Đức Phật và Quỷ Ãlavaka

6/04/2013 5:29
Một thời đức Phật du hóa tại thành Ãlavi, khi ấy có một con Quỷ dữ tên Ãlavaka có tiếng giết người ăn thịt vô số.

Lúc ấy, đức Phật đến chỗ cư ngụ của Quỷ ngồi chờ, khi Quỷ về thấy đức Phật ở trong nhà, Quỷ lấy làm tức giận bảo Ngài đi ra, Ngài nghe lời Quỷ liền đi ra, Quỷ lại bảo đi vào, Ngài nghe lời Quỷ liền đi vào. Quỷ lại bảo đi ra, đi vào, cứ như thế ba lần, Ngài đều làm theo lời của Quỷ. Nhưng tới lần thứ tư, Ngài từ chối, bảo Quỷ:

- Ta không đi ra nữa, Ông muốn làm gì thì cứ làm.

Quỷ nói:

- Được, này Sa Môn, tôi hỏi nếu Ông không đáp được, tôi sẽ phân tán tâm Ông, tôi sẽ xé tim Ông, hoặc nắm chân Ông quăng tuốt qua bên kia sông Hằng.

Đức Phật nói:

- Không thể được, trên thế gian này, Như Lai không thấy ai, dù các vị Trời, Sa Môn, Bà La Môn, không ai có thể làm điều đó đối với Như Lai được, tuy nhiên, Ông muốn hỏi việc gì cứ hỏi.

Quỷ Ãlavaka liền hỏi:

1- Vật sở hữu quý nhất của con người là gì?

2- Điều gì nếu thực hành đúng sẽ đem lại hạnh phúc?

3- Hương vị nào ngọt ngào hơn tất cả?

Đức Phật trả lời:

- 1- Niềm tin là vật sở hữu quý nhất của con người.

2- Giáo pháp nếu thực hành đúng sẽ đem lại hạnh phúc.

3- Sự chân thật là hương vị ngọt ngào nhất.

Quỷ lại hỏi:

- 1- Sống thế nào gọi là cao thượng nhất?

2- Làm sao vượt trùng dương?

3- Làm cách nào chế ngự phiền não?

Đức Phật đáp:

- 1- Sống với trí tuệ gọi là cao thượng nhất.

2- Nhờ kiên trì vượt trùng dương.

3- Nhờ tinh tấn chế ngự phiền não.

Quỷ lại hỏi:

- 1- Thành đạt trí tuệ bằng cách nào?

2- Làm sao mưu tìm sự nghiệp?

3- Cái gì làm cho tình bằng hữu trở nên khắn khít?

4- Từ thế gian này sang thế gian khác làm sao tránh khỏi phiền não?

Đức Phật trả lời:

- 1- Người kiên trì có niềm tin sáng suốt, thành đạt trí tuệ bằng cách nghe giáo pháp của bậc đại Giác có khả năng dẫn đến Niết Bàn.

2- Người làm công việc chính đáng một cách kiên trì cần mẫn, sẽ tìm được sự nghiệp.

3- Đức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khắn khít.

4- Người Cư sĩ thành thật có được bốn phẩm hạnh: Chân thật, giới đức, can đảm, và bố thí rộng rãi, sẽ không còn phiền não sau khi qua đời.

Được rồi, Ông cứ đi hỏi các vị Sa Môn, Bà La Môn khác xem họ có gì quý báu, cao thượng hơn chân thật, nhẫn nại và quảng đại không?

Quỷ Ãlavaka hiểu lời Phật giảng, nên nói:

- Đã hiểu bí quyết để mưu cầu an lạc trong tương lai, vậy đâu cần hỏi ai khác làm gì nữa, Ngài đến đây chính là sự lợi lạc an lành của Ãlavaka này. Tôi hiểu rằng của bố thí sẽ đem lại quả lành phong phú, từ nơi này đến nơi khác, từ thành này qua thành kia, tôi sẽ đi tán dương công đức của bậc Chính biến tri và giáo pháp cao thượng này.

LỜI BÀN:

Chúng ta nên phân tích qua những lời đức Phật trả lời giảng cho Quỷ, những lời này không chỉ dành cho thế giới Ngạ Quỷ, mà cũng cho loài Người, vì vậy cũng cần hiểu và nhớ để thực hành. Chúng ta lần lượt phân tích từng câu hỏi và trả lời dưới đây:

1- Quỷ hỏi: “Vật sở hữu chủ quý nhất của con người là gì?” Đức Phật trả lời: “Niềm tin là vật sở hữu quý nhất của con người” là sao?”

