Con người gặp nhau đều do cái duyên từ vô lượng kiếp, và tất nhiên trong những mối quan hệ ấy có thể là ân mà cũng có thể là oán. Tôi đã có lần ứng xử vụng về nên khiến chị bạn làm chung phải rơi lệ.
Các bạn sinh viên thi đại học hồn nhiên vui tươi trong chương trình tiếp sức mùa thi tại chùa Bửu Đà Q.10 HCM (ảnh Chùa Bửu Đà)
Chị bạn làm chung có một đứa con khá nghịch ngợm và dường như bé ‘khờ’ hơn so với các bạn cùng tuổi, nên những gì bé gây ra thường làm cho người khác phiền lòng. Hôm ấy, tôi đến công ty như mọi ngày, chưa kịp đặt túi xách vào chỗ ngồi thì đã có người kéo ra nói nhỏ: “Con bé ‘khờ’ tối qua lấy đồ ăn trong kho hàng mà không ăn, chỉ cắn một miếng rồi bỏ lại, em lên báo với giám đốc đi”. Lúc đó tôi cũng không quan tâm lắm, vì nghĩ món đồ ăn đó không mấy giá trị.
Mọi thứ cũng chưa có gì nghiêm trọng cho đến khoảng tầm trưa, tôi lên phòng sếp, báo cáo sơ qua về vài việc và tôi cũng vui vì mình đang làm tròn công việc được giao. Không hiểu sao khi ấy tôi lại bàn chuyện ngoài lề, tỉ tê mãi cuối cùng là nhắc tới chuyện bé ‘khờ’. Sếp nghe xong liền cho gọi mẹ của bé lên phòng để nói chuyện. Câu chuyện đó diễn ra như thế nào thì tôi không được nghe, nhưng kết thúc câu chuyện đó là một màn đấu khẩu giữa mẹ bé ‘khờ’ với những người được nằm trong diện nghi vấn vì đã dám nói về đứa con của mình như vậy.
Chị ấy đã khóc và tôi cũng rất buồn, khi đó tôi chỉ muốn lên tiếng thú nhận hành động không tốt của mình nhưng không dám, chỉ e là lời nói sau khi thốt ra rồi sẽ khó lấy lại được. Nếu tôi nói ra sự thật thì mẹ bé sẽ nghĩ là tôi không ở lại thì làm sao biết chuyện đã xảy ra tối qua, chắc có người nói lại, sẽ truy tìm, mọi chuyện sẽ rối tung hơn. Vì vậy, tôi im lặng mà nghe lòng dằn vặt vô cùng. Chị nói với tôi là muốn nghỉ làm vì mọi người nghi ngờ chị. Tôi thấy khổ tâm quá mà chẳng biết phải làm thế nào nữa, chỉ biết thở dài và tự sám hối về tội của mình suốt ngày hôm ấy.
Buổi tối, không chỉ dọc đường về nhà mà thậm chí trước khi đi ngủ, tôi cứ suy nghĩ, ân hận về việc làm chưa tốt của mình với chị. Bất chợt, điện thoại reo khiến tôi giật mình, không ai xa lạ, sếp gọi cho tôi và hỏi tôi đang làm gì, tôi nói rằng: “Em đang sám hối về việc làm của mình, chị à!”. Sếp an ủi và động viên tôi hãy vui lên vì mọi chuyện đã được sếp giải quyết ổn thỏa.
Sếp chỉ cho tôi, nếu lần sau mà có sự việc tương tự xảy ra thì tốt nhất là gặp người “bị nạn” để báo cho họ biết, giúp họ gỡ rối. Cụ thể, nếu lúc đó tôi gặp mẹ bé ‘khờ’, báo lại sự việc và nhờ mẹ bé thanh toán tiền thì sẽ chẳng có chuyện gì phức tạp, mà còn có thể đóng kín được “mấy cái loa phát thanh” chuyên phát những thông tin gây phiền lòng trong nội bộ nhân viên. Nghe xong, tôi thầm cảm ơn vì mình đã gặp được một người lãnh đạo có thiện tâm này.
Buổi sáng hôm sau gặp mẹ bé ‘khờ’, tôi liền nói lời xin lỗi và mong chị thông cảm, chị đã vui vẻ đón nhận khiến tôi nhẹ lòng. Tôi nhận ra được giá trị của sự chân thành trong cách đối nhân xử thế giữa người với người. Nếu không quá chú trọng đến lợi ích của mình, biết trân trọng người khác thì sẽ góp ý cho nhau để cùng sống và làm việc chung an lạc.
Quả thật, dù mình có nghèo khổ như thế nào đi nữa, vẫn có thể trao tặng cho người khác những món quà vô giá xuất phát từ sự thông cảm, thương yêu lẫn nhau… qua lời nói, hành động nhân ái, đúng như câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Không chỉ vậy, đó còn là cách để hóa giải những nghiệp xấu khi chúng kéo đến để làm tổn hại mình.
Duyên Ngộ
Các tin tức khác
- Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh (10/01/2014 1:08)
- Có nên rút bớt chân hương cho sạch? ( 9/01/2014 10:26)
- Làm sao tránh khỏi tâm sân hận ( 8/01/2014 11:16)
- Điều phục vọng tưởng ( 8/01/2014 5:21)
- Thuật xử thế của người xưa - chuyện số 1 ( 7/01/2014 10:49)
- Thuật xử thế của người xưa - chuyện số 5 ( 7/01/2014 10:48)
- Thuật xử thế của người xưa - chuyện số 6 ( 7/01/2014 10:47)
- Thuật xử thế của người xưa - chuyện số 8 ( 7/01/2014 10:45)
- Thuật xử thế của người xưa - chuyện số 14 ( 7/01/2014 10:44)
- Thuật xử thế của người xưa - chuyện số 18 ( 7/01/2014 12:51)