Các cách sử dụng chiếc bè

29/01/2014 3:29
Trước khi sang được bờ bên kia sông, vị đạo sư cao thượng đã từng bị con sông làm cho khổ lụy: nào là nước lụt của sông dâng lên quá cao không thể vận chuyển đây đó dễ dàng và nhất là không thể vượt sang bờ kia sông được.

Sau sáu năm công phu tu tập, bằng mọi phương pháp, kể cả phương pháp khổ hạnh ép xác, cuối cùng vị đạo sư đã giác ngộ, thành tựu đạo quả, vượt qua khỏi thác lũ của sông bên này.

Vì thương tưởng đến những người còn lại ở bên kia sông sống trong tình trạng không biết đến ngày mai, đã không quản gian khó làm hàng trăm chiếc bè với kích cỡ hình thù và màu sắc khác nhau, gởi tặng cho những người còn bên kia sông.

Trong số những người bên kia sông đến nhận các chiếc bè, có các nhà thi sĩ, nhà họa sĩ, nhà du lịch đó đây, nhà trang trí nội thất, nhà thương buôn và các tu sĩ nữa.

Nhưng có nhiều người không thèm nhận bè để sang sông vì họ cảm thấy hài lòng với tình trạng lũ lụt của sông mà không chút bận tâm mơ tưởng gì cao xa hơn tình trạng sống hiện nay của họ.

"Cảm ơn vị đạo sư đã có lòng thương tưởng," nhà du lịch trầm trồ nhìn chiếc bè rồi nói. "Chiếc bè đẹp thật." Ông khen nức nở, rồi chất hành lý lên bè, đi du lịch đó đây trên vùng sông nước cho đến cuối đời mà không bận lòng chèo sang bờ bên sông.

"Cảnh trí sông nước giáp trời xanh thật là tuyệt!" nhà thơ tức cảnh sanh tình, lên thuyền cùng bạn bè thưởng ngoạn gió mát trăng thanh trên sóng nước cả năm này sang tháng nọ, mà không chán. Nhờ chiếc bè và cảnh trí đẹp, ông và bạn bè đồng thuyền với ông đã sáng tác hàng trăm bài thơ tình tứ có hồn và sâu sắc.

"Chiếc bè tốt này sẽ tuyệt đẹp nếu ta trang trí thêm cho nó!" nhà trang trí nội thất thầm nghĩ rồi bỏ ra nhiều ngày mua thêm nhiều vật liệu trang hoàng cho chiếc bè giống như một tòa lâu đài lộng lẫy di động trên sông nước. Ông và vợ con vô cùng hạnh phúc trên chiếc bè đã được bàn tay khéo léo của ông chăm sóc. Ông và gia đình không chèo thuyền đi xa mà chỉ ở quanh quẩn bên bờ này.

"Cám ơn vị đạo sư tốt bụng!" nhà thương buôn thầm nghĩ rồi mơ tưởng, "ta sẽ làm giàu bằng chiếc bè tốt này, đưa người du lịch đó đây và đưa người sang sông!" Rồi ông sống và làm giàu bằng cái nghề chở người đi đó đây để thưởng ngoạn cảnh sông nước bao la dưới trời trong xanh tuyệt đẹp.

"Cảnh trí thật là tuyệt vời! Ta phải vẻ cảnh nên thơ này!" nhà họa sĩ, không thèm nhận chiếc bè, thong thả ngồi xuống trên bờ sông, lấy giấy và bút ra vẽ cảnh chiếc bè ngao du trên sóng nước bao la. Tranh của anh tuyệt vời đến độ người ta đã bán đấu giá rất cao.

"Ta phải sang sông, để còn chờ người khác sang sông nữa," vị tu sĩ vội vã lên trên chiếc bè và mời nhiều người cùng lên, nhanh tay chèo sang sông. Sau khi sang sông, ngắm nhìn chiếc bè đã giúp mình thoát lũ, ông thả chiếc bè trở lại bên kia bờ, rồi không quên thầm nguyện: "mong sao mi chở thêm nhiều người sang sông nữa nhé!" Nói xong, ông tiếp tục lên đường.

Một số hành khách đi cùng bè với ông tỏ vẻ bất mãn, nói: "Chúng ta phải giữ chiếc bè này làm kỷ niệm. Tại sao chúng ta lại bỏ nó? Nó giúp chúng ta nhiều lắm!"

"Tại sao chỉ giữ để làm kỷ niệm, chúng ta hãy cùng nhau vác về nhà mà thờ chứ," một người khác bất đồng và lên tiếng đề nghị.

"Có lý lắm!" cả đám đông họa theo rồi khen, "anh nói đúng!"

Trong khi họ cùng nâng chiếc bè lên vai, vị tu sĩ đã đi mất dạng. Đám đông lặng lẽ nhìn nhau, rồi nhìn về bờ kia sông thấy cảnh các nhà thi sĩ, nhà họa sĩ, nhà thương buôn, nhà trang trí nội thất đang chòng chềnh trên mặt nước phong ba trước cơn gió dữ, và rồi nhìn thấy cảnh những người không có bè đang lặn hụp và bị sóng nước cuốn trôi!

 

Thích Nhật Từ

Các tin tức khác

Back to top