải lấy nó ra. Ý niệm thứ hai là con người (ý niệm nhân). Con người được làm bằng yếu tố không phải con người, đó là các loài động thực vật và khoáng vật. Mình đừng tưởng con người có thể sống sót được nếu không có các loài động, thực vật và khoáng vật. Vì vậy con người có trí tuệ thì phải biết bảo hộ các loài động thực vật và khoáng vật.

Kinh Kim Cương là một kinh rất xưa, dạy về môi trường và bảo hộ sinh môi. Đó là một văn bản xưa nhất của nền văn học thế giới dạy về bảo vệ môi trường và sinh môi rất hay. Ý thức bảo vệ sinh môi của Người Việt rất thấp. Đi xe hơi, tôi thấy bao ni lông vứt khắp nơi. Tệ nạn khai thác rừng bừa bãi và chặt phá cây, làm ô nhiễm sông hồ quá nhiều. Như vậy là mình tự tử, con người đang tự tử trong khi làm như vậy. Tự tử một cách từ từ, nếu các loài bị diệt chủng, sông hồ bị ô nhiễm, cây cối bị đốt hết và rừng bị tàn phá thì con người không thể sống được lâu.

Bảo hộ sinh môi, giữ gìn phát triển hệ sinh thái là công việc của tất cả mọi người. Trong gia đình, cha mẹ có thể nói chuyện với con cái về bảo vệ sinh môi, tức là môi trường của sự sống. Trong trường học, thầy cô giáo phải dạy học trò về công tác bảo vệ sinh môi. Trong khu phố, xóm làng phải có các buổi họp giáo dục về sinh môi, vì ý thức bảo vệ sinh môi của người việt rất thấp. Nếu quý vị có dịp qua Đức thì sẽ được thấy bên đó các thành phố rất sạch, họ bắt đầu không dùng bao ni lông. Phải mất hàng trăm năm bao ni lông mới có thể tiêu hủy được. Bây giờ mỗi khi đi chợ mua hàng là người ta xách theo túi vải. Khi ăn cơm dùng chén đĩa bằng nhựa thì không tốt; dùng chén dĩa bằng sành sứ hoặc đất nung thì tốt hơn. Nếu dơ thì mình đem đi rửa. Như vậy sẽ tốt hơn là dùng những loại làm bằng nhựa. Trên thế giới có những đất nước mà ý thức bảo vệ sinh môi rất cao. Chẳng hạn như nước Đức. Chuyến về Việt Nam lần trước cũng như lần này, tôi thấy ý thức bảo vệ môi trường của dân mình còn rất thấp. Mình chưa đủ tinh thần trách nhiệm.

Tôi kêu gọi tất cả các bậc phụ huynh, các thầy và cô giáo cũng như các vị trong ủy ban nhân dân, các vị trong quốc hội, các vị lãnh đạo trong đảng và nhà nước, mỗi người phải đóng góp một phần của mình để nâng cao ý thức về sinh môi. Chúng ta hiện đang cố gắng duy trì một số lâm viên quốc gia để bảo tồn sinh môi như là Cúc Phương,…vv. Việc làm đó rất tốt. Khi có dự án phóng làm đường giao thông đi ngang qua những khu vực đó, chúng ta phải chống lại và tranh đấu để bảo hộ sinh môi. Ở các nước như Pháp, Đức và Anh, người ta bảo hộ sinh môi tích cực lắm. Người ta bảo hộ các loài động vật nhiều lắm. Bên Anh có một hội chuyên bảo hộ thú vật, vì thú vật đau khổ nhiều, bị lợi dụng và tàn sát bị đem ra làm thí nghiệm rất nhiều. Có một tổ chức giải phóng thú vật ( animal liberation fund) và mình nghe được những tiếng đau thương của các loài thú vật. Đất nước mình có gốc là Phật giáo, ngày xưa tổ tiên chúng ta đã xây dựng đất nước trên nền tảng từ bi của đạo Phật. Bây giờ mình không làm được như những nước Âu Châu thì rất là dở. Vì vậy những người Phật tử phải đóng góp thật nhiều trong công tác giáo dục nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. 


Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top