Niềm tin là gì? Niềm tin là sự tin tưởng vào một điều gì chắc chắn, tin tưởng ở tương lai về một vấn đề gì, cuộc sống của con người nếu không có một niềm tin, người ấy sống vô định, không biết sống thế nào cho phải lẽ, không biết ngày mai sẽ ra sao. Bởi vậy, “sở hữu quý nhất của con người là niềm tin” là thế, nhưng cũng cần biết có niềm tin chân chính đúng đắn có chứng minh nên tin, và niềm tin mù quáng không thể chứng minh không nên tin theo.

2- Quỷ hỏi: “Điều gì thực hành sẽ đem lại hạnh phúc?” Đức Phật trả lời: “Giáo pháp nếu thực hành đúng sẽ đem lại hạnh phúc” là thế nào?

Ví như làm lành tránh làm ác theo giáo pháp dạy, chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc, hạnh phúc gần như có tâm vui khi thực hành như thế, được nhiều người khen ngợi, hạnh phúc xa là được quả báo tốt đẹp ở đời sau. Cũng nên nhận chân giữa giáo chính pháp với giáo tà pháp, nếu thực hành đúng theo giáo tà pháp sẽ đem lại khổ sở; ví như nghe lời giáo tà pháp triệt hạ đạo khác, gây thành khủng bố chiến tranh giết chóc, sẽ đem lại khổ đau cho chúng sanh vậy.

3- Quỷ hỏi: “Hương vị nào ngọt hơn tất cả?” Đức Phật đáp: “Sự chân thật là hương vị ngọt ngào nhất”, làm sao chân thật lại là hương vị ngọt ngào nhất?

Sự chân thật sẽ đưa đến tin tưởng, từ tin tưởng đưa đến thỏa mãn, từ thỏa mãn đưa đến tình thắm thiết, từ tình thắm thiết coi nhau như một, nên hạnh phúc. Ví như tình bạn bè, tình vợ chồng, con cái, anh em v.v..., nếu không có sự chân thật đối xử với nhau, sẽ nghi ngờ, và dần đi đến ghét nhau, coi nhau như kẻ thù, nên Ngài nói: “Chân thật là hương vị ngọt ngào nhất” là vậy.

4- Quỷ hỏi: “Sống thế nào gọi là cao thượng nhất?” Đức Phật trả lời: “Sống với trí tuệ gọi là cao thượng nhất” là sao?

Trí tuệ là gì? Trí tuệ là thông minh, minh mẫn, người có trí tuệ thường hay nghĩ tới điều hay lẽ phải, tìm cách và tạo ra những gì mới lạ cho đời sống thêm tốt đẹp, từ vật chất đến tinh thần, do đó, Ngài bảo “Sống với trí tuệ gọi là cao thượng nhất”.

5- Quỷ hỏi: “Làm sao vượt qua trùng dương?” Đức Phật bảo: “Nhờ sức kiên trì vượt trùng dương.”

Trùng dương là biển cả, biển lớn, sức kiên trì là giữ vững một lòng không thay đổi, kiên nhẫn, kiên chí, kiên cường, kiên quyết, thì vượt trùng dương không khó, ví như người muốn giải thoát phải kiên trì tu hành mới giải thoát được vậy.

6- Quỷ hỏi: “Làm cách nào chế ngự phiền não?” Đức Phật nói: “Nhờ tinh tấn chế ngự phiền não” là sao?

Tinh tấn là luôn luôn siêng năng chăm chỉ chuyên cần không ngưng nghỉ, không thoái lui, tiến tới mãi khi làm một việc gì; tinh tấn là năng lực quyết tâm cần mẫn theo đuổi cho tới nơi tới chốn, ví như người tu vừa tu vừa lo đủ thứ chuyện, lúc tu lúc không, lúc tu nhiều, lúc tu ít, nên chẳng bao giờ thành đạt mục đích được; đã không thành đạt được mục đích, làm sao chế ngự được buồn phiền, bởi vậy “nhờ tinh tấn chế ngự phiền não” là vậy.

7- Quỷ hỏi: “Thành đạt trí tuệ bằng cách nào?” Đức Phật trả lời: “Người kiên trì có niềm tin sáng suốt, thành đạt trí tuệ bằng cách nghe giáo pháp của bậc đại Giác, có khả năng dẫn đến Niết Bàn” là thế nào?

Nghĩa là người đã có lòng tin kiên cố rồi, nghe đọc giáo pháp của Phật, thực hành tinh tấn kiên cố, sẽ đạt trí tuệ tối thượng, đó là khả năng dẫn tới giải thoát Niết Bàn.

