Do dự

3/12/2012 10:44
Một trong những kẻ thù của ý chí là sự do dự. Nó làm cho chúng ta phân vân, băn khoăn, và nhiều khi nhụt chí, muốn thoái lui. Làm thế nào để tránh khỏi hay vượt qua sự do dự để vững ý chí trên con đường chúng ta đã chọn? Việc này đòi hỏi chúng ta phải có những suy nghĩ thật thấu đáo về bản chất của những gì thuộc về chúng ta, về cái chúng ta đã chọn.

Trước hết, chúng ta phải hiểu vì sao lại có sự do dự. Phần lớn nó bắt nguồn từ những lo lắng, sợ hãi về sự mất mát hay thất bại mà chúng ta nghĩ tới (hay tưởng tượng ra) dựa trên những kinh nghiệm quá khứ của bản thân hoặc của người khác. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, vạn vật luôn biến động, thì những gì chúng ta hay người khác trải qua trong quá khứ thì chưa chắc đã lặp lại trong tương lai, và giả sử có lắp lại thì cũng trong một tình huống và hoàn cảnh hoàn toàn khác. Vì vậy, kinh nghiệm chỉ để chúng ta tham khảo, chứ không thể giúp trúng ta né tránh hay giải quyết được những vấn đề của tương lai. Nếu chúng ta cứ đắn đo, suy tính, lo lắng, sợ hãi không dám bước tới, thì chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội trải nghiệm và phát triển. Con đường phía trước chúng ta, những tháng ngày phía trước chúng ta luôn có những nguy cơ và cơ hội song hành như hai mặt của đồng xu. Việc chúng ta chọn mặt nào để đi lên, tránh mặt nào để không bị tổn hại hoàn toàn dựa vào khả năng “tùy cơ ứng biến” của ta mà thôi. Nếu chúng ta biết linh hoạt thì có thể biến nguy cơ thành cơ hội, ngược lại chúng ta có thể làm vuột mất cơ hội để gặp nguy cơ khác. Ví dụ như chúng ta phải chuyển sang một cơ quan mới do mâu thuẫn hay bất ưng ở nơi làm cũ thì cơ hội là những quan hệ mới, những thử thách mới để ta chứng tỏ bản thân, mà nguy cơ là những dư luận không hay từ nơi cũ có thể tổn hại tới ta. Nhưng nếu ta cứ nắm bắt những cơ hội mới để thành công, thì những nguy cơ kia không còn ảnh hưởng nhiều tới ta nữa, vì mọi người sẽ đánh giá ta bằng những gì ta làm được trong hiện tại, những lợi ích hiện tại mà ta mang lại cho họ mà thôi. Vì thế, hãy cứ bước tới và nắm bắt cơ hội.

Nhiều khi, chúng ta do dự vì không muốn buông tay, sợ mất đi những gì mình đã và đang có. Nhưng trong cuộc đời nếu biết buông tay bỏ đi cái cũ thì mới có thể nắm bắt những cái mới. Không phải theo kiểu “có mới nới cũ”, mà là biết “bỏ cái lỗi thời để lấy cái hợp thời”, hay “bỏ gánh nặng để nhận sự thanh thản” mà thôi. Như đứa bé bị kẹt tay trong cái lọ hoa hẹp cổ vì cứ cố nắm chặt đồng xu, nếu nó biết thả đồng xu xuống thì có thể rút được tay ra và vẫn có thể dốc ngược cái bình mà lấy lại đồng xu. Thật ra, như đồng xu ấy, những gì chúng ta đã và đang có sẽ không bao giờ mất đi khi chúng ta buông tay, nó vẫn hiện diện đâu đó quanh ta, ta có biết lấy lại nó mà sử dụng hay không là do ta mà thôi. Khi tôi từ bỏ mội trường quản lý, kinh doanh để đi dạy học, mọi người nghĩ rằng tôi dại dột đánh mất nhiều thứ, thật ra tôi có mất gì đâu: những kỹ năng, kiến thức và quan hệ tôi có trước kia đều được sử dụng cho việc dạy học đó thôi. Và việc dạy học lại đem lại cho tôi quan hệ, kỹ năng,kiến thức mới.

Nhiều khi chúng ta do dự không dám đối diện với sự thật, cứ nghĩ rằng nó sẽ ghê gớm lắm, sẽ phá hủy đi nhiều thứ lắm, Nhưng rõ ràng, sự thật thì vẫn là sự thật cho dù ta có cố tránh né. Nên đối mặt với sự thật, ta sẽ thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều. Có thể sự thật sẽ gây tổn thương cho chính ta và những người xung quanh, nhưng rồi vết thương nào cũng phải lành theo thời gian, và chúng ta vẫn phải sống tiếp. Chập nhận sự thật để sống tốt hơn, chứ không phải theo kiểu “giờ thì lật bài ngửa rồi, thế nào cũng được”.

Cuộc đời nhiều khi đẩy ta vào những lựa chọn, ta phân vân trước những nẻo đường với bao câu hỏi kiểu như: yêu hay không yêu, đi hay ở, làm hay bỏ v.v…Những lúc như vậy, ta rất cần một sự thấu hiểu bản thân: Ta là ai? Ta cần gì nhất ở cuộc đời này? Ta có thể làm gì tốt nhất để có thứ ta cần? và nếu không có nó, thì ta sẽ làm gì để vẫn sống tốt đẹp? Trả lời được những câu hỏi này, ta thấy sự chọn lựa sẽ dễ dàng hơn. Ta sẽ không do dự nữa mà thẳng tiến trên con đường ấy.

Cho dù con đường ấy có thể chông gai, có thể mịt mù, nhưng ta đã biết tại sao mình đi, biết mình cần đi như thế nào và trên con đường ấy ta cần làm những gì. Ta đặt ra cái đích ở cuối con đường, nhưng đừng quá chăm chú vào nó, mà hãy tập trung vào từng bước đi, từng đoạn đường ta sẽ đi qua mà thôi, bởi, kiểu gì thì “mọi con đường đều dẫn tới La Mã”. Như con đường tôi đã chọn và đang đi đây là một sự hy sinh và đánh đổi khá đau đớn với khởi đầu có vô vàn khó khăn, trục trặc, mà cái đích còn xa vời và chưa rõ ràng về giá trị của nó, nhưng tôi cứ đi tới. Bởi tôi biết mình đang đi trên con đường mình đã chọn, để làm những gì mình yêu thích, để sống cuộc sống của chính mình. Tôi nhìn vào những người đã đi trước hay đang đi cùng con đường này chỉ để tham khảo, bởi tôi biết mục đích của mỗi người đều khác nhau, cách đi khác nhau.

Nào, hãy thôi do dự, suy tính và mạnh dạn, vui tươi bước tiếp trên những con đường mình đã đi, và hãy luôn mỉm cười cho dù bất cứ điều gì xảy ra, để có ý chí vượt qua và chiến thắng tất cả.


Trích từ sách Hiểu Về Trái Tim - TG: Thích Minh Niệm


Các tin tức khác

Back to top