Cha mẹ và con và …

5/08/2017 2:08
“ Tôi phải làm gì đây?”, “Cháu phải làm sao đây” như là những tiếng kêu vô vọng không lời đáp, trong thời đại mà chỉ cần nhấc con chuột vi tính lên thì có thế giới đã nằm trong lòng bàn tay, vậy mà những con người tưởng là thân thiết ruột rà gần gũi với nhau nhất như cha mẹ và con cái lại cứ như ngày càng xa cách, ngày càng không thể tìm thấy tiếng nói chung.

Cha mẹ

“ Tôi có đứa con trai, năm nay đang học lớp 8. Cháu có những biểu hiện làm tôi không thể nào hiểu được. Cháu tự nhiên bắt chước chúng bạn bấm lỗ tai, nhuộm tóc… Tôi đã la, và đánh cháu. Cháu rất ngoan, nhưng dạo này tôi không thể hiểu nỗi những việc làm của cháu…(quangvo@)

* Làm thế nào để luôn trở thành người bạn tâm tình của con gái mới lớn của mình? (NM, 41 tuổi, Nguyen – M11@).

* trước sự việc 5 em học sinh lớp 7 tự tử tập thể ở Hải Dương, tôi thực sự bàng hoàng và đau xót. Tôi cũng có con trai học lớp 7, đúng là cái tuổi chưa lớn hẳn và không còn là trẻ con nữa. Tôi thực sự lo lắng vì không biết trước diễn biến tâm lý của các cháu. Nên cư xử thế nào khi cháu mắc lỗi…(NMH, m-huong@)

* Con tôi học lớp 8, có hiện tượng lười học, nói dối, bắt đầu mê games online, nói năng cộc lốc, muốn gần gũi cũng khó, nói ngọt có lúc nghe lúc không. Nói nhiều sợ cháu nhàm chán. Có cách gì giúp cháu bớt mê games và ham học trở lại? (NTT, 47 tuổi).

* Con gái tôi đang học lớp 11, không thích ở gần mẹ, thích đi xa. Tôi không biết hiện nay cháu đang nghĩ gì…? (Xuân, 50 tuổi, mais@).

* Con trai tôi 17 tuổi, ngoan và giỏi. Chỉ tội lúc này cháu hay phản ứng với tôi…Sức học của cháu tốt, nhưng sao có lúc bị điểm kém. Tôi lo quá. Tôi chỉ có mình cháu và tôi rất thương cháu. Tôi phải làm gì đây? (HM, 47 tuổi , Phuong@ship)

Và con…

* Mẹ lúc nào cũng mong em tốt nhất. Mẹ đòi em phải hoàn hảo. Mẹ lúc nào cũng muốn em tốt hơn và tốt hơn nữa! Em biết mẹ chỉ muốn em tốt, nhưng điều đó làm em cảm thấy nặng nề hơn, đó là một lực ép khiến em thấy khó chịu. Nhiều lúc trong những cuộc tranh luận, em thấy mẹ sai và mẹ chỉ muốn dành phần đúng cho mình, nhưng em không biết xử sự thế nào cho phải, để không bị cho là hỗn…(Chris, 14 tuổi, chocolat@)

* Em đang rất buồn vì chuyện học hành không như ý muốn, có lẽ chính vì sự kỳ vọng quá nhiều của gia đình đã làm cho em thấy hụt hẫng và chán nản. Vốn là người trầm tính, bây giờ em thấy mình càng ngày càng lầm lỉ hơn. Xin cho em một lời khuyên (P, 22 tuổi, miennam@).

* Em năm nay thi tốt nghiệp và thi đại học. Tuy em học ở trường tốt nhất thành phố nhưng học lực em không được tốt. Ngày mai là thi tốt nghiệp rồi mà trong đầu em trống trơn. Nếu em rớt tốt nghiệp thì chỉ còn nước đi tự tử bởi vì không còn mặt mũi nào nhìn thầy cô, bạn bè…(G, 18 tuổi, frei@).

* Chúng em hay bị áp lực về học tập vì yêu cầu của cha mẹ là phải học cho thiệt giỏi để bằng bạn bằng bè, áp lực ấy khiến rất nhiều bạn trong lứa tuổi chúng em tỏ ra rất sợ hãi và thường nghĩ bậy khi bị điểm xấu hay có vấn đề ở nhà trường mà không dám tỏ bày cùng cha mẹ…(thuankhiet@).