8- Quỷ hỏi: “Làm sao mưu tìm sự nghiệp?” Đức Phật đáp: “Người làm công việc chính đáng một cách kiên trì nhẫn nại, sẽ tìm được sự nghiệp”.

Công việc chính đáng là chính nghiệp và chính mệnh, nghĩa là hành động chân chính phải lẽ, tôn trọng giới luật, sống bằng nghề chân chính lương thiện , không làm cho người và vật đau khổ, đó là làm công việc chính đáng; khi làm công việc chính đáng một cách cần mẫn kiên trì, sẽ tạo cho mình cuộc sống đầy đủ trong đạo đức, được quả báo tốt đẹp sau này vậy.

9- Quỷ hỏi: “Cái gì làm cho tình bằng hữu trở nên khắn khít?” Đức Phật dạy: “Đức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khắn khít”.

Đức quảng đại là có tâm rộng mở đón nhận, tâm thương người, khoan dung độ lượng là tha thứ cởi mở; nếu cư xử với tâm quảng đại khoan dung giữa bạn bè người thân, tình nghĩa càng ngày càng thắm thiết, không có gì nghi ngờ nữa, bởi vậy, “Đức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khắn khít” là vậy.

10- Quỷ lại hỏi: “Từ thế gian này tới thế gian khác, làm sao tránh khỏi phiền não?” Đức Phật giảng: “Người Cư sĩ có bốn phẩm hạnh: Chân thật, giới đức, can đảm, bố thí rộng rãi, sẽ không phiền não khi qua đời” là thế nào?

Thành thật là không dối trá có sao nói vậy, không giấu giếm, hỏi cái gì nói cái ấy, không quanh co chẳng nói vòng vo, không che đậy chẳng nói úp mở, không nói phù phiếm chẳng nói bóng nói gió, không nói hoa hòe hoa sói chẳng nói màu mè, không gièm pha nịnh bợ mà nói một cách ngay thẳng.

Giới là giới hạn, ngăn đe ngay thẳng, đức là đạo lý làm người, điều thiện, ơn huệ, Giới đức là những điều hay phải lẽ đúng đạo lý phải theo như ba điều về thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; bốn điều về miệng: không nói dối, không nói hai chiều, không nói thêu dệt, không nói ác; và ba điều về ý: không tham lam, không sân giận, không si mê tà kiến.

Can đảm là ý chí quyết tâm thực hành hai điều trên, can đảm chân thật, can đảm thực hành giới đức đầy đủ.

Bố thí rộng rãi là bố thí không giới hạn, không phân chia phân biệt lúc bố thí, tùy khả năng mà bố thí theo phương thức bình đẳng bố thí. Như vậy người nào có được bốn phẩm hạnh: chân thật, giới đức, can đảm, bố thí rộng rãi, sẽ được sinh cõi Trời vô cùng sung sướng, nên hết buồn phiền là vậy.

Chính biến tri là một trong 10 danh hiệu của Chư Phật. Chính biến tri có nghĩa là biết rõ hai đế lý: Lý thế gian (Thế đế) là lý tương đối, và Lý chân thật (Chân đế) là lý tuyệt đối bình đẳng.

Khi Quỷ Ãlavaka đã hiểu những câu trả lời của đức Phật, và cũng là những lời giảng dạy của Ngài, Quỷ tán thán công đức của bậc Chính biến tri, và đi các nơi tán thán công đức của Phật. Như vậy, thế giới Ngạ quỷ cũng có Quỷ đã được học Phật pháp, cũng biết việc thiện ác, chứ không phải là không biết; việc Quỷ Ãlavaka giết hại người, kể từ lúc được Phật thâu phục giáo hóa rồi, không còn làm việc giết hại người nữa, mà chính quỷ Ãlavaka đã đi khắp nơi, tán dương công đức và nói giáo pháp cao thượng của Phật trong thế giới Ngạ quỷ.

Cũng giống như cõi Ngạ quỷ, mặc dù cõi Người có Phật pháp, nhưng nhiều người không biết tới Phật Pháp, vẫn có nhiều người làm ác. Chúng ta có thể so sánh việc đức Phật thu phục giáo hóa Quỷ Ãlavaka của cõi Quỷ vào hạ thứ 16 (sau khi đức Phật thành Đạo), giống như Ngài thu phục giáo hóa người sát nhân Angulimala tại Rãjagaha trong hạ thứ 20. Angulimala đã giết 999 người để chặt 999 ngón tay xâu thành chuỗi. Chúng ta thử suy nghĩ xem: Người và Quỷ đâu có khác gì nhau?

 

 

Theo Quảng Đức

Các tin tức khác

Back to top