* Làm thế nào để ở tuổi này chúng em có thể sống thật với chính mình, có thể nói với cha mẹ rằng chúng em muốn sống một cuộc sống mà chúng em lựa chọn chớ không phải theo sự xếp đặt của ba mẹ (huynh thi, 16 tuổi, nhoc@)

* Mẹ cháu là một người tương đối hiền lành nhưng khi cháu làm sai việc gì là mẹ lại la mắng và sỉ nhục cháu rất nhiều. Cháu phải làm sao đây? (LM, 15 tuổi, lamminh@)

Và…

“Tôi phải làm gì đây?”, “Cháu phải làm gì đây?” như là những tiếng kêu vô vọng không lời đáp, trong thời đại mà chỉ cần nhấc con chuột vi tính lên thì cả thế giới đã nằm trong lòng bàn tay , vậy mà những con người tưởng là thân thiết ruột rà gần gũi với nhau nhất như cha mẹ và con cái lại cứ như ngày càng xa cách, ngày càng không thể tìm thấy tiếng nói chung .

“Tôi chỉ có mình cháu và tôi rất thương cháu…”. Rất thương! Chắc chắn rồi, rất thương! Nhưng lẽ nào rất thương lại tạo ra nông nỗi này? Lẽ nào “rất thương” lại là nguyên nhân dẫn đến những cắn đắn nhau, những phiền trách nhau, những ghét bỏ nhau, thậm chí…những oán thù nhau? Có cách nào để vẫn rất thương mà không dẫn đến những side effects (phản ứng phụ) như vậy không?

Khi một bà mẹ mang thai đứa con trong lòng, một tình thương vô bờ bến đã tràn vào tâm hồn bà, một tình thương vô điều kiện, sẳn sàng chấp nhận, hy sinh, để bảo vệ đứa con., sẳn sàng làm mọi thứ tốt lành cho đứa con. Không đợi khoa học chứng minh thai nhi vài ba tháng tuổi trong bụng mẹ đã có thể nghe, có thể hiểu, bà mẹ bằng trực giác đã biết ân cần với con, biết hát ru con, biết trò chuyện với con. Khi con máy đạp, dù bị khó chịu bà vẫn vui mừng không xiết, mầm sống đã cựa mình, đã quậy phá, và bà mỉm cười với nó, nhẹ nhàng với nó, hãnh diện vì nó. Ông bố cũng vậy, sẳn sàng bỏ rượu , bỏ thuốc lá… vì con theo lời khuyên của bác sĩ. Vợ chồng trở nên dịu dàng trong lời ăn tiếng nói để con không bị vấy bẩn tâm hồn ngay còn trong trứng nước. Đây là một thứ tình thương không bờ bến, hoàn toàn vô điều kiện. Có phải là “Từ”?

Rồi khi con bi bô, chạy nhảy chơi đùa, u đầu sứt trán, tróc vảy trầy da, ông bố bà mẹ nào cũng đau cái đau của con, đau còn hơn con, muốn đau thay cho con mà không được! Dĩ nhiên không phải là lòng thương hại. Quan tâm chăm sóc, làm giảm đau, và…không quên dạy dỗ con biết phòng tránh sau này. Có phải là “Bi”?

Rồi con lớn lên, đi học, lớp này lớp khác, đạt thành tích này thành tích khác trong học tập, thể thao, văn nghệ, bố mẹ nào chẳng hân hoan sung sướng nhìn con , chia sẻ cùng con nỗi mừng vui, không hề có chút lòng ganh tị! Vui cái vui của con như của chính mình, còn hơn cả của chính mình. Có phải là “Hỷ”?

Rồi khi con lớn khôn, ra trường, có sự nghiệp, có gia đình riêng, hạnh phúc riêng, người làm cha mẹ nào cũng cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc, thấy mình đã làm hết những gì cần làm cho con, cũng ý thức được giới hạn của mình từ đây. Dĩ nhiên vẫn tiếp tục giúp đỡ với tấm lòng rộng mở. Có phải là “Xả”?

Tuổi mới lớn, tuổi vị thành niên là một tuổi đặc biệt khó khăn. Đó là tuổi của lúng túng, hoang mang, của lo âu và sợ hãi. Tuổi của buổi chưa định hình, còn loay hoay tìm kiếm. Nhưng đó cũng lại là tuổi của mộng mơ, của lý tưởng, hoài bảo và nhiệt huyết. Để trở thành một cánh bướm đầy màu sắc nhởn nhơ bay lượn, nhộng phải vận mình trong tổ kén. Sớm bóc kén cho nhộng mau thành bướm thì bướm dễ bị què quặt. Thấu cảm, Tôn trọng và Chân thành là những nguyên tắc quan trọng cho cả cha mẹ và con cái trong buổi khó khăn này. Phải chăng nhiều khi thương con, ta đã muốn con phải giống mình, phải đi vào đường ray của mình đã vạch; ta đã phủ đời con bằng cái bóng của mình, che khuất ánh mặt trời của những hạt mầm đang vươn?

Từ Bi Hỷ Xả chính là cách mà cha mẹ đã dành cho con cái suốt cả cuộc đời vậy.

 

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 22 | Những giá trị sống | BS. Đỗ Hồng Ngọc

Các tin tức khác

Back to top